Đừng xa lạ với những phẩm chất tốt đẹp của cha ông
Đến năm 20 tuổi, tức là năm 1960, tôi chưa hề thấy trong làng có nạn trộm cắp. Không ai mất một con gà hay một quả mít. Tôi đi dạy học ở miền núi, có điều kiện gần gũi với đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc. Rất cảm động khi nhìn thấy cái chòi để lúa hoang vu giữa rừng núi. Đồng bào các dân tộc anh em cả ngàn đời nay không ai lấy của ai dù là một gùi lúa để ở chốn không người! Dân tộc ta, Kinh, Nùng, Tày,Thái, Lô Lô, Sán Chỉ... đâu đâu cũng sống thật thà như vậy cả.
(Baonghean) - Đến năm 20 tuổi, tức là năm 1960, tôi chưa hề thấy trong làng có nạn trộm cắp. Không ai mất một con gà hay một quả mít. Tôi đi dạy học ở miền núi, có điều kiện gần gũi với đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc. Rất cảm động khi nhìn thấy cái chòi để lúa hoang vu giữa rừng núi. Đồng bào các dân tộc anh em cả ngàn đời nay không ai lấy của ai dù là một gùi lúa để ở chốn không người! Dân tộc ta, Kinh, Nùng, Tày,Thái, Lô Lô, Sán Chỉ... đâu đâu cũng sống thật thà như vậy cả.
Tôi nghĩ "Đói sạch, rách thơm" là phẩm chất, lòng tự trọng của mỗi người dân Việt. "Như nước Việt Nam ta vốn xưng nền văn hiến đã lâu". Phải chăng "Đói cho sạch, rách cho thơm" là phẩm chất đầu tiên của mỗi người dân nước Việt, góp phần xây đắp nên cái bản chất của nền văn hiến đó?!
Năm 1958, dân làng tôi vào hợp tác xã nông nghiệp. Nhà tôi có cái sân gạch vào loại to rộng nhất làng. Mới thành lập, hợp tác xã còn nghèo, chưa có nhà kho, chưa có sân phơi, chưa có nơi để trục lúa, đập lúa.
Tất cả những công việc đó, hợp tác xã đều nhờ vào cái sân gạch của nhà tôi.
Tháng 5, tháng 10 mùa gặt, bà con trục lúa đến tận 12 giờ đêm hoặc 1 hay 2 giờ sáng. Lúa vun thành từng đống to như quả núi trước sân. Tất cả mọi người đều về nhà tranh thủ chợp mắt để sớm mai đi làm sớm, có ai trông coi, canh giữ gì đống lúa đó đâu! Ngày này qua ngày kia, năm này qua năm khác, đống lúa của hợp tác xã chưa bao giờ suy suyển dù là một thúng, một mẹt! Thuở ấy, hầu như cả dân làng tôi những người lớn tuổi đều mù chữ nhưng chính lòng tự trọng đã đưa họ vào thế giới của những con người chính trực, đáng kính!
Thế nhưng, chỉ vài năm sau đó, khoảng năm 1963, nhiều sự việc đã chuyển màu sang chiều hướng khác! Một hôm tôi về làng, nghe chú Dân (chú họ tôi) làm kế toán hợp tác xã nói với chú Hiếu (chú ruột tôi) đang làm thư ký ủy ban xã rằng: "Hôm qua, có việc hơi lạ, anh Hiếu ạ! Hoe Quyến đưa cho tôi 13 ngàn đồng (hoe Quyến làm thủ kho kiêm thủ quỹ của hợp tác xã). Chú Dân kể: Tôi hỏi: "Tiền gì?". Hoe Quyến nói: "Cứ cầm lấy!". "Tôi nghi ngờ lắm! Nó là tiền gì mới được chứ?". 13 đồng ấy sau này không ai hỏi, chú Dân chẳng biết trả cho ai! Không những thế, Chú Dân còn tiếp tục nhận được những khoản tiền bất minh dài theo ngày tháng. Chú Dân lại nói với chú Hiếu: "Anh Hiếu ạ! Mình không nhận, sợ họ không cho làm kế toán nữa!". Chú Hiếu im lặng không nói gì! Tôi nghĩ, đó là những ngày đầu, năm đầu, tháng đầu, câu tục ngữ "Đói cho sạch, rách cho thơm" đã manh nha cái mầm mống bị phá sản. Những năm tiếp theo thì hết chỗ nói! Kinh tế hợp tác xã đã trở thành một thứ "kinh tế ba vạ". Ban chủ nhiệm lợi dụng họp hành, tiếp đón khách khứa, tổ chức liên hoan ăn uống triền miên. Tôi về