Gặp người con gái của hai vị Anh hùng

15/07/2012 15:45

Trong chuyến hành hương về Nghĩa trang Hàng Dương, Khu di tích lịch sử Quốc gia Côn Đảo, đoàn công tác tỉnh Nghệ An đã đến dâng hương, dâng hoa tại phần mộ của Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và các anh hùng liệt sỹ khác. Về đến Thành phố Hồ Chí Minh, đoàn công tác đã đến thăm hỏi, động viên và tặng quà bà Lê Thị Hồng Minh - con gái duy nhất của Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và nhà yêu nước Nguyễn Thị Minh Khai. Ở tuổi 74, bà Minh hãy còn minh mẫn, rành rọt kể cho đoàn nghe câu chuyện cuộc đời của mình...

(Baonghean) - Trong chuyến hành hương về Nghĩa trang Hàng Dương, Khu di tích lịch sử Quốc gia Côn Đảo, đoàn công tác tỉnh Nghệ An đã đến dâng hương, dâng hoa tại phần mộ của Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và các anh hùng liệt sỹ khác. Về đến Thành phố Hồ Chí Minh, đoàn công tác đã đến thăm hỏi, động viên và tặng quà bà Lê Thị Hồng Minh - con gái duy nhất của Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và nhà yêu nước Nguyễn Thị Minh Khai. Ở tuổi 74, bà Minh hãy còn minh mẫn, rành rọt kể cho đoàn nghe câu chuyện cuộc đời của mình...

Sinh ra chưa đầy tuổi, Lê Thị Hồng Minh đã được má ruột Nguyễn Thị Minh Khai (với trọng trách là Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn thường xuyên phải hoạt động trong vòng bí mật, nguy hiểm) gửi cho gia đình người đồng chí thân thiết là ông bà Dương Bạch Mai - Đặng Thị Du, làm con nuôi. Lớn lên một chút, khi đã có ý thức về mình, Lê Thị Hồng Minh cũng chỉ biết bản thân là con của một gia đình Việt Minh, chứ không biết rằng ba má ruột đã vĩnh viễn cách xa mình mãi mãi... Cũng là những chiến sỹ cách mạng hoạt động bí mật, ông bà Dương Bạch Mai - Đặng Thị Du thường đưa Lê Thị Hồng Minh đi che giấu khắp nơi, lúc thì ở huyện Sông Cầu - Phú Yên, lúc lên Đà Lạt, xuống Phụng Hiệp - Hậu Giang, lại lên Sài Gòn. Tuy nhiên, ông bà luôn chăm sóc, che chở cho cô con gái nuôi (lúc này có tên thường gọi là Yên) chu đáo lắm. Được 8 tuổi thì Lê Thị Hồng Minh lại được gửi cho vợ chồng cô Ba Đào - em ruột ba nuôi, bởi lúc này ông Dương Bạch Mai là ủy viên chính thức của Ban Thường trực Quốc hội, thành viên của Phái đoàn Việt Nam đi dự Hội nghị trù bị Đà Lạt, dự Hội nghị Fontainebleau đã bị thực dân Pháp bắt giữ, má nuôi Đặng Thị Du lo việc liên lạc các đồng chí để cứu chồng ra. Đầu tháng 9/1949, ông bà Dương Bạch Mai - Đặng Thị Du đều được đưa ra Việt Bắc an toàn.



Đồng chí Phan Đình Trạc ân cần thăm hỏi nữ đồng chí Lê Thị Hồng Minh.

