Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch

16/04/2012 14:39

(Baonghean) - Xét về nhiều mặt, đời sống của đồng bào các huyện miền Tây còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nơi đây được thiên nhiên ưu đãi khá nhiều danh lam, thắng cảnh để phát triển du lịch sinh thái.

Đó là Vườn quốc gia Pù Mát, thác Khe Kèm, sông Giăng- đập Phà Lài ở Con Cuông; rừng săng lẻ, rừng lạnh và lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố ở Tương Dương; là cổng trời Mường Lống với điều kiện khí hậu khá lý tưởng ở Kỳ Sơn; hang Bua, hang Thẩm Ồm ở Qùy Châu và thác Sao Va ở Quế Phong...

Những danh lam, thắng cảnh này là niềm tự hào của người dân địa phương, nhưng xét một cách khách quan thì lâu nay vẫn chỉ ở dạng tiềm năng. Bởi lẽ, những danh thắng này đều mang vẻ đẹp thơ mộng và hùng vĩ, lại nằm trong khu dự trữ sinh quyển của thế giới nhưng vẫn chưa thu hút được đông đảo khách du lịch và đem nguồn thu về cho địa phương.




Sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Thái ở Kỳ Sơn được du khách ưa chuộng.

Đối với du khách, ngoài việc khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên như núi rừng, sông suối, hang động còn có nhu cầu khám phá, tìm hiểu những giá trị văn hóa mang tính bản sắc của từng vùng miền. Nhận thức được điều này, các địa phương đã tích cực lập đề án bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch.

Huyện Tương Dương là địa phương đi đầu trong việc nắm bắt vấn đề và xây dựng, triển khai đề án. Là địa bàn có tới 5 dân tộc thiểu số cùng sinh sống, Tương Dương có thế mạnh về sự đa dạng của đời sống văn hóa các cộng đồng dân cư. Mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán riêng để phân biệt với các cộng đồng dân tộc khác.

Đây chính là điểm quan trọng để thu hút sự chú ý và nhu cầu tìm hiểu, khám phá những giá trị văn hóa của du khách. Nhưng cuộc sống cộng cư cùng với tốc độ phát triển nhanh chóng của xã hội nên bản sắc văn hóa của các dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị mai một.

Trước thực tế đó, huyện Tương Dương bước đầu đã triển khai trùng tu, tôn tạo hệ thống di tích lịch sử - văn hóa và khôi phục tổ chức lễ hội. Tiêu biểu phải kể đến việc nâng cấp đền Cửa Rào và hàng năm tổ chức lễ hội vào dịp đầu xuân đã thu hút hàng vạn du khách về trẩy hội, đem lại nguồn thu đáng kể cho nhân dân địa phương.

Cùng với đó, Tương Dương đang nỗ lực tái lập không gian văn hóa đặc trưng của từng dân tộc để hướng tới mục tiêu bảo tồn bản sắc và đáp ứng nhu cầu tìm hiểu văn hóa của du khách. Nội dung đề án còn quan tâm đến khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm, khôi phục một số phong tục đã bị mai một như: Lễ hội Xăng khan của dân tộc Thái, Lễ đón tiếng sấm đầu năm của dân tộc Ơ đu, lễ mừng nhà mới của dân tộc Khơ mú. Đồng thời, chú trọng đến bản sắc âm nhạc, lưu giữ và sưu tầm những làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc và các loại nhạc cụ độc đáo của các dân tộc. Những món ăn đặc sản và các loại sản vật của núi rừng cũng nằm trong danh sách được bảo tồn để phát triển du lịch.

Tương tự, hiện tại huyện Con Cuông cũng đang xây dựng đề án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái gắn với việc khai thác tiềm năng và phát triển du lịch. Tinh thần cốt lõi của đề án là duy trì và phát triển các câu lạc bộ dân ca- nhạc cụ dân tộc để bảo tồn bản sắc âm nhạc. Đồng thời, phát triển nghề dệt thổ cẩm và những món đặc sản nổi tiếng như cơm lam, cá mát, măng rừng... Sau khi du khách khám phá vẻ đẹp của Vườn quốc gia Pù Mát, tắm thác Khe Kèm, du thuyền trên sông Giăng sẽ được thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị của núi rừng mà từ lâu được lưu truyền bằng câu ca"Cơm Mường Quạ, cá sông Giăng".

Sau đó, du khách ghé thăm những làng nghề thổ cẩm để chứng kiến bàn tay khéo léo, sự tinh tế của người phụ nữ Thái qua những sản phẩm dệt và chọn mua một vài thứ làm quà lưu niệm. Đến đêm, du khách có thể ghé thăm những bản làng, thưởng thức những khúc hát dân ca, những điệu dân vũ, hòa mình với không khí rộn ràng của ngày hội để một lần rồi nhớ mãi và muốn dịp sau trở lại...


Là một huyện rẻo cao biên giới còn gặp nhiều khó khăn, Kỳ Sơn cũng đang nỗ lực khảo sát để xây dựng chiến lược phát triển du lịch, trong đó, tập trung khai thác những giá trị văn hóa của các dân tộc. Anh Moong Thái Nhi - Phó phòng Văn hóa huyện Kỳ Sơn cho biết: "Để du khách đến với Kỳ Sơn, chúng tôi xác định không chỉ dựa vào điều kiện khí hậu và cửa khẩu quốc tế, mà điều quan trọng là những nét văn hóa phong phú, mang đậm bản sắc của các dân tộc Mông, Khơ mú, Thái". Cư trú trên địa hình rẻo cao nên các dân tộc ở Kỳ Sơn vẫn lưu giữ được những nét văn hóa độc đáo như hội chọi bò của dân tộc Mông, tục uống rượu cần của người Khơ mú và hội cầu mùa của người Thái. Bên cạnh đó, Lễ hội Đền Pu Nhạ Thầu và Đền Cây Đa Bản Cánh đã được khôi phục sẽ tạo nên những điểm nhấn quan trọng trong đời sống văn hóa - tâm linh. Đó chính là những điều kiện quan trọng giúp ngành Văn hóa Kỳ Sơn xây dựng chiến lược phát triển du lịch.


Tường Anh