Chết mòn vì rượu và thuốc lá

26/06/2012 18:38

Những ai nghiện rượu và thuốc lá đều có chung một “lý luận”: Ai khác uống rượu, hút thuốc thì bệnh chứ tôi thì không. Vì trông tôi vẫn khỏe, vẫn “cày cuốc” tốt. Và mọi cảnh báo về hai chất độc hại này trở thành những chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.


Rượu sinh viêm gan, rồi xơ gan, rồi ung thư gan với tiến độ càng nhanh nếu độ cồn càng cao. Hiện không còn ai có thể chối cãi là cứ 100 người uống rượu bia mỗi ngày (khoảng bốn ly) thì có một mạng trở thành nạn nhân của ung thư gan trong vòng một năm sau khi uống rượu. Số còn lại tăng dần với tỉ lệ mắc bệnh tùy theo thời gian say xỉn.

Giải độc acetaldehyd sau khi uống rượu

Theo các nhà nghiên cứu, thủ phạm là chất acetaldehyd, phế phẩm trong tiến trình thoái biến trong chất cồn ở gan. Cũng chính vì chất này mà người nhậu phải say, rồi sau đó thành ghiền. Không dừng lại ở đó, chất này càng nhiều, càng ở lâu trong cơ thể thì gia chủ không chỉ quắc cần câu mà nguy cơ bị ung thư càng cao. Chính vì thế mà mọi biện pháp giải độc cho cơ thể sau bữa nhậu tới bến rất quan trọng vì mang ý nghĩa dự phòng, giúp tránh được phần nào hậu quả do acetaldehyd gây ra.

Chất acetaldehyd ở lại trong cơ thể lâu hay mau là do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, chẳng hạn vì:

- Rối loạn quân bình vi sinh trên đường ruột. Người có bệnh mạn tính trên đường tiêu hóa không được điều trị đến nơi đến chốn, người uống thuốc kháng sinh quá thường… do đó là đối tượng dễ bị ung thư hơn người khác.

- Bệnh nội tiết. Đối tượng thường xuyên của stress, người bệnh tiểu đường, bệnh tuyến giáp là miếng mồi ngon hơn kẻ may mắn không có vấn đề với nội tiết tố.

- Thiếu vệ sinh răng miệng khiến niêm mạc vòm hầu, thanh quản, thực quản trở nên nhạy cảm với chất sinh ung thư trong rượu bia qua bàn tay tiếp sức của lực lượng vi khuẩn sống chực chờ trong kẽ răng, cổ họng.

- Cơ địa cá biệt. Có người tuy không uống bao nhiêu, cũng không nhậu mỗi ngày nhưng lại bị ung thư! Ngược lại, cũng có người uống nhiều nhưng ít bệnh. Đây chính là kẽ hở giúp tạo thành lối thoát trong lý luận của người yêu rượu: “Ai bệnh không biết chứ tôi thì không vì trời thương tặng cho bộ “gen” tẩm rượu”.

Tăng nguy cơ ung thư nếu hút thuốc khi uống rượu

Điều đáng nói là khả năng nhiễm ung thư “rồ ga qua cầu” rất nhanh nếu bợm nhậu mạnh miệng với cặp đôi hoàn hảo “rượu thuốc”, nghĩa là vừa uống rượu lại thêm hút thuốc!

Các nhà nghiên cứu ở Heidelberg đã quả quyết là: Xác suất sinh ung thư thực quản tăng gấp 18 lần nếu uống mỗi ngày hơn 80g rượu (khoảng ba ly bia). Tỉ lệ này nhảy vọt lên đến bốn lần nếu đi kèm với thuốc lá! Cũng với tỉ lệ này, người ung thư ruột già thì khổ hơn nữa vì chỉ cần 50g rượu (khoảng hai ly bia mỗi ngày) thì sẽ rơi vào tầm ngắm của bệnh ung thư.

Đối với phụ nữ, chỉ cần tiêu thụ mỗi ngày có 10g rượu bia kèm theo thuốc lá thì cũng đủ để cơ thể hứng chịu bệnh tật.

Tất cả tỉ lệ vừa kể đều nhân đôi nếu mức thu nhập bình quân mỗi ngày hơn 90g rượu và hơn 20 điếu thuốc! Bình quân nghĩa là cho dù không uống mỗi ngày nhưng hễ đụng trận thì “không say không về” thậm chí còn tai hại hơn mỗi ngày lai rai ba sợi.

Nghiện rượu và thuốc lá là tự sát. Biết vậy nhưng các “cổ động viên” của thuốc lá, rượu bia vẫn thường biện hộ nếu thiếu điếu thuốc bên ly bia cốc rượu thì cuộc sống sẽ vô cùng tẻ nhạt. Cho nên các cảnh báo đều có vẻ bị phớt lờ đi khi hậu quả chưa thật sự diễn ra. Và hình ảnh nam thanh nữ tú vừa uống rượu bia vừa phì phèo khói thuốc vẫn ngày càng tăng ở nước ta, đến mức báo động - báo động về một tương lai Việt Nam được xếp vào một trong những nước có số lượng người chết vì bệnh ung thư do thuốc lá và bia rượu nhiều nhất thế giới.

Tầm soát ung thư định kỳ là cần thiết

Thầy thuốc ngành ung bướu dựa vào chuyện rượu và thuốc lá đã từ lâu kêu gọi “ẩm khách” cũng như “hút khách” nên tham gia các chương trình tầm soát ung thư định kỳ nhằm phát hiện càng sớm càng tốt các bệnh như ung thư vòm hầu cho người hút thuốc và uống rượu, ung thư ruột già cho tất cả nam giới từ tuổi 50 dù không hút thuốc hay uống rượu, ung thư vú cho phụ nữ hoặc có nhấm nháp chút đỉnh, có thân cận với người hút thuốc và nhất là khi có thân nhân trực hệ đã bị ung thư vú.


Theo Dantri - NT