Trong thời gian ở với má nuôi, Lê Thị Hồng Minh đã được đăng ký đi học nhưng cũng chỉ được 1, 2 tháng thì đã bị nhà trường đuổi học vì lý lịch là con cộng sản... Hơn 10 tuổi, Lê Thị Hồng Minh đã phải đi làm công, cụ thể là đi ở đợ, giữ trẻ cho những nhà giàu; công việc này đã nuôi sống Hồng Minh cho đến ngày tập kết... Bà kể: "Ngày đó khi còn đi ở, do thường ra 2 vựa cá của Sài Gòn bây giờ là 62 Mạc Đĩnh Chi và Cầu Muối, tôi có quen, thân với một chị tên Hậu - là cơ sở của cách mạng ở Bà Rịa - Vũng Tàu thường lên nhập cá; len lén nghe chị nói chuyện với mọi người mới biết chị là Việt Minh. Ngày 18/8/1954, tôi có đọc báo thì biết từ 20 - 28/8, tất cả Việt Minh đi tập kết ra Bắc, nghĩ cảm tính rằng Việt Minh mà đi hết thì buồn lắm đây, nên đã chạy đến gặp chị Hậu để xin vào chiến khu, rồi đi tập kết. Đến nơi thì chị Hậu bảo: "Em đến muộn quá, mọi người đi cả rồi. Thôi ở lại đây với chị, chị nuôi; 2 năm nữa theo Hiệp định Genève đất nước thống nhất rồi ra cũng được". Nghe nói thế, tôi buồn lắm. May quá, có mấy cán bộ về nói chuyện với chị Hậu, nghe chuyện tôi, mấy bác bảo sáng mai cho đi, kịp thì tốt, không dẫn trở lại... Tối ấy về đến nhà chủ, tôi bảo với ông bà mình sẽ ra Bắc tập kết nhưng ông bà không tin mà nghĩ là tôi kiếm cớ đi làm cho nhà khác và còn dặn, ở nhà kia không tốt thì quay lại với ông bà. Thế rồi, sáng 19/8, tôi được các chị dẫn xuống Thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu, sau 2 ngày thì đến chiến khu Hàm Tân - Xuyên Mộc. Vào đến nơi thì gặp các bác cán bộ mình. Các bác hỏi thăm thì biết tôi là con nuôi của ông bà Dương Bạch Mai, con ruột của ba Lê Hồng Phong, má Nguyễn Thị Minh Khai thì thương và quý lắm, phát cho đôi dép cao su, tấm ni lông che mưa, còn cho thêm 500 đồng tiêu vặt... Được vài hôm thì theo mọi người xuống tàu Pháp ra Bắc cập bến ở Sầm Sơn... Trên đường đi, tôi được các cô các chú kể rất nhiều chuyện về ba má tôi. Tôi rất xúc động và nhớ mãi một câu nói của ba tôi trước khi hy sinh, được những bạn tù của ông truyền lại, một số sách cũng có nhắc: "Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng"; lá thư của má gửi cho ba trước lúc ra trường bắn "Dù có chết, em hứa với anh, chung thủy với cách mạng, trung thành với Đảng. Em hứa mãi mãi là người chiến sĩ cộng sản kiên cường. Mong anh cũng như vậy...".

