Hợp tác với Đức và Nhật – một hướng đi chiến lược trong đào tạo nhân lực

14/07/2012 11:26

Hôm qua 13/7, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Ban Chỉ đạo quốc gia Hội nhập quốc tế về giáo dục và khoa học, công nghệ đã họp phiên toàn thể.

Tham dự cuộc họp có đại diện các Bộ ngành trung ương cùng đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, Hiệp hội Doanh nghiệp Đức – hiện là những đối tác quan trọng trong việc tiếp nhận nguồn nhân lực và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực chất lượng cao với số lượng lớn và lâu dài.

Phát biểu đề dẫn tại phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, vấn đề hội nhập giáo dục và khoa học, công nghệ đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai từ nhiều năm qua và đạt được các kết quả tích cực. Tuy nhiên, hoạt động này còn phân tán, trùng lắp, thiếu tính kế thừa, hiệu quả chưa cao, chưa tạo sự đột phá trong phát triển giáo dục và khoa học, công nghệ của đất nước.

Phó Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ đã xác định, đất nước ta đã chuyển sang giai đoạn chiến lược phát triển mới với nhiều thời cơ mới trong hội nhập quốc tế với các nước là đối tác chiến lược, các nước mạnh về giáo dục và khoa học, công nghệ, có quan hệ hữu nghị với Việt Nam. Việc Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo này cũng nhằm tìm kiếm các đối tác có tiềm lực nhằm tạo sự đột phá trong phát triển giáo dục và khoa học, công nghệ cho Việt Nam.
Phó Thủ tướng cho rằng trong quá trình hội nhập, Chính phủ Việt Nam nhận thấy các doanh nghiệp Đức và Nhật Bản là những đối tác quan trọng trong việc sẵn sàng tiếp nhận nguồn nhân lực và nhận đào tạo nhân lực cho Việt Nam với số lượng lớn và lâu dài. Trong thời gian tới, cần có những giải pháp để các cơ sở giáo dục của Việt Nam phối hợp với các doanh nghiệp này để đào tạo nhân lực hiệu quả nhất.

Hướng đi đúng đắn, khả thi

Tại cuộc họp, đại diện phía Hiệp hội Doanh nghiệp Cộng hòa Liên bang Đức, ông Võ Quang Huệ, trưởng đại diện Tập đoàn Bosch của Đức tại Việt Nam cho rằng, việc Chính phủ Việt Nam dành sự quan tâm đến hội nhập quốc tế về giáo dục và khoa học, công nghệ là hướng đi rất đúng đắn, khả thi và sẽ đem lại hiệu quả nhanh chóng trong thời gian không xa.

Tuy nhiên, để thực hiện được vấn đề này, Chính phủ cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đối phó với những thách thức về chất lượng cũng như trong đào tạo nhân lực.

Ông Võ Quang Huệ cũng cho biết, hiện nay tại Đức, các doanh nghiệp đang thực hiện hệ thống đào tạo kép bằng cách hợp tác với các cơ sở đào tạo nghề và các trường đại học. Sự hợp tác này này liên quan đến việc cung cấp chương trình thực tập tại công ty, cung cấp học bổng cho sinh viên. Cho đến nay, các chương trình này đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, người được đào tạo đã tiếp cận thực tiễn nhiều hơn.

Ông Munakami, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cho biết vừa qua, thông qua quá trình nghiên cứu cơ bản của JICA, Nhật Bản cũng đã tiến hành cuộc khảo sát đề xác định nhu cầu về nguồn nhân lực của khối doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Các công ty Nhật Bản cho rằng, về các kiến thức làm việc cơ bản, lao động Việt Nam cần phải nắm rõ nguyên tắc tổ chức, các chế độ phúc lợi và thời gian làm việc tại các công ty hơn là có được các kỹ năng chuyên môn cao trong giai đoạn đầu vào; đồng thời phải kiên nhẫn hơn bởi thời gian chính là thuốc thử tốt nhất đối với những kỹ sư mới ra trường.

Đại diện phía Nhật Bản và Cộng hòa liên bang Đức cũng đề nghị các bộ ngành của Việt Nam cần có nghiên cứu sửa đổi những quy định để người lao động cam kết ở lại doanh nghiệp làm việc lâu dài. Bên cạnh đó, cần coi các doanh nghiệp Đức, Nhật như một đối tác chiến lược trong giáo dục chuyên nghiệp.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Cần khẳng định cam kết của Việt Nam là nỗ lực đáp ứng đầy đủ những yêu cầu về nguồn nhân lực của các doanh nghiệp.

Khẳng định cam kết của Việt Nam

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội soạn thảo chương trình hợp tác với Hiệp hội doanh nghiệp Đức, Nhật Bản với nội dung nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp nhân lực cho doanh nghiệp Đức, Nhật Bản, Việt Nam giai đoạn 2013 định hướng 2015.

Về thời hạn, trong tháng 9/2012, ký thỏa thuận với Hiệp hội Doanh nghiệp Đức và trong tháng 10/2012, ký với Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản.

Về hợp tác giữa Việt Nam với Hiệp hội Doanh nghiệp Đức, Phó Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành cần cung cấp thông tin dự báo về nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, doanh nghiệp Đức thống nhất danh mục trình độ nhân lực đào tạo, nghề nghiệp để những thông tin này được sử dụng làm dữ liệu lâu dài.

Phó Thủ tướng yêu cầu triển khai ứng dụng từng bước đào tạo kép tại một số cơ sở đào tạo Việt Nam và các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam, khẩn trương thực hiện việc công bố thông tin về 100 doanh nghiệp Đức tại Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận sinh viên Việt Nam vào thực tập.

Về việc xác định chi phí đào tạo coi là chi phí sản xuất, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính cần có hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ trước 30/8 để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đối với Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, căn cứ dự báo nhu cầu nhân lực Nhật Bản tại Việt Nam, hai bên sẽ làm việc với các cơ sở đào tạo Việt Nam để chuẩn bị cơ chế đặc thù khi đào tạo nhân lực cho Nhật Bản.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, viện nghiên cứu, các trường đại học quốc gia phối hợp chặt chẽ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, khẳng định cam kết của Việt Nam là nỗ lực phấn đấu đáp ứng đầy đủ những yêu cầu về nguồn nhân lực của các doanh nghiệp Nhật Bản và Đức.


Theo (Chinhphu.vn)-L.T