Từ chức và bãi miễn

16/07/2012 14:13

Hiện nay, đảng bộ các ngành, các cấp từ Trung ương đến cơ sở đang triển khai, thực hiện Nghị quyết 4 của Ban chấp hành Trung ương Đảng: "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Nghị quyết đề ra 4 nhóm giải pháp: Tự phê bình và phê bình, tổ chức cán bộ và sinh hoạt Đảng, cơ chế chính sách và giáo dục chính trị tư tưởng. Theo tôi, để nghị quyết đi vào cuộc sống, có hiệu quả tốt đẹp, các đảng bộ cần kết hợp các giải pháp, nhất là giải pháp tự phê bình và phê bình, với việc vận động cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, lãnh đạo quản lý yếu kém, phạm nhiều sai lầm khuyết điểm về phẩm chất đạo đức từ chức, hoặc tập thể bỏ phiếu tín nhiệm bãi miễn chức vụ của họ.

(Baonghean) - Hiện nay, đảng bộ các ngành, các cấp từ Trung ương đến cơ sở đang triển khai, thực hiện Nghị quyết 4 của Ban chấp hành Trung ương Đảng: "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Nghị quyết đề ra 4 nhóm giải pháp: Tự phê bình và phê bình, tổ chức cán bộ và sinh hoạt Đảng, cơ chế chính sách và giáo dục chính trị tư tưởng. Theo tôi, để nghị quyết đi vào cuộc sống, có hiệu quả tốt đẹp, các đảng bộ cần kết hợp các giải pháp, nhất là giải pháp tự phê bình và phê bình, với việc vận động cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, lãnh đạo quản lý yếu kém, phạm nhiều sai lầm khuyết điểm về phẩm chất đạo đức từ chức, hoặc tập thể bỏ phiếu tín nhiệm bãi miễn chức vụ của họ.

Chúng ta đều hiểu, từ chức là cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, tự xét bản thân lãnh đạo quản lý yếu kém, phạm nhiều sai lầm về phẩm chất đạo đức, hãy nghiêm khắc với mình xin thôi giữ chức vụ. Còn bãi miễn là cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, lãnh đạo, quản lý yếu kém, sa sút về phẩm chất đạo đức lối sống, được tập thể giúp đỡ vẫn không nhận sai lầm, khuyết điểm, các đảng bộ cần tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm, bãi miễn chức vụ của họ. Nếu thực hiện tốt việc từ chức, bãi miễn, sẽ đào thải dần những phần tử năng lực lãnh đạo quản lý yếu kém, phẩm chất đạo đức sa đoạ. Đồng thời đào tạo, bổ sung cho Đảng, Nhà nước những cán bộ đảng viên ưu tú, lãnh đạo quản lý giỏi, phẩm chất đạo đức trong sáng, hết lòng phục vụ lý tưởng của Đảng và hạnh phúc của nhân dân.

Trên thế giới, việc từ chức, và bãi miễn các chức vụ trong các tổ chức đảng và cơ quan nhà nước diễn ra bình thường. Ở Nhật Bản, một bộ trưởng phát ngôn thiếu thận trọng, bị báo chí phanh phui, ông ta tự nguyện từ chức. Thủ tướng các nước Italia, Hi Lạp... lãnh đạo đất nước kinh tế - xã hội suy thoái, nợ công lớn, nạn thất nghiệp gia tăng, đời sống nhân dân sụt giảm, quốc hội bỏ phiếu bãi miễn.

Ở nước ta, việc từ chức và bãi miễn đối với cán bộ đảng viên có chức, có quyền cũng đã có từ lâu. Năm 1954, thực hiện chính cương của Đảng “Ruộng đất cho dân cày", Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện cải cách ruộng đất, trưng mua, trưng thu và tịch thu ruộng đất của giai cấp địa chủ chia cho dân cày nghèo... Chủ trương cải cách ruộng đất hoàn toàn đúng đắn, nhưng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phạm nhiều sai lầm khuyết điểm. Nghiêm trọng nhất là chỉnh đốn tổ chức, nhiều cán bộ đảng viên bị xử lý oan, một số người quy thành phần giai cấp không đúng... Nhận rõ sai lầm khuyết điểm đó, đồng chí Trường Chinh- Tổng Bí thư của Đảng lúc bấy giờ đã đệ đơn từ chức. Đồng chí Hồ Viết Thắng- Trưởng Ban trực tiếp chỉ đạo cải cách ruộng đất, quan liêu, thiếu kiểm tra giám sát, để cấp dưới làm nhiều việc sai với đường lối của Đảng, đồng chí đã nhận kỷ luật khai trừ ra khỏi Ban chấp hành Trung ương Đảng, cách chức Trưởng ban chỉ đạo cải cách ruộng đất.

Nhiều năm gần đây, một số đồng chí bí thư tỉnh uỷ, chủ tịch UBND tỉnh và bộ trưởng xét thấy mình năng lực lãnh đạo, quản lý yếu kém, xử lý các vụ việc tiêu cực trong cơ quan đơn vị địa phương không dứt điểm, bản thân vi phạm về phẩm chất đạo đức lối sống, đã tự nguyện từ chức hoặc tập thể bỏ phiếu bãi miễn. Song việc từ chức và bãi miễn trong Đảng ta, Nhà nước ta vẫn còn nặng nề.

Việc vận động cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, năng lực yếu kém, phẩm chất đạo đức lối sống sa đoạ tự nguyện từ chức chẳng những bảo đảm nội bộ ôn hoà, bảo đảm đoàn kết, mà còn tạo ra nếp sống "văn hoá từ chức" trong Đảng và Nhà nước ta. Việc bỏ phiếu bãi miễn những cán bộ năng lực yếu kém lại vi phạm nghiêm trọng về phẩm chất đạo đức lối sống, được tập thể giúp đỡ nhưng vẫn cố tình không tiếp thu chẳng những để bảo đảm kỷ luật của Đảng, kỷ cương Nhà nước mà còn giáo dục, răn đe số cán bộ, đảng viên đương chức vươn lên làm tròn nhiệm vụ của mình.

Cán bộ đảng viên, chiến sỹ và nhân dân ta tin rằng, nếu đảng bộ, các ngành, các cấp thực hiện tốt việc tự phê bình và phê bình, gắn với việc vận động cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, năng lực yếu kém, phẩm chất đạo đức sa đoạ từ chức, hoặc bỏ phiếu bãi miễn chức vụ của họ, nghị quyết 4 của Đảng sẽ thành công tốt đẹp. Đảng ta thực sự trong sạch vững mạnh, lãnh đạo nhân dân ta xây dựng Tổ quốc Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.


Nắng Hồng