Nước mắt bà Lê Thị Hồng Minh cứ chảy dài: "Ba má tôi có một tình yêu lớn trong quá trình hoạt động cách mạng. Cuộc đời, tình yêu và hạnh phúc của hai đồng chí lãnh đạo của Đảng gắn liền với cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của đất nước, Tổ quốc Việt Nam. Điều tôi thấy đáng tiếc nhất là không kịp nhận biết gì về ba má tôi. Tôi chỉ biết qua lời kể và một vài tấm ảnh hiếm hoi của ba má tôi để lại"... "Ra đến Hà Nội, tôi được Bác Hồ và các chú ở Trung ương dành nhiều tình cảm. Một phần vì thương tôi côi cút, một phần vì quan hệ trước đây của các chú các bác với ba má tôi. Hồi đó, hễ có lúc nào rảnh là Bác Hồ cho gọi, tôi đạp xe đến một cái cổng nhỏ bên vườn, có người ra đón tôi vào với Bác. Tôi đến và ở chơi, trò chuyện như người thân một nhà. Bác gọi tôi là Bé, sau này tôi có chồng có con, Người vẫn gọi tôi là Bé như thuở trước. Tôi được cho sang Trung Quốc học tập, rồi sau đó sang Liên Xô học đại học ngành cơ khí chế tạo máy. Tuy nhiên, khi ra trường về nước tôi chỉ làm công tác nghiên cứu về Đảng. Đất nước giải phóng, tôi xin về Thành phố Hồ Chí Minh và tôi công tác ở Ban Tổ chức Thành ủy từ năm 1976 và nghỉ hưu từ năm 1995... Sức khỏe tôi vốn rất kém, nhưng với sự giúp đỡ động viên thường xuyên của anh em, bạn bè, của các cơ quan ban ngành Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An nên đến nay cũng khá tốt rồi. Tôi sống trong căn nhà nhỏ trên đường Bùi Thị Xuân, quận Tân Bình này, phía trước thì cho thuê cộng thêm lương hưu nên đời sống tạm ổn. Con cái dần trưởng thành và đều có công việc. Tôi luôn tự hào về ba tôi, má tôi - những người cộng sản hy sinh vì sự nghiệp của Đảng, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Với tôi cuộc sống thế là tốt rồi, không mong muốn gì thêm!".

Hai nhà cách mạng yêu nước Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai suốt đời luôn phấn đấu cho độc lập, tự do, hạnh phúc cho đất nước, cho dân tộc; cuộc đời chân chính của người con gái duy nhất của họ cũng như thế - sống thanh bạch, gương mẫu, luôn mong muốn điều tốt cho mọi người. Đồng chí Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm: "Chị Lê Thị Hồng Minh sinh hoạt thuộc Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, giờ hiện nay tuổi cao sức yếu nhưng chị vẫn thực hiện rất tốt nhiệm vụ của người đảng viên, đặc biệt hơn nữa, chị là một tấm gương rất mẫu mực trong sinh hoạt, trong cuộc sống đời thường. Nhiều cán bộ đảng viên thành phố noi theo, đặc biệt là thế hệ trẻ...". Tại cuộc gặp gỡ, thăm hỏi, đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đã thưa rằng: "Vào đầu tháng 9 tới, tỉnh Nghệ An được Ban Bí thư giao chủ trì cùng với các bộ, ngành Trung ương tổ chức kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Lê Hồng Phong. Nhân chuyến đi này, đoàn công tác của tỉnh đã đi thắp hương cho phần mộ đồng chí Lê Hồng Phong ở Nghĩa trang Hàng Dương và về đây thăm chị. Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An mong muốn đến ngày lễ kỷ niệm và khánh thành Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, chị sẽ về dự cùng". Bùi ngùi xúc động, bà Lê Thị Hồng Minh như buồn như tủi, cáo lỗi: "Thưa với toàn Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An, năm nào cũng đến gần ngày sinh, ngày giỗ của ba, của má tôi, các đoàn công tác của tỉnh đều vào thăm nghĩa trang và thăm tôi. Tôi rất xúc động, thấy được tình cảm quê hương đậm đà, ấm áp. Bây giờ tuổi đã cao, lại bị suy tim độ 3, không thể đi máy bay hay xe, tàu được, đành xin lỗi ba má, mong Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà thông cảm... Ở mảnh đất phương Nam, tôi vẫn một lòng hướng về quê cha đất tổ, mong muốn Đảng bộ và nhân dân xây dựng tỉnh nhà phát triển như mong muốn ba, má tôi sinh thời!".

Chia tay bà Lê Thị Hồng Minh, trong đoàn ai cũng cảm thấy hẫng hụt. Vẫn mong rằng, ngày lễ trọng hai người Anh hùng Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai và cô con gái duy nhất Lê Thị Hồng Minh, có thể về quê hương, để thấy Nghệ An hôm nay đã phát triển nhiều rồi!


Thành Chung