Cuộc hội ngộ ở bản Mông

18/06/2012 15:35

(Baonghean) - Theo gợi ý của Trung tá Nguyễn Trọng Vinh, Đồn trưởng Đồn Nậm Càn, Bộ đội Biên phòng Nghệ An, chúng tôi về thăm bản Nậm Khiên, xã Nậm Càn (Kỳ Sơn).

Đến nhà Trưởng bản Lầu Nhia Xông khi mặt trời đã lên tới đỉnh núi, ánh nắng vàng rực chiếu xuống thung lũng Nậm Khiên làm bừng lên vẻ đẹp tự nhiên, kỳ thú của một vùng quê biên cương.Mọi sự mệt nhọc, vất vả của chặng đường đi bộ như biến mất khi chúng tôi được trưởng bản, già làng và đại diện của đông đảo nhân dân đón tiếp. Già làng Lầu Xây Phia hóm hỉnh: “Tôi làm Bí thư Đảng ủy xã này 29 năm, nghỉ hưu 5 năm rồi, tiếp nhiều cán bộ,nhiều nhà báo các cấp nhưng chưa bao giờ được tiếp nhà thơ như hôm nay. Vui quá!”. Vừa nắm tay nhau vừa hỏi han đủ chuyện, khách chủ mở lòng như người thân quen từ lâu lắm.

Bản Nậm Khiên có 142 hộ với 342 khẩu, tất cả đều là dân tộc Mông, đặc biệt là cùng họ Lầu. Đây là nét rất riêng của bản, nhờ vậy các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước dễ được dân tiếp thu và tin tưởng.



Trồng gừng là hướng phát triển kinh tế mới của đồng bào huyện Kỳ Sơn.
Ảnh: Thanh lê

Trước đây, bản nằm trên núi, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào đốt rãy trồng cây thuốc phiện. Hồi đó, nhà nào cũng nhiều con. Trồng cây thuốc phiện là mình tự hại mình, hầu như nhà ai cũng có người nghiện. Đã thế bệnh sốt rét cứ hành hạ hầu khắp các gia đình. Nghèo đói và bệnh tật, lại thường xuyên bị kẻ xấu tuyên truyền xúi giục di dân sang nước bạn để được vua Mèo chu cấp đầy đủ, sung sướng. “May mà có chủ trương của Đảng và Chính phủ, được bộ đội biên phòng gần gũi chỉ dẫn, giúp đỡ dân mình xuống núi. Bản Nậm Khiên đổi thay từ đó!” - Già làng Lầu Xay Phiavừa cười vui vẻ vừa nói.

Dân bản Nậm Khiên bây giờ đã biết hạn chế sinh con (mỗi gia đình chỉ có 2 đến 3 con) để làm kinh tế, biết chăm lo chuyện học cho con, tất cả các cháu từ 6 tuổi trở lên đều đến trường. Hầu hết các gia đình đều có nhà ở vững chắc hạn chế nhiều việc du canh du cư. Tổ công tác của bộ đội biên phòng đã thực sự là một gia đình nòng cốt của bản. Bộ đội tìm hiểu mọi khó khăn của dân, dân băn khoăn gì cũng hỏi bộ đội. Nhờ vậy, nhiều năm nay bản Nậm Khiên ổn định về mọi mặt.

Người dân Nậm Khiên siêng năng, từ sáng sớm đến tối mịt mọi nhà đều đóng cửa im ỉm vì từ người già đến trẻ em nếu không đi học đều lên nương. Người lấy củi, người cắt cỏ cho trâu, có người ngày đi về vài ba chuyến. Có cụ gầntrăm tuổi như mẹ của già làng Lầu Xây Phia vẫn ngày ngày lên nương gùi củi, gùi cỏ trâu, trèo dốc cả mấy tiếng đồng hồ. Siêng năng và tiết kiệm là bản chất của người Mông. Thế mà vẫn nghèo. Thu nhập chính của dân bản hiện nay là từ chăn nuôi trâu. Ở bản Nậm Khiên, trâu thả ngoài rừng quanh năm. Cả bản quây một khu rừng và cùng thả trâu trong đó. Nhà ai cần làm việc gì thì bắt một con về nhà chăm sóc riêng vài ba tháng rồi đem bán.

Điều băn khoăn là không biết trồng cây gì, nuôi con gì cho có tiền? Câu hỏi thì lâu lâu rồi mà mãi chưa có câu trả lời. Mấy năm qua nhiều dự án như trồng mận tam hoa, cam, quýt, dứa, gừng… nhưng hiệu quả hạn chế. Đến mùa thu hoạch, dân không bán được vì đường không thành đường. Bán không được, ăn không hết đành bỏ thối. Xót lắm. Ít nhiều lòng tin của dân với cấp trên có suy giảm. Vì vậy, dân Nậm Khiên vẫn sống bằng nghề trồng cỏ nuôi trâu như ngày xưa.

Vài chục năm trước, bản Nậm Khiên hầu như không có người đi học chữ. Học chữ để làm gì, chưa ai trả lời được. Con gái 12-13 tuổi đã bị bắt làm vợ. Con trai 13-14 tuổi đã tối tối rủ nhau đi bản nọ, bản kia thổi khèn chọc vách và tìm cách bắt vợ. Cuộc sống cứ theo mãi cái vòng luẩn quẩn. Cái nghèo cứ nối nhau từ các gia đình trẻ với con đàn, con đống.

Từ ngày xuống núi, được Nhà nước làm trường, được các thầy giáo, cô giáo từ miền xuôi lên tận tình dạy dỗ, lại được bộ đội Biên phòng tuyên truyền vận động, giúp tiền, gạo cho học sinh ăn trưa tại trường. Nhiều cán bộ, già làng đã gương mẫu cho con đi học và nhiều con em người Mông đã thành thầy giáo, cô giáo, kỹ sư,... góp phần thay đổi nhận thức toàn dân. Đến nay, bản Nậm Khiên đã có cơ sở của trường tiểu học với 10 lớp và 140 học sinh, trong đó có 2 lớp 1, 2 lớp 2, 2 lớp 3. Hầu như tất cả các cháu trong độ tuổi đều đến trường. Nậm Khiên tự hào đã có 93 cháu học THCS, 78 cháu học THPT và 8 cháu đã và đang theo học ĐH, CĐ tại các trường của tỉnh và Trung ương.

Dẫu khó khăn còn nhiều, cuộc sống chưa đầy đủ nhưng người dân Nậm Khiên vẫn luôn ghi sâu ơn Đảng, Nhà nước và bộ đội biên phòng vì bây giờ dân bản sống tập trung, có điện của thủy điện nhỏ thắp sáng, sớm tối vui vầy; đi nương, đi rẫy không bị ai uy hiếp, đe dọa bắt bớ như ngày trước.

Chỉ tay về phía Đồn Biên phòng Nậm Càn, già làng nói:“Bộ đội Biên phòng là người của bản rồi. Chỉ có một điều chưa làm được là chưa bắt vợ thôi dù nhiều em gái Mông muốn được bộ đội bắt lắm”...


Lăng Hồng Quang