UBND tỉnh tiếp tục phiên họp thường kỳ tháng 8/2012

22/08/2012 18:36

Chiều nay 22/8, dưới sự chủ trì của đồng chí Hồ Đức Phớc – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục phiên họp thường kỳ tháng 8 năm 2012 để nghe và cho ý kiến vào các nội dung: Báo cáo kết quả thực hiện Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, các thiết chế văn hóa cơ sở, xây dựng làng xóm, đơn vị văn hóa; Quy định về phân công quản lý các trường đại học cao đẳng trên địa bàn tỉnh…

(Baonghean.vn) - Chiều nay 22/8, dưới sự chủ trì của đồng chí Hồ Đức Phớc – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục phiên họp thường kỳ tháng 8 năm 2012 để nghe và cho ý kiến vào các nội dung: Báo cáo kết quả thực hiện Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, các thiết chế văn hóa cơ sở, xây dựng làng xóm, đơn vị văn hóa; Quy định về phân công quản lý các trường đại học cao đẳng trên địa bàn tỉnh…



UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 8/2012

Mở đầu phiên họp, các ủy viên ủy ban đã nghe đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo kết quả thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Nghệ An giai đoạn 2000-2012, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2012 – 2015, định hướng đến năm 2020. Theo đó, trong hơn 10 năm qua phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được nhân dân hưởng ứng thực hiện và đạt được nhiều thành quả quan trọng. Tính đến cuối năm, toàn tỉnh có 75,5% gia đình văn hóa, 50,6% làng, bản, khối phố đạt danh hiệu văn hóa, có 30 xã có thành tích xuất sắc trong phong trào và xây dựng 5 huyện điểm văn hóa (Nam Đàn, Quỳ Hợp, Anh Sơn, Quỳnh Lưu, Thị xã Cửa Lò); 20/20 huyện thành, thị có thiết chế văn hóa – thể thao, có 414 sân vận động cấp xã và 5.060 nhà văn hóa xóm…

Tuy nhiên số xã, phường, thôn, bản có thiết chế văn hóa thể thao đạt tiêu chí chuẩn chiếm tỷ lệ còn thấp, đặc biệt các huyện miền núi. Trang thiết bị cơ sở vật chất hoạt động văn hóa còn thiếu. Nhiều địa phương, thiết chế văn hóa cơ sở chưa phát huy hiệu quả; Chất lượng các danh hiệu văn hóa chưa cao, chậm khắc phục bệnh thành tích trong công nhận các danh hiệu văn hóa; Việc triển khai thực hiện phong trào ở một số địa phương còn hạn chế, có lúc có nơi còn thiếu bền vững, thiếu chiều sâu; Tệ nạn xã hội vẫn còn diễn biến phức tạp; Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở một số cơ sở năng lực thực tế còn bất cập so với yêu cầu.

Tại cuộc họp, các thành viên tham gia cuộc họp đã đi sâu phân tích, đánh giá các mặt tồn tại; các giải pháp khắc phục. Kết luận nội dung này, đồng chí Hồ Đức Phớc lưu ý cần có sự đánh giá cụ thể rạch ròi hơn trong việc nêu lên những mặt làm được; Rút kinh nghiệm, sửa đổi, đưa ra những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể từ nay đến năm 2015, chú trọng yếu tố con người và cơ chế chính sách.

Tiếp đó, Sở Nội vụ trình bày về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của bản quy định phân công quản lý các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh để thực hiện đúng các quy định hiện hành của Nhà nước cũng như khắc phục thiếu sót, tồn tại, bất cập không phù hợp yêu cầu nhiệm vụ mới.

Sau khi nghe những ý kiến tham gia của các sở ngành, ủy viên ủy ban, đồng chí Hồ Đức Phớc đã thống nhất nguyên tắc chung: Các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh chịu sự quản lý nhà nước của UBND tỉnh Nghệ An và chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quản lý nhà nước về dạy nghề của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Các ngành tham mưu giúp UBND tỉnh trực tiếp quản lý nhà nước trên từng lĩnh vực theo chức năng nhiệm vụ được giao; Các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn có quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo quy định về pháp luật về xây dựng thực hiện quy hoạch, kế hoạch đào tạo và các lĩnh vực thuộc chức năng nhiệm vụ của trường được pháp luật cho phép. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ rõ trách nhiệm của các Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc quản lý nhà nước đối với các trường đại học, cao đẳng.


Thành Chung