Chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản

12/04/2012 15:28

(Baonghean) - Thực hiện Quyết định số 2636/QĐ-UBND.NC của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An về việc thành lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, các đoàn công tác đã tập trung lực lượng, phương tiện, áp dụng đồng bộ các biện pháp đấu tranh, xử lý, bước đầu đã thu được nhiều kết quả.

(Baonghean) - Thực hiện Quyết định số 2636/QĐ-UBND.NC của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An về việc thành lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, các đoàn công tác đã tập trung lực lượng, phương tiện, áp dụng đồng bộ các biện pháp đấu tranh, xử lý, bước đầu đã thu được nhiều kết quả.

Khoáng sản ở Nghệ An đa dạng về chủng loại, giàu về trữ lượng, như vàng gốc, vàng sa khoáng, quặng các loại, đá xây dựng, cát, sỏi được phân bố ở nhiều địa bàn, trong đó chủ yếu ở Quỳ Hợp, Quế Phong, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Tân Kỳ..., Trong khi đó công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn còn bộc lộ một số hạn chế, có phần lỏng lẻo, vì thế nhiều đối tượng ở các tỉnh như Thái Nguyên, Thanh Hóa, Ninh Bình... cùng với người dân địa phương tập trung khai thác trái phép gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở các dòng sông, khe, suối, xâm hại đến các công trình giao thông thủy lợi, dân sinh, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân.



Lực lượng cảnh sát môi trường đi kiểm tra tình hình khai thác khoáng sản tại
địa bàn xã Yên Tĩnh huyện Tương Dương.


Tình trạng vi phạm về quy trình khai thác, điều hành, quản lý khai thác, chỉ huy nổ mìn,... diễn ra phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động cao. Mặt khác, nhiều điểm mỏ được cấp phép cho các tổ chức, cá nhân không có năng lực khai thác nên đã xảy ra tình trạng chia cắt mỏ, thuê khoán các tổ hợp khai thác trái phép, dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện, gây mất ANTT.


Trước tình hình đó, sau khi UBND tỉnh ra Quyết định số 2636 ngày 8/7/2011 về việc thành lập các đoàn công tác kiểm tra xử lý các hoạt động khai thác trái phép trên địa bàn toàn tỉnh, 2 đoàn công tác được thành lập kiểm tra theo hai tuyến Quốc lộ 7 và Quốc lộ 48, trong đó giao Công an tỉnh là lực lượng nòng cốt. Các đoàn đã tiến hành công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình trong nhân dân, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể lấy ý kiến, giải quyết một số kiến nghị, đề xuất, của nhân dân liên quan đến khoáng sản, môi trường.

Các đoàn công tác đã tham mưu cho UBND các huyện xây dựng kế hoạch phối hợp, cử cán bộ tham gia đoàn liên ngành ra quân tổng kiểm tra, xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển, buôn bán, chế biến khoáng sản trên địa bàn. Tổ chức họp với các chủ mỏ khai thác khoáng sản đã đựơc cấp phép để bàn biện pháp phòng ngừa và khắc phục vi phạm pháp luật về môi trường, tai nạn lao động tại các điểm mỏ có nguy cơ cao.


Đoàn liên ngành đã tiến hành truy quét, giải toả các tụ điểm phức tạp, các điểm tập trung khai thác khoáng sản trái phép tại địa bàn các xã thuộc các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong...; các điểm khai thác cát sỏi, vàng sa khoáng trái phép trên sông Lam, sông Giăng, Nậm Mộ, sông Con, sông Hiếu... Qua kiểm tra đã đẩy đuổi hơn 1.300 đối tượng khai thác khoáng sản trái phép ra khỏi địa bàn; lập lại trật tự kỷ cương việc khai thác khoáng sản trên địa bàn 28 xã (20 xã thuộc các huyện tuyến Quốc lộ 7; 8 xã thuộc các huyện tuyến Quốc lộ 48) bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý, trong đó có nhiều xã trọng điểm như: Yên Tĩnh, Yên Na, Yên Hoà, Yên Thắng (Tương Dương), Bình Chuẩn (Con Cuông); Châu Tiến, Châu Hồng (Quỳ Hợp), Cắm Muộn, Quang Phong (Quế Phong)... Xử lý triệt để tình hình khai thác vàng sa khoáng trái phép trên sông Hiếu, sông Lam.


Qua kiểm tra đã phát hiện 168 vụ vi phạm, trong đó khai thác khoáng sản trái phép 151 vụ; khai thác khoáng sản có phép nhưng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn lao động. 10 vụ; Tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái phép 6 vụ; vận chuyển vật liệu nổ trái phép 1 vụ. Qua kiểm tra đã ra quyết định xử lý tại chỗ 14 trường hợp thuộc thẩm quyền của trưởng đoàn được uỷ nhiệm theo Pháp lệnh xử lý hành chính, phạt 55 triệu đồng; Chuyển hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý hành chính 142 trường hợp, phạt tiền trên 2 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra khởi tố 2 vụ, 3 đối tượng (1 vụ vận chuyển lâm sản trái phép, 1 vụ vận chuyển trái phép vật liệu nổ). Đặc biệt, đã tập trung chấn chỉnh 22 điểm mỏ gây mất an toàn lao động cao tại huyện Quỳ Hợp. Số tiền xử phạt và tịch thu tang vật đã nộp vào Kho bạc Nhà nước 5,798 tỷ đồng.


Theo Đại tá Trần Hữu Hồng- Trưởng Phòng CSMT Công an tỉnh, để đạt được kết quả trên, các đoàn công tác đã gặp phải không ít khó khăn. Trong đó khó khăn lớn nhất phải kể đến đó là do địa hình đồi núi cao, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép (chủ yếu vàng sa khoáng ở vùng sâu, vùng xa), mỗi lần đi đến các điểm khai thác thường mất nhiều thời gian nên có những trường hợp dù đoàn đã phát hiện và xử lý nhưng vì ở cách xa UBND xã nhiều cây số đường rừng, nên các phương tiện như máy đào, máy nổ, tàu cuốc, các dụng cụ phục vụ đào đãi vàng không thể đưa về được. Các đối tượng phổ biến là người ngoại tỉnh, khi đoàn đến kiểm tra thường bỏ trốn vào rừng nên khó khăn cho công tác kiểm tra thu giữ dụng cụ vi phạm.

Để duy trì trật tự trong hoạt động khai thác khoáng sản về lâu dài, khi đoàn công tác rút khỏi địa bàn, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về lĩnh vực tài nguyên khoáng sản.


Hiện nay, địa bàn các huyện Tương Dương, Quỳ Hợp, Quế Phong có một số công ty tuy đã hết hạn thăm dò vàng gốc, nhưng đang quản lý một diện tích đất rất lớn, cùng với đó là lượng thuốc nổ lớn có nguy cơ gây cháy nổ cao... Do đó, trong công tác quản lý Nhà nước cần ưu tiên, lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực về tài chính, công nghệ và kinh nghiệm đầu tư vào lĩnh vực khai thác, chế biến, tránh tình trạng để cho các đơn vị yếu về năng lực tham gia khai thác dẫn đến tình trạng chuyển nhượng, làm thất thoát nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường...


Đặng Nguyễn