Giải quyết kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân

10/08/2012 16:10

(Baonghean) Thời gian qua, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của Đại biểu HĐND các cấp, cử tri đã có nhiều phản ánh liên quan đến tình trạng chậm trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho nông dân phát triển sản xuất.

Tìm hiểu thực tế ở huyện Nghi Lộc được biết, vào tháng 9/2011, do mưa và ngập úng kéo dài trên địa bàn, huyện có 600 ha diện tích ngô bị mất trắng. Theo cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp tại Quyết định số 10/2010/QĐ-UBND-NN, ngày 20/01/2010 của UBND tỉnh (nay là Quyết định số 09 của UBND tỉnh), 600 ha bị thiệt hại do thiên tai nói trên được hỗ trợ giống để sản xuất trở lại là 120.000 kg, tương đương với số tiền gần 1 tỷ đồng hiện nay vẫn chưa được thực hiện từ tỉnh.

Cũng liên quan đến việc thực hiện cơ chế chính sách chậm, ở Nghi Lộc đang còn “đọng” các khoản hỗ trợ ni lông phủ mạ chống rét và ni lông phủ lạc vụ xuân 2012 (riêng việc hỗ trợ ni lông phủ mạ chống rét tỉnh đã cấp ứng hơn 1/2 tổng mức kinh phí hỗ trợ) và khoản hỗ trợ 30% kinh phí phân bón đầu tư xây dựng cánh đồng mẫu (180 ha vụ xuân 2012).

Ông Nguyễn Đức Thọ - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc cho biết thêm: Theo Quyết định 45 của UBND tỉnh, các cơ chế chính sách hỗ trợ cho nông dân được giao cho huyện ứng từ nguồn ngân sách dự phòng hỗ trợ thiên tai của huyện để trả cho nông dân. Nhưng thực tế, nguồn đó của huyện chỉ đạt 3-4 tỷ đồng, trong khi theo chính sách tổng mức hỗ trợ lên đến trên 5 tỷ đồng như chính sách hỗ trợ thiệt hại cây, con do thiên tai trong năm 2011 vừa qua. Khó khăn đặt ra như vậy, nên để kịp thời hỗ trợ cho nông dân có giống sản xuất kịp thời vụ, ở thời điểm đó, UBND huyện đã chỉ đạo các xã và hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp ứng các doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư cho nông dân.

Tuy nhiên, do phải “tồn đọng nợ” nên hiện tại một số doanh nghiệp từ chối cho nông dân tiếp tục vay ứng trước phục vụ vụ sản xuất đông xuân tới. Điều này chắc chắn sẽ gây khó khăn trong công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp của huyện. Huyện cũng đã làm đầy đủ các thủ tục để tỉnh cấp nguồn và được Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Sở Tài chính nghiệm thu nhưng đến nay vẫn chưa được cấp nguồn hỗ trợ.

Tình trạng nêu trên không chỉ diễn ra ở Nghi Lộc mà đang khá phổ biến ở các địa phương trong tỉnh. Vì vậy, các cấp, các ngành cần tích cực tháo gỡ, tạo điều kiện để các địa phương chỉ đạo tốt việc phát triển sản xuất nông nghiệp.


Minh Chi