Du lịch “thổi” giá trong dịp nghỉ lễ

03/05/2012 18:12

Đi du lịch trong những kỳ nghỉ dài là xu hướng của thời đại. Và bất chấp kinh tế khó khăn những điểm đến du lịch vẫn đông nghịt người. Thế là câu chuyện đua nhau chặt chém du khách tại các lễ hội, các điểm du lịch đến hẹn... lại nở rộ.



Đến giờ vẫn chưa có một liều thuốc hữu hiệuchữa bệnh "chặt chém” du khách

"Máy chém” ở khắp nơi

Theo phản ánh của nhiều du khách, mùa du lịch 30-4 và 1-5 năm nay giá một số dịch vụ vẫn đua nhau "thổi” giá bất chấp sự suy giảm của nền kinh tế. Du khách đến các điểm du lịch lớn hầu hết phải trả tiền phòng tăng gấp 2-4 lần ngày thường. Nếu như giá phòng hàng ngày du khách chỉ phải trả ở mức giá 350.000đ/ngày giờ đã tăng lên 1,4 triệu/ngày. Đó là giá thuê phòng tại các khách sạn tại bãi biển Đà Nẵng. Còn giá thuê phòng tại Bãi Cháy, Quảng Ninh còn cao hơn rất nhiều. Dù khách hàng phải trả tiền phòng với giá 2,5 triệu đồng/ngày nhưng vẫn cháy phòng, đó là lý do khiến nhiều khách sạn công lẫn tư được đà "thổi” giá.

Anh Phạm Văn Khoa, một du khách chia sẻ: Tôi đưa vợ con đi chơi Carnaval. Cả gia đình may mắn thuê được 1 phòng khá ưng ý. Nhưng có điều giá đắt quá. Giá mỗi ngày là 2,5 triệu. Chị Lan ở Hoàn Kiếm Hà Nội vừa bỏ dở tour du lịch Sầm Sơn, Thanh Hóa trở về bực bội nói: Giá thuê ghế ngồi ngoài bãi biển tăng gấp 5 lần bình thường, ngày thường chỉ mất 20-30 ngàn đồng giờ du khách phải trả tới 150.000/lần ngồi.

Có thể nói, giá thuê phòng đã ngốn của du khách một lượng tiền khá lớn nhưng dịch vụ ăn theo dịp nghỉ lễ cũng đua nhau "thổi” giá bắt chẹt du khách. Các cửa hàng bán đồ hải sản hút khách nhất. Giá hải sản cũng tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với ngày thường: 1kg mực tươi dao động từ 300 đến 500 nghìn đồng, 1kg ghẹ ngày thường khoảng 300 nghìn giờ lên tới 800 nghìn đồng, 1 kg tu hài ngày thường 200 ngàn giờ lên tới 500 nghìn đồng... Không chỉ vậy, nhiều loại hình dịch vụ khác cũng tranh thủ ăn theo. Chỉ cần làm một cuốc xe ôm từ khách sạn ra đến bãi biển (chưa đến 1km) du khách phải trả tới 30 ngàn đồng.

Không chỉ các điểm du lịch mới xuất hiện tình trạng "chặt chém” du khách mà hiện tượng này có mặt ở hầu khắp các địa điểm có du khách viếng thăm. Chẳng hạn, giá đi cáp treo Bà Nà từ 320.000 đồng/khách tăng lên 380.000 đồng/khách. Giá phòng của các tỉnh lân cận như Huế, Hội An cũng tăng theo khoảng hai lần. Nhiều phòng khoảng 400.000 đồng/ngày tăng lên 800.000 đồng/ngày. Nhiều du khách phản ánh, tại Đà Lạt, một số khách sạn mini có giá 400.000 đồng/ngày trong khi ngày thường chỉ 250.000 đồng/ngày... Có thể nói, du lịch nội địa đến hẹn lại đua nhau tăng giá đã trở thành câu chuyện quá quen thuộc.

Du lịch nội địa, không khéo sẽ thua trên sân nhà


Không thể để kiểu du lịch chộp giật, mạnh ai nấy làm mất lòng du khách viếng thăm, nhiều tỉnh đã đưa ra kế sách để chặn tình trạng chặt chém du khách. Một số địa phương như Quảng Ninh, Đà Nẵng... đã yêu cầu tất cả các cơ sở lưu trú đều đã được thông báo bảng giá phòng nghỉ công khai. Tại Quảng Ninh, khách du lịch nếu bị nâng giá ép khách, có thể phản ánh trực tiếp qua các số điện thoại đường dây nóng: 0919919789; 03.33822243; 0913267110 hoặc 03.33822232.

Theo nhiều du khách, nếu vấn nạn "chặt, chém” không được khắc phục nguy cơ mất khách hàng sẽ là tương lai gần, và việc các tour du lịch trong nước thua trên sân nhà là điều có thật. Nếu cơ quan quản lý tiếp tục thả nổi việc quản lý giá thì cái giá phải trả sẽ rất lớn bởi du khách đang có xu hướng bỏ qua những tour du lịch nội địa. Hiện giá tour nội địa cao hơn nhiều so với giá tour đi Thái Lan, Campuchia. Một tour miền Trung khoảng 8 triệu đồng/khách (năm ngoái chỉ 5 triệu đồng) trong khi đi tour Campuchia dịp lễ cũng chỉ hết 4 triệu đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu chúng ta cứ để tình trạng "chặt, chém”, tăng giá dịp lễ tồn tại kéo dài thì chẳng khác gì cổ vũ người dân hưởng lễ, tết Việt Nam ở nước ngoài! Chưa kể, ở các nước việc giá cả dịch vụ được quản lý rất chặt chẽ, không hề có chuyện tăng vô tội vạ như ở các điểm du lịch tại Việt Nam.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hoàng Thị Điệp thừa nhận, chất lượng dịch vụ cũng như công tác quản lý các hoạt động du lịch vẫn còn nhiều bất cập, vấn nạn chặt chém du khách ở các điểm du lịch, các lễ hội luôn làm đau đầu các nhà quản lý. Tuy nhiên, đến giờ vẫn chưa có một liều thuốc hữu hiệu chữa bệnh :chặt chém” du khách mà mới chỉ dừng ở các giải pháp kêu gọi người dân, doanh nghiệp nâng cao ý thức cộng đồng hoặc thanh kiểm tra để phát hiện tình trạng chặt chém du khách... Vì vậy, nếu các cơ quan quản lý tại địa phương không có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng chặt chém du khách thì thiệt hại không chỉ đến với các đơn vị lữ hành mà thiệt hại cho cả ngành du lịch Việt Nam.


Theo Đaioanket