Cổ tích tháng Bảy

16/07/2012 14:35

Những ngày đầu tháng 7, trời Thành phố Vinh chợt nắng chợt mưa, trong phòng bệnh số 18 khoa A2-Quân y Viện 4, có cặp vợ chồng đang quấn quýt bên nhau. Người chồng là ông Trần Nguyên Ty, ở xóm 14 xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, thương binh nặng 1/4, mất sức 91%, đang nằm bên người vợ là bà Doãn Thị Oanh. Bà Oanh ghé vào tai chồng thủ thỉ: “Ông cố gắng ăn uống, thuốc thang cho mau lành bệnh để chờ thằng Hồng ở Trường Sa nó về tết thăm nhà nữa chớ”. Nghe nhắc đến tên thằng con đang ở Trường Sa, ông Ty xúc động lắm.

(Baonghean) - Những ngày đầu tháng 7, trời Thành phố Vinh chợt nắng chợt mưa, trong phòng bệnh số 18 khoa A2-Quân y Viện 4, có cặp vợ chồng đang quấn quýt bên nhau. Người chồng là ông Trần Nguyên Ty, ở xóm 14 xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, thương binh nặng 1/4, mất sức 91%, đang nằm bên người vợ là bà Doãn Thị Oanh. Bà Oanh ghé vào tai chồng thủ thỉ: “Ông cố gắng ăn uống, thuốc thang cho mau lành bệnh để chờ thằng Hồng ở Trường Sa nó về tết thăm nhà nữa chớ”. Nghe nhắc đến tên thằng con đang ở Trường Sa, ông Ty xúc động lắm.

Nhớ lại những năm 1966-1967, ông Ty bà Oanh vốn là đôi bạn học trò chung lớp, mến nhau, yêu nhau từ lúc còn học cấp 2. Năm 18 tuổi, ông Ty tình nguyện vào bộ đội. Trong buổi lên đường, Ty đã ngỏ lời với Oanh. Năm 1968, sau một lớp huấn luyện ngắn ngày, Ty được bổ sung vào đại đội 3, tiểu đoàn 5, Sư đoàn 968, Quân khu 4 và được điều ngay vào chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, sau đó được chuyển qua chiến trường Lào. Vốn là một chàng trai vùng biển khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, gan góc, trong nhiều trận chiến đấu giáp mặt kẻ thù, Ty đã lập được nhiều chiến công, được đơn vị khen thưởng và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba. Năm 1971, trong một trận chiến đấu ác liệt để bảo vệ đường Hồ Chí Minh, Ty bị thương nặng ở đầu, ở chân, được chuyển về tuyến sau với một thân hình tàn phế, mù một mắt, liệt nửa người và còn mấy mảnh đạn trong người. Những tháng đầu về Trại thương binh, có lúc Ty nghĩ sẽ ở luôn tại đoàn 582 Nam Hà, không nhắn tin cho Oanh, cho gia đình vì sợ Oanh và gia đình buồn. Gia đình tưởng Ty đã hy sinh. Khi biết được tin Ty đã về Trại thương binh, bà Lê Thị Cúc, mẹ của Oanh đã động viên con giữ vững lòng chung thuỷ. Năm 1973, họ nên vợ nên chồng. Chị Oanh đã vượt qua bao khó khăn, vừa làm ruộng vừa chạy chợ, vừa gánh vác công việc nhà chồng. Những khi chồng đau nặng, chị lại lên trại thương binh đưa chồng đi viện chăm nuôi chồng. Chị tâm sự: “Nhờ trời phật phù hộ, cũng nhờ Đảng, nhờ Chính phủ, vợ chồng em có 4 mặt con, gia đình em dần dần thoát khỏi cảnh đói nghèo. Con gái đầu là Trần Thị Việt học xong cấp 3 rồi đi học nghề làm cô giáo mầm non. Đứa thứ 2 là Trần Nguyên Hồng học xong cấp 3, ở nhà. Một người bộ đội cùng quê là ông Phan Thế Sự, cám cảnh gia đình tôi nên xin cho cháu đi Hải quân. Cháu đi bộ đội được 14 năm, 6 năm nay cháu ra đóng quân ở Trường Sa. Cháu thứ ba là Trần Nguyên Quân, là công nhân lái máy cẩu, cháu thứ 4 là Trần Thị Thương, đã học xong Cao đẳng văn hoá nghệ thuật, nay đang tìm việc. Trừ cháu Hồng ở Trường Sa, còn ba cháu mấy lâu nay nghỉ việc, đến bệnh viện nuôi cha cùng mẹ. Bây giờ các cháu đã trưởng thành, ông bà có cháu nội, cháu ngoại, kinh tế có đỡ hơn, nhưng nghĩ lại những lúc các con còn nhỏ dại, khi chồng đau nặng phải bỏ con ở nhà nheo nhóc, theo chồng hết Viện 108 lại, về Viện 4, viện tỉnh. Có lúc tiền hết, gạo không, đem bìa đất thế chấp vay ngân hàng nhiều lần. Có lần ở Viện 108, ông Ty mổ não, tôi phải ăn nhờ cơm của người nhà bệnh nhân cùng phòng mấy ngày, có nhiều bữa nhịn đói ôm chồng, chỉ mong ông Ty sống được.



Bà Oanh chăm sóc chồng tại Bệnh viện 4.

Câu chuyện bà Oanh kể giữa chừng thì ông Ty lên cơn ho, hai chân co giật, bà ôm chồng vào lòng vỗ về rồi lại kể tiếp: “39 năm làm vợ ông Ty, hơn chục lần ông ấy đau nặng, 2 lần mổ não ở Viện 108, 2 lần mổ bàng quang. Ngay như lần này vô Viện 4, ông ấy nằm bất động mấy ngày tưởng không qua khỏi, may mà nhờ các thầy thuốc tận tình cứu chữa. Nay ông ấy tỉnh rồi. Thằng Hồng ở Trường Sa điện về hỏi thăm cha từng ngày”.

Phía sau sự sống của những người thương binh nặng, là sự hiện diện của những người vợ đảm đang, tận tuỵ, giàu đức hy sinh. Những con người thầm lặng ấy đang làm yên lòng những người lính ở nơi đảo xa giữ biên cương của Tổ quốc.


Ngô Hiền Anh