Mong manh nghề giấy dó
(Baonghean) - Thị trường tiêu thụ ngày càng hẹp, lợi nhuận thấp khiến làng nghề giấy dó Phong Phú (xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc) đang đứng trước nguy cơ mai một. Từ 70 hộ tham gia sản xuất (năm 2007) thì đến nay, cả làng nghề chỉ còn 25 hộ giữ nghề.
Không ai biết nghề sản xuất giấy dó tại xã Nghi Phong (Nghi Lộc) có từ bao giờ. Những người già nhất làng chỉ nhớ rằng khi họ sinh ra đã có nghề này và tiếp tục truyền cho các thế hệ con cháu. Ông Phạm Văn Lâm, xóm trưởng xóm Phong Phú cho biết: "Nhà tôi làm nghề này từ đời bố mẹ tôi, đến tôi cũng đã ngót nghét hơn 50 năm. Cả xã chỉ có xóm tôi làm nghề này nên sản phẩm được đặt luôn tên "giấy dó Phong Phú".
Các công đoạn sản xuất giấy dó đều làm bằng thủ công.
Làm giấy dó tuy không tốn nhiều công sức, nhưng muốn học nghề thì người thông minh cũng phải mất gần một năm mới thuần thục những kỹ năng để có thể làm ra những tấm giấy ưng ý và có chất lượng. Nguyên liệu để làm ra giấy dó là cây niệt, cây dó. Những loại cây này tập trung chủ yếu ở vùng đồi núi tỉnh Hà Tĩnh và các huyện miền núi Nghệ An như Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn... Cây niệt được lược bỏ hết phần lá, vỏ và chỉ lấy phần thịt, lõi cứng bên trong. Sau đó, phần thịt này sẽ được nhào với vôi và nấu trên bếp khoảng 12 tiếng đồng hồ. Sau khi nấu xong vớt ra ngâm trong nước lạnh để xả hết nước vôi. Phần vỏ niệt sau khi được làm sạch, bỏ trên một tấm đá bằng phẳng và lấy chày đập khoảng 30 phút. Thứ bột này sẽ tiếp tục được hòa với nước và tráng lên trên khuôn có sΩn, phơi dưới ánh nắng mặt trời để cho ra đời loại giấy dó.
Ngày trước, giấy dó Phong Phú được tiêu thụ rộng rãi trong tỉnh,được người ta mua về để làm quạt giấy, hương trầm, bọc cá... Do giấy dó Phong Phú có mùi thơm, mỏng và bền nên làm ra bao nhiêu, tiêu thụ hết bấy nhiêu. Có đợt, cả làng làm, người mua, người bán chen nhau, không khí sản xuất của làng ngày nào cũng như hội. Tiếng chày, tiếng cối vang khắp làng. Buổi trưa mùa hè, vào làng Phong Phú thấy trắng toát một màu trắng của giấy dó. Nhiều hộ gia đình ở đây đã thoát nghèo từ nghề làm giấy này. Tháng 12/2007, làng nghề giấy dó Phong Phú được chính thức công nhận làng nghề cấp tỉnh.
Không cho thu nhập cao như các nghề khác nhưng nghề làm giấy dó lại tốn ít vốn và thời gian. Thường những lúc nông nhàn, người dân mới tranh thủ làm. Nguồn nguyên liệu để làm giấy dó dồi dào và rẻ nên chi phí sản xuất rất ít. Gia đình anh Nguyễn Văn Hà, một trong những hộ làm giấy dó nhiều nhất xóm cho biết:Làm giấy dó không tốn thời gian như làm nông nghiệp. Hơn nữa, nghề này thì cả người già và trẻ em đều làm được. Mỗi tháng, gia đình tôi cũng thu về khoảng 2 triệu đồng từ nghề. Mặt khác, đây là nghề truyền thống của cha ông nên chúng tôi phải gìn giữ, và nếu có đều kiện chúng tôi sẽ phát triển nghề nhiều hơn.
Nói vậy, nhưng hiện nay nghề làm giấy dó Phong Phú đang gặp rất nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ ngày càng bó hẹp. Trước đây chủ yếu được bán cho nghề làm quạt giấy và sản xuất hương trầm. Nhưng nay quạt giấy không còn được sử dụng nhiều và nghề sản xuất hương trầm tại Qùy Châu đã chuyển sang sử dụng giấy dó sản xuất tại Hà Nội, do giá thành rẻ hơn, nên giấy dó Phong Phú chủ yếu bán cho các tàu thuyền đi biển để họ bọc cá. Có những tháng biển động, tàu thuyền nằm bờ, giấy dó sản xuất ra không biết bán cho ai. Hơn nữa, tất cả các công đoạn làm đều bằng thủ công, thời gian để một người làm được một tấm giấy có thể kéo dài đến 2-3 ngày. Gặp những ngày trời mưa, giấy làm xong không phơi được đành để trong nhà. Nếu ngày nắng, trung bình một ngày làng nghề có thể sản xuất được 150 tấm. Nhưng có những ngày mưa, thì chỉ làm được khoảng 20 tấm.
Sản phẩm tiêu thụ khó khăn, thu nhập từ nghề giảm khiến nhiều hộ phải chuyển nghề khác. Năm 2007, cả xóm có hơn 70 hộ tham gia thì đến nay chỉ còn 25 hộ. Những hộ còn giữ nghề thì chỉ sản xuất nhỏ, lẻ. Hộ nhiều nhất chỉ 50 khuôn, chủ yếu là từ 15-20 khuôn. Lao động trong xóm dần quay lưng lại với nghề và đi làm ăn xa, chỉ có người già và trẻ em tham gia làm nghề. Lớp thanh niên trong xóm nếu không đi học lên cao thì đi làm công nhân hay xuất khẩu lao động chứ nhất quyết không chịu ở nhà học nghề truyền thống. Dù đã theo nghề từ lâu, nhưng trong làng không có ai là nghệ nhân nên những kiến thức làm nghề cứ dần mai một.
Tâm niệm của người làng nghề giấy dó Phong Phú là mong có sự quan tâm, giúp đỡ của nhà nước cũng như một "cứu tinh" nào đó để duy trì nghề cha ông truyền lại để chờ cơ hội phát triển.
Phạm Bằng