Nguyễn Thế Viên - nhà báo đi qua hai cuộc chiến

19/06/2012 10:18

(Baonghean.vn) - Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, thông tin liên lạc và thông tin báo chí luôn được...

(Baonghean.vn) - Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, thông tin liên lạc và thông tin báo chí luôn được đề cao. Bất cứ nơi đâu, thời điểm nào, dù khó khăn gian gian khổ, hiểm nguy, người phóng viên mặt trận vừa cầm súng vừa cầm bút, chiến đấu trên mặt trận tư tưởng. Nhà báo Nguyễn Thế Viên là người như thế.

Phóng viên chiến trường

Nhà báo thương binh Nguyễn Thế Viên năm nay đã bước sang tuổi 82, tuy nhiên chưa một lần ông cho phép mình ngưng cầm bút. Sau những ngày tham chiến ở chiến trường ông lại trở về căn nhà nhỏ ở xóm Ngọc Thành, xã Hùng Thành, Yên Thành khai phá ruộng nương đồng thời cầm bút viết những tác phẩm báo chí phục vụ công chúng.

Ông Viên kể: Năm 1951 tôi bắt đầu tham gia lực lượng Thanh niên xung phong và thực hiện nhiệm vụ rà, phá bom mìn trên các tuyến đường huyết mạch ở Sơn La để quân đội ta tiến vào Điện Biên Phủ. Năm 1953, tôi được bổ sung vào quân đội và tham gia chiến đấu. Lúc này, chiến sự ở Điện Biên Phủ đang có nhiều biến chuyển ác liệt nên tôi vừa cầm súng chiến đấu vừa viết tin, viết bài gửi về tòa soạn. Những tin, bài hồi đó còn sơ sài nhưng đều được đăng đều đặn trên báo Quân đội Nhân dân, góp phần đưa tin nhanh về chiến sự tại Điện Biên Phủ đến với công chúng cả nước.

Tháng 5 năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, Nguyễn Thế Viên rời quân ngũ về làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi chuyển sang làm phóng viên báo Thông tấn xã. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bùng nổ, ông Viên lại một lần nữa “xông pha” trận mạc với nhiệm vụ phóng viên chiến trường.

Ông cho biết: Năm 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bắt đầu ác liệt. Để đưa thông tin nhanh về tinh thần chiến đấu của quân và dân ta khu vực Thanh - Nghệ - Tĩnh, tôi lại vào tham gia chiến trận, viết tin bài gửi về tòa soạn báo Thông Tấn xã Việt Nam. Năm 1968 tôi được điều về làm phóng viên báo Quân giải phóng (báo Quân đội Nhân dân Việt Nam khu vực Miền Nam - pv) và đi đến các chiến trường ác liệt để đưa tin. Đây cũng là thời điểm khó khăn, gian khổ trong hành trình làm phóng viên chiến trường.

Chiến trận ác liệt, pháo dội, bom rơi nhưng chưa một lần ông Viên chùn bước. Đối với ông, dù có đánh đổi bằng xương máu cũng phải chuyển được thông tin về tòa soạn. “Năm 1969, khi tiểu đội chúng tôi tiến vào An Khê, Bình Định để lấy tin hoạt động cách mạng bí mật thì bất ngờ bị địch phục kích khiến 1 chiến sỹ hy sinh. Tôi cũng bị địch bắn bị thương ở bụng nhưng vẫn cố hết sức lấy thông tin để viết bài. Năm 1974, khi tôi tiến gần để chụp ảnh chiếc máy bay địch bị quân ta bắn cháy ở sân bay An Khê, Bình Định thì bị địch câu pháo. Lúc đó, tôi bị pháo nổ làm hỏng một mắt, quai hàm bị gãy, toàn bộ máy ảnh và các tư liệu bị hư hỏng. Đó là lần tôi bị trọng thương buộc phải lui về khu vực hậu chiến điều trị” – Nhà báo Nguyễn Thế Viên nhớ lại.

Nhờ lòng dũng cảm của Nguyễn Thế Viên mà thông tin chiến sự ở các trận đánh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đắc Cơ - Gia Lai, Kon Tum, Buôn Mê Thuột… luôn được chuyển đến độc giả đều đặn. Cũng chính điều đó, năm 1961 Nguyễn Thế Viên được Hội Nhà báo Việt Nam trao tặng giải Ba tác phẩm “Gió Đại Phong”. Năm 1968 ông lại một lần nữa được Hội Nhà báo Việt Nam trao tặng giải Nhất tác phẩm “Tây Nguyên trong lòng Tổ quốc”. Tháng 10 năm 1961 Nguyễn Thế Viên được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì.

Tiếp tục cầm bút thời hậu chiến


Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước đi qua, Nguyễn Thế Viên lại trở về quê hương với cuộc sống mới. Để nuôi sống bản thân và gia đình, ông nhận 1 mẫu đất hoang rồi cải tạo trồng cây, nhận 1 ha rừng trồng keo, 1 mẫu ao thả cá. Ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế, nhà báo Nguyễn Thế Viên còn hăng hái cầm bút viết tin, viết bài cho nhiều tờ báo.




Nhà báo thương binh Nguyễn Thế Viên cùng những kỷ vật thời kháng chiến chống Pháp.

Nhà báo cho biết, dù tuổi cao sức yếu nhưng nghề báo đã thấm vào máu, là niềm đam mê. Mỗi tháng ông tự đặt chỉ tiêu cho bản thân mình phải hoàn thành ít nhất 4 tác phẩm báo chí. Năm 1986, ông về nghỉ hưu, hưởng chế độ thương binh 2/4. Cũng từ đó đến nay, Nguyễn Thế Viên luôn là cộng tác viên thường xuyên của một số tờ báo, với bút danh Trường Sơn. Ngoài ra Nguyễn Thế Viên còn được bầu làm chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ xã Hùng Thành kiêm phụ trách Chi hội Thơ Đường các xã khu vực Bắc Yên Thành.




Dù tuổi cao sức yếu nhưng ngày ngày cụ Viên vẫn đi khắp các làng trên xóm dưới viết báo.

Hàng ngày, người dân xóm Ngọc Thành đã quen thuộc với hình ảnh ông già râu tóc bạc phơ, cùng chiếc xe đạp lặn lội khắp làng trên xóm dưới để viết báo. Ông tâm niệm: “Mỗi tác phẩm báo chí là một vấn đề đang được xã hội quan tâm. Người viết báo không đơn thuần là đưa thông tin đến với bạn đọc mà còn là sự thể hiện niềm đam mê nghề nghiệp”.


Minh Hậu