Một mái chèo đưa bộ đội qua sông

28/04/2012 14:48

(Baonghean) - Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ ở xóm 3,xã Đặng Sơn- Đô Lương, có một bà mẹ, năm nay bước qua tuổi 100, lặng lẽ sống với người dâu cả đã ở tuổi gần 70 cùng cháu nội . Hàng ngày, mẹ trở dậy từ tinh sương, làm bạn với cây gậy và câu hát Kiều. Bước ra khỏi chiến tranh, mẹ cũng như bao người dân quê, hòa mình vào với cuộc đời bình dị, chân chất lo toan. Có mấy ai biết, mẹ là Đậu Thị Tân, người mẹ chèo đò đưa bộ đội, thương binh, vận chuyển đạn dược, nhu yếu phẩm trên dòng sông Lam trong hai cuộc chiến cứu nước…

(Baonghean) - Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ ở xóm 3,xã Đặng Sơn- Đô Lương, có một bà mẹ, năm nay bước qua tuổi 100, lặng lẽ sống với người dâu cả đã ở tuổi gần 70 cùng cháu nội . Hàng ngày, mẹ trở dậy từ tinh sương, làm bạn với cây gậy và câu hát Kiều. Bước ra khỏi chiến tranh, mẹ cũng như bao người dân quê, hòa mình vào với cuộc đời bình dị, chân chất lo toan. Có mấy ai biết, mẹ là Đậu Thị Tân, người mẹ chèo đò đưa bộ đội, thương binh, vận chuyển đạn dược, nhu yếu phẩm trên dòng sông Lam trong hai cuộc chiến cứu nước…

Sinh ra và lớn lên tại quê hương Đặng Sơn, Đô Lương, bên bốn mùa đầy vơi sông Lam, giống như nhiều người khác, mẹ Đậu Thị Tân (hay còn gọi là Đậu Thị Em) nương vào dòng nước sông Lam để có một nghề kiếm sống, đó là nghề chèo đò dọc. Với người phụ nữ chân yếu tay mềm như mẹ Tân, nghề chèo đò khá vất vả, nhưng đã giúp mẹ mưu sinh, lo cuộc sống gia đình. Mẹ yêu mái chèo và công việc của mình, như yêu chính quê hương mình.




Mẹ Tân rưng rưng nhìn lại bức ảnh cũ của mình.

Lấy chồng, cuộc sống gia đình cùng những lo toan bộn bề đè nặng lên vai mẹ. Sinh được 9 người con, chỉ giữ được 7, cộng với 3 con riêng của chồng, tất cả 10 người, cuộc sống của mẹ nhiều khi tưởng chỉ còn lam lũ, vất vả, thương đau. Hết giặc Pháp đến giặc Mỹ. Chồng mẹ Tân tích cực tham gia dân công hỏa tuyến trong kháng chiến chống Pháp, còn sau này trong kháng chiến chống Mỹ, 5 người con của mẹ đều tham gia tòng quân đánh giặc. Mẹ luôn động viên, khích lệ các con sẵn sàng chiến đấu vì Tổ quốc, giữ vững niềm tin vào Đảng. Đã có những đêm, mẹ ngồi trước mũi thuyền, nước mắt lặng lẽ nhỏ, hòa cùng dòng sông nước khi hay tin những đứa con bị thương trên chiến trường. Nhưng, để rồi mai sớm, mẹ lại thêm vững tay chèo.


Từ những năm kháng chiến chống Pháp, trong khi chồng tham gia dân công hỏa tuyến, mẹ Tân ở nhà vừa lo việc gia đình, nuôi dạy con cái, vừa xung phong chèo đò vận chuyển thương bệnh binh từ Đô Lương về trạm quân y điều trị, vận chuyển lương thực cho chiến trường ở Thượng Lào. Lúc ấy với mẹ, chèo đò không còn là một nghề kiếm sống nữa, công việc vận chuyển mới của mẹ quan trọng và khiến mẹ thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn nhiều. Mỗi một chuyến đò tới đích an toàn, mẹ cảm giác như nhẹ lòng và càng tin cuộc kháng chiến của dân tộc dù gian khổ nhưng ắt thắng lợi.


Những năm 1965-1968, miền Bắc bị đế quốc Mỹ ném bom tới tấp, nhà cửa ruộng vườn của mẹ Tân trở thành kho quân lương và bếp nấu ăn cho bộ đội. “Thậm chí bộ ván hòm của mẹ để dành lúc cuối đời cũng sẵn lòng đưa ra cho bộ đội lát đường kéo pháo”, mẹ Tân kể lại. Ngày ấy, vùng đập Bara Đô Lương, quê hương mẹ bị địch đánh phá dữ dội. Nhiều người bỏ nghề chèo đò, mẹ vẫn quyết giữ nghề bởi bên cạnh việc chở khách mưu sinh, mẹ còn thấy cần thiết vô cùng việc giúp cho các anh bộ đội được qua sông an toàn. Có lần mẹ chở 10 chiến sỹ của Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 222 Pháo cao xạ sang bên kia sông để khảo sát lập trận địa mới.

Lần đó, chẳng may đò của mẹ bị máy bay địch phát hiện, chúng liên tiếp bắn đạn 20 ly và rốc-két xuống cả khúc dài sông Lam. Hiểu rõ từng khúc đoạn con sông, mẹ liền nhanh chóng chèo đò men theo lạch nước vào đoạn sông cạn, ra hiệu cho các chiến sỹ nhảy xuống sông, ẩn mình dưới thân đò tránh đạn. Chuyến đò hôm ấy thật kinh hoàng song cuối cùng cả 10 chiến sỹ đều an toàn, chỉ riêng mẹ bị mảnh đạn địch làm dập hai ngón tay. Sau lần ấy, cảm động trước tấm lòng và sự quả cảm của mẹ, các chiến sỹ của Tiểu đoàn 4 đã nhận mẹ làm mẹ nuôi của đơn vị.


