Truyền thông Trung Quốc: Những giọng điệu khác nhau

21/07/2012 11:45

Truyền thông Trung Quốc cho thấy những giọng điệu khác nhau về tranh chấp biển đảo khi cứng rắn với các nước khác nhưng lại nhún nhường với Nga.

Luận điệu hiếu chiến


Bài viết trên Nhân dân nhật báo của nước này cho biết, khắp nơi đều đang có những “tiếng nói tiêu cực, bi quan ”rằng“ Trung Quốc đang có nhiều thách thức”.


Theo đó, Trung Quốc đang đối mặt rắc rối bên ngoài, đó là tranh chấp đảo Điếu Ngư với Nhật; tranh chấp Biển Đông với một số nước trong khối ASEAN. Trong khi đó, nền kinh tế cũng đang chịu khủng hoảng. “Sự khó khăn của Trung Quốc còn kéo dài thêm một thời gian nữa”, Nhân dân nhật báo dẫn lời Thủ tướng Ôn Gia Bảo.



Một tàu cá Trung Quốc bị tuần duyên Nhật truy đuổi - Ảnh: Reuters


Bài xã luận nêu trên đặt câu hỏi, có lúc nào Trung Quốc được “thảnh thơi” ? Không chỉ đang bị dư luận quốc tế phản đối vì cách hành xử ‘diều hâu’ ở
Biển Đông, quốc gia đông dân nhất thế giới còn nói họ cảm thấy bị Mỹ “bao vây”.


Trong nhiều cuộc tập trận ở Thái Bình Dương, cũng theo bài xã luận, hải quân Trung Quốc hễ tham gia là bị nói ‘mưu đồ bá quyền’, còn không tham gia, sẽ bị chỉ trích về “yếu tố Trung Quốc”. Thậm chí, trong cuộc tranh cử giữa hai ứng viên Tổng thống Mỹ là Barack Obama và Mitt Romney, hai người này cũng mang Trung Quốc ra làm chủ đề tranh luận. Trong đó, ông Mitt Romney chê trách Tổng thống đương nhiệm Obama đã “quá mềm mỏng với Trung Quốc”.

Các báo Trung Quốc gần đây đăng tải nhiều bài viết liên quan việc tỉnh Hải Nam thiết lập chính quyền ở thành phố Tam Sa nhằm kiểm soát tranh chấp trên Biển Đông. Tờ China Daily và Southern Metropolis Daily cho biết, chính quyền mới tương đương Ủy ban thành phố gồm khoảng 60 ghế, trong đó chức vụ thị trưởng cùng bộ máy tư pháp cũng sẽ sớm được bổ nhiệm.


Ngoài ra, các hoạt động du lịch ở Tam Sa dự kiến sẽ được bắt đầu vào cuối năm nay bất chấp sự phản đối từ phía Việt Nam và Philippines về việc thành lập thành phố này, theo MingPao Daily News. Tờ MingPao Daily News thậm chí còn nói, Trung Quốc đang “siết chặt các hoạt động quân sự ở khu vực Trường. Sa”.


Trong khi đó, Tạp chí Kinh doanh Thế kỷ 21 ở Quảng Châu dẫn lời các chuyên gia thuộc Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc nói, kế hoạch thăm dò và khai thác dầu khí trên Biển Đông vẫn đang ‘tiến triển thuận lợi’ và thu hút được sự quan tâm của nhiều công ty Mỹ.


Nhún nhường với người Nga


Global Times và Beijing News
hôm 18/7 đưa tin 2 tàu cá cùng 36 ngư dân Trung Quốc đã bị lực lượng tuần duyên Nga bắt giữ khi đang đánh bắt trong vùng biển của Nga. Theo nguồn tin từ tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Khabarovsk và Vladivostok, tuần duyên Nga đã bắn cảnh cáo vào một trong hai con tàu trên; tuy nhiên không có ai bị thương.



Nga bắt giữ tàu cá Trung Quốc (Ảnh minh họa)


Trong khi nhiều tàu cá khác của Trung Quốc đang hoạt động ở cảng Nakhodka thuộc vùng Viễn Đông cũng đang bị điều tra vì nghi ngờ đánh bắt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Nga, tờ Global Times và Beijing News cho hay. Hiện tại các quan chức Bắc Kinh chưa lên tiếng sau vụ tàu cá nước này bị tuần dương Nga rượt đuổi 3 tiếng đồng hồ trên biển. Chỉ có bài xã luận của tờ Global viết rằng hành động trên của Nga là “không thể chấp nhận được” và “đang làm xấu hình ảnh Nga” trong quan hệ hai nước. Trong bản tin của CCTV và Đài truyền hình Thẩm Quyến, giọng điệu trên của Global Times không hề xuất hiện.

Trái lại, phát thanh viên của truyền hình Thẩm Quyến còn “cảnh báo ngư dân Trung Quốc không nên xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền Nga, không đánh bắt hải sản trái phép”. Phát thanh viên này cũng thừa nhận, chuyện tàu cá Trung Quốc lén lút đánh bắt ở vùng biển của Nga là việc "năm nào cũng xảy ra rất nhiều". Điều này cho thấy sự hai mặt của Trung Quốc. Trong những vụ rắc rối tàu cá với Nhật Bản, Philippines và Việt Nam, nước này luôn lớn tiếng tuyên bố về ‘chủ quyền không thể tranh cãi’, ‘ngư trường truyền thống’ mà họ tự nhận là của mình.


Trong vụ tàu cá bị Nga bắt giữ, Trung Quốc tỏ thái độ mềm mỏng hiếm thấy khi tuyên bố sẽ xử phạt hai tàu cá xâm phạm lãnh hải Nga.

Theo VTC-M