Động viên xứng đáng hoạt động phòng, chống tiêu cực của báo chí
Báo chí Cách mạng luôn tôn vinh và nêu cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của người làm báo. Việc tuyên truyền thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước không đơn giản chỉ là phát hiện và phản ánh một chiều những gương điển hình, nhân tố tích cực, những mặt ưu điểm, mà báo chí còn có trách nhiệm thực hiện chức năng phản biện, giám sát xã hội, phát hiện và đưa ra ánh sáng những vụ việc tiêu cực, những mặt trái, những hành vi vi phạm, sai phạm trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Pháp luật của Nhà nước.
(Baonghean) - Báo chí Cách mạng luôn tôn vinh và nêu cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của người làm báo. Việc tuyên truyền thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước không đơn giản chỉ là phát hiện và phản ánh một chiều những gương điển hình, nhân tố tích cực, những mặt ưu điểm, mà báo chí còn có trách nhiệm thực hiện chức năng phản biện, giám sát xã hội, phát hiện và đưa ra ánh sáng những vụ việc tiêu cực, những mặt trái, những hành vi vi phạm, sai phạm trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Pháp luật của Nhà nước.
Những nội dung này được thể hiện rõ trong Luật Báo chí, Luật Phòng, Chống tham nhũng, đồng thời cũng là sứ mệnh cao cả, trách nhiệm nặng nề mà công chúng, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tin tưởng, gửi gắm ở báo chí.
Tuy nhiên, nếu như khi tác nghiệp ở phương diện phát hiện, phản ánh những gương điển hình, nhân tố tích cực, những điểm sáng nét mới trong các phong trào thi đua, biểu dương những mặt tốt, giới thiệu những thành tích... báo chí gặp khá nhiều thuận lợi, thậm chí có khi còn được đón tiếp, quà cáp chu đáo, thì khi tham gia phản biện, giám sát xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, người làm báo và cơ quan báo chí đứng trước muôn vàn áp lực, khó khăn, thiệt thòi, thậm chí có khi phải hy sinh.
Chống tiêu cực, chống thói hư tật xấu, chống cái ác, cái lạc hậu... nhưng bi kịch thay, bản thân người làm báo có khi lại phải đón nhận những điều tiếng thị phi rất phiền lòng, nhẹ là lời trách cứ, nặng thì có thể là bắn tin dọa dẫm, thậm chí khủng bố về tinh thần, hành hung về thể xác...
Điều đáng buồn là những khó khăn, áp lực đó có khi lại đến từ ngay bên trong tòa soạn, trong cơ quan, đơn vị, có khi là ngay trong bạn bè đồng nghiệp, gia đình (như trường hợp nhà báo Hoàng Hùng - phóng viên báo Người Lao động bị vợ giết chết) - trong khi lẽ ra hơn ai hết những người này phải là những người đầu tiên và thường xuyên bên cạnh để cổ vũ, động viên, góp ý giúp cho người cầm bút vững vàng hơn, để tham gia phòng chống tiêu cực hiệu quả hơn.
Sự khác nhau về nhận thức, hiểu biết, tầm văn hóa... dẫn đến những cách nhìn nhận khác vềđấu tranh phòng, chống tiêu cực, trong chừng mực nào đó còn chấp nhận được. Nhưng sự mâu thuẫn bất chính về lợi ích, sự khác nhau trong quan niệm về giá trị, về mục đích, cả những đố kỵ và hẹp hòi trong tư tưởng, dẫn đến việc gây khó dễ, cản trở hoạt động giám sát, phản biện, đấu tranh chống tiêu cực của báo chí, là điều không thể chấp nhận.
Tùy theo mức độ, pháp luật đã ra tay trừng trị, xã hội đã kịch liệt lên án, nhưng việc hạn chế, xóa bỏ những "thế lực đen", "thế giới ngầm", những cản trở vô hình và hữu hình... không phải một sớm một chiều có thể thành công. Nếu không có bản lĩnh nghề nghiệp, không ý thức rõ sứ mệnh cầm bút, không nêu cao ý thức công dân, trách nhiệm xã hội rõ ràng, không có khao khát tìm kiếm và bảo vệ chân lý, bảo vệ sự thật, bảo vệ pháp luật, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, thì chắc chắn người làm báo không đủ dũng khí, can đảm đểđương đầu đấu tranh với cái ác, cái xấu, cái tiêu cực, lạc hậu, lỗi thời.
Do đó, báo chí luôn rất cần sựđồng hành, chia sẻ, tạo điều kiện của các tổ chức, chính quyền, dư luận trong hoạt động phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Mặc dù, xét về mặt đạo lý thì báo chí đương nhiên xứng đáng được đối xử như vậy.
Ngẫm lại, người xưa thật chí lý khi soi xét, đánh giá tư cách, phẩm chất con người qua hành động trước cái ác, cái xấu: "Nhớ câu "kiến ngãi bất vi"/ Làm người thếấy là phi anh hùng" (Nguyễn Đình Chiểu). Những người có ích cho xã hội, vì sự tiến bộ, vì việc nghĩa mà xả thân thì xứng đáng được tôn vinh và cần được xã hội tôn vinh. Còn những phường giá áo túi cơm, những kẻ "kiến ngãi bất vi", "ngậm miệng ăn tiền", những kẻ không chỉ vô dụng mà còn trở thành "đó rách ngáng trộ" đối với các hoạt động phòng, chống tiêu cực thì sớm muộn cũng bị nhận ra chân tướng và bị phê phán. Đó là đạo lý tốt đẹp có từ xa xưa và tin tưởng rằng ngày nay đạo lý ấy vẫn còn giá trị.
Trong công cuộc đổi mới và hội nhập toàn diện, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí to lớn của báo chí, nhất là trong việc thực hiện nhiệm vụđấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Tuy nhiên, để giúp báo chí hoàn thành tốt các nhiệm vụ nặng nề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội, đảng viên, quần chúng nhân dân nên tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, giành sự quan tâm thực chất và có sự cổ vũ, động viên kịp thời, hợp lý, để báo chí tiếp tục có nhiều đóng góp xứng đáng trên mặt trận phòng, chống tiêu cực cũng nhưđóng góp cho sự nghiệp phát triển chung của quê hương, đất nước.
Ngô Kiên