Một ngày tháng 5 năm 1967, vào thời điểm khu vực sông Lam đoạn qua huyện Đô Lương đang là trọng điểm đánh phá của máy bay giặc Mỹ, mẹ Tân nhận nhiệm vụ vận chuyển một số đạn pháo phục vụ trận địa cao xạ đang chiến đấu.

Với quyết tâm cao phải mang đạn pháo đến tận nơi cho chiến sỹ, mặc cho nhiều tốp máy bay trinh sát của địch bất ngờ xuất hiện và bắn phá bất cứ mục tiêu nào chúng phát hiện trên sông, mẹ đã xếp đạn dưới lòng con đò, ngụy trang lên trên bằng những thân củi và nhanh chóng chèo qua sông. Mẹ Tân nhớ lại với một nụ cười: “Chuyến đi ấy mẹ qua sông an toàn”. Mẹ còn đến các trận địa pháo binh ở Cồn Bù, Bãi Dầu, Vòm Cóc…để thăm hỏi bộ đội và thương binh.


Cứ thế, trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc, đôi tay gầy bé nhỏ của mẹ Tân đã vịn vào mái chèo ấy cho bình yên những chiến sỹ qua sông. Từng ngày tháng trôi qua, dòng sông Lam vẫn miệt mài chảy trôi, chứng kiến bao lớp đạn bom quân thù dội xuống, chứng kiến bao máu xương tan chảy, và cũng lặng thầm chứng kiến sự dũng cảm, lòng yêu nước giản dị của mẹ Tân.


Bác Trần Minh Điệp- người con trai thứ 3 của mẹ Tân, vốn là một cựu binh, hiện đang sinh sống tại Hải Phòng nhớ lại: “Thời chiến tranh chống Pháp, tôi còn nhỏ, cùng với các anh chị em và cha mẹ hàng ngày lênh đênh trên dòng sông Lam. Với một mái chèo, mẹ tôi thường chở gạo, chở than phục vụ nhà máy đúc vũ khí ở Cát Văn.

Rồi chiến tranh chống Mỹ, anh em chúng tôi lần lượt lên đường tòng quân. Mẹ tôi ở nhà, vẫn một mái chèo trên dòng Lam, đưa thương binh, bộ đội…qua sông. Tôi và người anh thứ 2, năm ấy cùng vào chiến trường miền Nam. Một ngày kia, giữa trận chiến ác liệt, chúng tôitình cờ nghe trên Đài Tiếng nói Việt Nam phát bản tin về mẹ mình. “Mẹ Đậu Thị Tân dưới làn bom đạn quân thù vẫn kiên cường, bình tĩnh lái đò, đảm bảo người và lương thực qua sông an toàn”.

Lúc ấy, anh em tôi đã trào nước mắt. Trước mắt hiện lên rõ mồn một hình ảnh mẹ và dòng sông quê, cái hình ảnh đã găm vào trí nhớ tôi từ thời thơ bé. Nói sao hết nỗi xúc động, nỗi nhớ mẹ, nhớ quê hương, nói sao hết niềm tự hào, khi tên mẹ tôi, người mẹ lam lũ, tảo tần mà can đảm đang được vang lên trên khắp chiến hào. Bản tin ấy cũng vang lên tên của anh em chúng tôi, những người lính đang chiến đấu ở các chiến trường nữa. Từ ấy, chúng tôi thêm vững tay súng, thêm niềm tin để chiến đấu và chiến thắng. Tôi còn nhớ, sau này, bác Chu Mạnh- nguyên là Chủ tịch tỉnh Nghệ An còn có bài thơ viết về mẹ Tân chèo đò…”.


Tháng 10-1968, sau khi được đi báo cáo thành tích ở các Đại hội mừng công chống Mỹ cứu nước, mẹ Tân tặng Bảo tàng Quân khu 4 chiếc chèo, kỷ vật thiêng liêng từng gắn bó với mình suốt những năm chiến tranh ác liệt. Hơn 40 năm qua, mái chèo cùng với bức ảnh đen trắng về một người phụ nữ chèo đò vẫn được trưng bày trang trọng trong Bảo tàng. Mẹ Tân, sau đó, cũng như bao người khác, trở về cuộc sống bình dị, nhớ về chiến công của mình như những kỷ niệm và xem đó là những việc làm tất yếu của bất cứ người dân nào khi Tổ quốc bị xâm lăng…


Cho đến một ngày, có người dân cùng xã đến thăm Bảo tàng Quân khu 4, tình cờ nhìn thấy bức ảnh và mái chèo của mẹ Tân, đã tìm tới mẹ và kể cho mẹ nghe. Thế là, những ký ức tưởng chừng chìm khuất đã sống dậy trong lòng mẹ. Một sớm đầu xuân năm 2011, mẹ Tân được các con, cháu đưa tới Bảo tàng.

Mẹ run run cầm lại mái chèo có số đăng ký 674/G.41 và trong niềm xúc động, mẹ đã kể lại cho những khách tham quan, cán bộ bảo tàng và những người con đang quây quần quanh mình về công việc chèo đò xưa. Chị hướng dẫn viên gỡ bức ảnh đen trắng xuống, hỏi mẹ: “Mẹ có nhìn ra ai trong bức ảnh này không?”. Mẹ Tân nheo mắt cười hiền hậu, bàn tay nhăn nheo chạm lên mặt chữ: “Mẹ Đậu Thị Tân chèo đò đưa bộ đội qua sông”. Lúc ấy, trong đôi mắt của mẹ và những người con hôm nay, bỗng rưng rưng...


Thùy Vinh