Về Bạc Liêu viếng đền thờ Bác

20/05/2012 18:40

Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu), cách trung tâm TP. Bạc Liêu hơn 8 km về hướng đông...

Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu), cách trung tâm TP. Bạc Liêu hơn 8 km về hướng đông bắc, ban đầu được xây dựng với vật liệu đơn sơ (tre, lá). Việc hình thành, giữ gìn Đền thờ là một câu chuyện ly kỳ của Đảng bộ và nhân dân xã Châu Thới anh hùng.



Hội CCB tỉnh Bạc Liêu viếng đền thờ Bác ở Châu Thới

Cách đây gần 43 năm, ngày 5-9-1969, khi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát tin buồn Bác Hồ vĩnh viễn đi xa, quân dân xã Châu Thới bàng hoàng, đau đớn. Nghĩ đến tình yêu thương của Bác đối với nhân dân miền Nam ruột thịt, Đảng bộ và nhân dân Châu Thới có tâm nguyện chung là xây dựng Đền thờ Bác ngay tại quê hương để ngày đêm hương khói cho Người, củng cố thêm niềm tin vào con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Sáng ngày 19-5-1972, Lễ khánh thành Đền thờ Bác được tiến hành trong niềm hân hoan và trang nghiêm của trên một ngàn người trong xã Châu Thới và các chiến sĩ huyện Vĩnh Lợi. Khu di tích này được công nhận là di tích lịch sử cách mạng quốc gia 1998. Đây cũng là niềm tự hào của Châu Thới nói riêng và Bạc Liêu nói chung.



Cổng vào Đền

Từ ngày thống nhất đất nước, sau nhiều lần tôn tạo, trùng tu, ngôi đền nhỏ đơn sơ ngày nào đã trở thành khu di tích lịch sử quy mô lớn. Nhớ lại những ngày chiến đấu, xây dựng Đền thờ Bác Hồ ngay trong lòng địch đã khó, còn bảo vệ nơi hương khói cho Người còn khó hơn trăm lần, vì bọn Mỹ - Nguỵ luôn tìm cách phá hoại, các nhân chứng lịch sử luôn xúc động xen lẫn tự hào. Dù đã hơn 41 mùa xuân Bác ngủ say trong cõi vĩnh hằng, nhưng chú Nguyễn Đăng Khoa – nguyên là Đội trưởng Đội bảo vệ Đền thờ Bác, từng quyết tử để bảo vệ Đền, vẫn luôn nhớ mãi những ngày cùng đồng đội đi nhặt những trái pháo lép của địch mang về chế tạo lại, lấy trộm những trái lựu đạn để dùng làm "chướng ngại vật” ngăn chặn giặc phá Đền thờ Bác. Sau ngày giải phóng, chú Khoa tiếp tục làm công việc bảo vệ, chăm sóc Đền thờ Bác đến nay. Với tình cảm sâu nặng đối với Bác, chú Khoa đã tìm thấy được niềm vui và hạnh phúc trong công việc.

Còn với cô Lê Thị Đầm (74 tuổi) - nguyên Bí thư xã Châu Thới, hễ đến ngày sinh nhật hay giỗ Bác là cô làm một mâm cơm giản dị cúng Bác vì biết rằng "nếu làm sang trọng, lãng phí quá Bác sẽ không vui”. Đó là ngày gia đình quây quần bên nhau, mỗi lần như thế là một câu chuyện về Bác Hồ sẽ được cô Đầm kể cho các cháu nghe. Mỗi lần một ít thôi để các cháu thấm dần, cô vui sướng rơi cả nước mắt khi đứa cháu nội đang học tiểu học trầm ngâm như người lớn nhận định về Bác: "Trên đời này chỉ có một mà không có hai phải không bà nội?”. Mâm cơm cúng Bác bao giờ cũng có chén mắm nêm và đĩa cà pháo vì đó là món ăn dân dã mà Bác thích.



Cô Đầm hằng ngày vẫn thắp hương Bác tại gia đình

Những câu chuyện về tấm lòng quân dân Châu Thới đối với Bác Hồ như việc xây cất đền thờ, vừa là di sản văn hóa của địa phương, vừa là di tích lịch sử văn hóa mãi mãi trường tồn cùng non nước Việt Nam; việc thờ Bác ở gia đình, việc chiến đấu với kẻ thù để bảo vệ đền thờ, trông nom và chăm sóc đền luôn được các thế hệ đi trước truyền lại cho các thế hệ sau. Có về viếng Đền thờ Bác Hồ, nhìn những hiện vật đơn sơ nhưng chan chứa tình cảm, rồi nghe người dân nơi đây kể chuyện mới thấm thía hết ý nghĩa của câu: "Bác Hồ sống mãi trong trái tim miền Nam”. Dù cho Người chưa có dịp vào thăm, dù cho niềm mong mỏi của cán bộ, nhân dân miền Nam, trong đó có người dân Bạc Liêu sẽ không bao giờ thành hiện thực, nhưng trong mỗi trái tim người dân vẫn luôn khắc ghi hình bóng và lời dạy của Người, nhất là trong giai đoạn hiện nay "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Đến với khu di tích này, bạn sẽ gặp được những chiến sĩ đã từng chiến đấu kiên cường để bảo vệ Đền thờ, bạn sẽ thấy được tinh thần anh dũng và sự mưu trí của quân dân Bạc Liêu thông qua những hiện vật được trưng bày tại đây. Một hiện vật rất nhỏ, nhưng là một câu chuyện đầy xúc động. Đó chính là hai mảnh vải đen và đỏ của cô Lê Thị Đầm và ông Nguyễn Văn Phấn trong buổi lễ truy điệu Bác tại đền thờ, được 2 người cất giữ từ năm 1969 đến nay. Sau ngày giải phóng đến nay, Đền thờ thường xuyên là địa điểm để tổ chức những hoạt động xã hội, là nơi họp mặt những ngày truyền thống, nhất là dịp 19-5, Quốc khánh 2-9 và giỗ Bác quân dân Bạc Liêu viếng, dâng hương tưởng nhớ đến Người và tổ chức mâm cơm cúng Bác.

Đến với Đền thờ Bác ở Châu Thới, thắp nén nhang trước tượng Bác uy nghiêm, nhân từ, chắc chắn ai cũng tưởng nhớ đến vị lãnh tụ của đất nước và nhìn lại bản thân mình, để nỗ lực phấn đấu "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.


Theo Daidoanket-M