quê, gặp anh Chương - Chủ tịch huyện Đô Lương quê tôi. Anh Chương nói: "Huyện cũng nghèo, không có tiền, Thạch Quỳ có lấy "ló" không? Để Chương viết cho cái giấy xuống hợp tác xã Tân Sơn mà lấy dăm bảy tạ!". Tôi cười và nghĩ: Làm kinh tế mà cán bộ có quyền kê đầu gối viết giấy muốn cho ai mấy yến, mấy tạ cũng được thì kinh tế cái nỗi gì? Dân quay mặt với sự thật, bỏ ruộng hoang, chim le le và gà nước ba seo bay rợp cả bầu trời mọc đầy năn lác ở Bàu Bưởi! Tôi cầm bút muốn viết sự thật, "để góp phần xây dựng hợp tác xã mà!", thì trên Báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam có cuộc phê phán nghiêm khắc tác phẩm "Một đêm đợi tàu" của nhà văn Đỗ Phú. Người ta phê phán kịch liệt thái độ của tác giả khi đưa vào trong tác phẩm của mình câu ca dân dã đương thời: "Mỗi người làm việc bằng hai - Để cho chủ nhiệm mua đài mua xe. Mỗi người làm việc bằng ba - Để cho chủ nhiệm xây nhà, xây sân!".
Sau này tôi nghĩ, giá lúc đó ta cứ dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật để sửa chữa khuyết điểm thì nền kinh tế hợp tác xã của chúng ta có tốt hơn không? Hình như ở thời điểm nào nền kinh tế chúng ta cũng còn kéo theo một câu hỏi có thể ai đó cho là ngây thơ, nhưng câu hỏi đó thật là tuyệt vời trong sáng! Chẳng hạn như bây giờ vấn đề "Kinh tế nhà nước", "Xí nghiệp nhà nước" biết bao câu hỏi sáng trong như thế đã vang lên ở diễn đàn Quốc hội?
Bài học về xây dựng kinh tế hợp tác xã trong quá khứ có đáng cho ta ngẫm nghĩ để cùng nhau giải bài toán về "Xí nghiệp nhà nước", "Kinh tế nhà nước" ở thời điểm hiện nay? Những vụ Vinashin, Vinaline... nghe có vẻ tiếng Tây, nhưng bản chất của nó có lẽ cũng không khác mấy với những cái tên hợp tác xã rất mộc mạc Đồng Nê, Đồng Lạc ngày xưa! Khi một số cán bộ nhảy vào thao túng các cơ sở kinh tế, xí nghiệp sản xuất bằng quyền lực đề bạt, cắt cử người phụ trách những cơ sở đó thì bài toán về kinh tế nhà nước của chúng ta chắc chắn là rất phức tạp! Vỏ quýt dày rất cần đến móng tay nhọn! Móng tay nhọn ấy là gì? Là đổi mới cơ chế, là sự minh bạch hóa, là hệ thống pháp lý pháp luật khoa học chính xác và có tính khả thi triệt để. Chúng ta muốn Việt Nam có người đủ tài năng và giao cho tài năng đó cả nguồn vốn của nhà nước để sản xuất, để cạnh tranh nghiêng ngửa với các công ty, các tập đoàn làm ăn uy tín trên thế giới chứ đâu chỉ dừng lại ở cái yêu cầu tối thiểu về đạo đức, về chống tham nhũng! Người có tài năng bất cứ ở lĩnh vực nào là con dân nước Việt đều nên nghĩ đến câu nói của Bác Hồ để thấy trách nhiệm công dân của mình là làm cho "Ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành". Tất nhiên, "cơm ăn, áo mặc, học hành" phải là những đòi hỏi, những tiêu chuẩn xứng tầm với tiến bộ của lịch sử, của thời đại. Lại một câu hỏi khác là làm sao để người có tài năng, có phẩm chất có thể "kinh bang tế thế" được có vai trò, được giữ trọng trách để nghiêng vai chèo lái nền kinh tế của đất nước?
Tuy nhiên, nếu chưa thể đạt được cái chí lớn đó thì cán bộ mong ở dân, dân mong ở cán bộ "giấy rách phải giữ lấy lề", với riêng mỗi người là lòng tự trọng, với cả dân tộc là "Vốn xưng nền văn hiến đã lâu", không thể tự mình tha hóa, xa lạ với phẩm chất vốn có của người Việt, với nền văn minh dân tộc ta xây đắp đã lâu đời...
Thạch Quỳ