Hai người phụ nữ gốc Việt được Tổng thống Mỹ bổ nhiệm vào VEF

03/06/2012 17:24

Trung tuần tháng 5 vừa qua, Chính phủ Hoa Kỳ đã ra thông cáo báo chí về việc Tổng Thống Barack Obama quyết định đề...

Trung tuần tháng 5 vừa qua, Chính phủ Hoa Kỳ đã ra thông cáo báo chí về việc Tổng Thống Barack Obama quyết định đề cử vào Hội đồng quản trị Quỹ Giáo dục Việt Nam - Vietnam Education Foundation (viết tắt VEF) đối với 2 nhà hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực giáo dục là bà Nguyễn Phúc Anh Lan và Vương Ngọc Quyên.



Bà Vương Ngọc Quyên (người mặc áo trắng, hàng trước)

Được biết, VEF là một cơ quan do chính phủ liên bang Hoa Kỳ lập ra từ năm 2003 nhằm hỗ trợ các hợp tác về giáo dục giữa Mỹ và Việt Nam. Hàng năm, Quốc hội Hoa Kỳ đều dành khoảng 5 triệu USD cho Quỹ tới năm 2018.

Tới nay có khoảng 400 nghiên cứu sinh Việt Nam đã và đang du học tại Hoa Kỳ thông qua học bổng của VEF. Cũng có khoảng 30 nhà nghiên cứu Việt Nam đã được sang Mỹ theo chương trình học giả của VEF và nhiều giáo sư người Mỹ tham gia giảng dạy tại Việt Nam cũng với tài trợ của VEF.

Bà Nguyễn Phúc Anh Lan khá nổi tiếng với các hoạt động giáo dục trong cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Hội Văn hóa và Khoa học Việt Nam (Vietnamese Culture and Science Association). Năm 1998, bà thành lập Trại hè phát triển năng lực lãnh đạo trẻ quốc gia, nhằm thúc đẩy các hoạt động của công dân người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ. Bà Lan cho biết: "Trong quá trình 20 năm làm việc, Hội Văn hóa và Khoa học luôn chú trọng đến vấn đề giáo dục và huấn luyện kỹ năng lãnh đạo đối với thanh niên, điển hình là chương trình trại hè phát triển kỹ năng cho thanh niên mà chúng tôi đã thực hiện được đến nay là năm thứ 15. Tất cả những công việc mà chúng tôi làm có lẽ đã gây được tiếng vang và gây được sự chú ý của giới chức chính quyền Hoa Kỳ. Và vì vậy mà Tổng thống Mỹ đã mời chúng tôi tham dự vào hội đồng quản trị của VEF.

Trước đó, trong sinh hoạt của Hội Khoa học và Văn hóa, chúng tôi vẫn thường xuyên tham dự các hoạt động của các tổ chức người Mỹ gốc Việt hay có các chương trình giúp về giáo dục ở Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy nhu cầu về giáo dục ở Việt Nam là rất lớn và luôn trăn trở để làm sao xây dựng được một thế hệ thanh niên trí thức trong tương lai. Các em không chỉ giỏi về kỹ thuật mà còn trở thành những người lãnh đạo để chung tay xây dựng một cộng đồng vững mạnh nơi mình sống”.



Bà Nguyễn Phúc Anh Lan

Tương tự, bà Vương Ngọc Quyên hiện là giám đốc điều hành ICAN (International Children Assistance Network) ở San Jose, một tổ chức hoạt động vì trẻ em có uy tín tại Việt Nam và Hoa Kỳ, do bà đồng sáng lập vào năm 2000. Bà còn là thành viên của tổ chức thiện nguyện Vòng tay Thái Bình - Pacific Links Foundation – cũng do bà đồng sáng lập vào năm 2001. Bà Vương Ngọc Quyên cho biết: "Hội ICAN ra đời năm 2000 với mong ước ban đầu hỗ trợ, giúp đỡ cho trẻ em nghèo và bất hạnh ở Việt Nam. Chúng tôi nghĩ rằng, khi mình có điều kiện rồi, thì ai ai cũng mong muốn chung tay giúp đồng bào mình ở Việt Nam. Sau đó, đến khoảng năm 2001-2002, chúng tôi thấy con em người Việt ở Hoa Kỳ cũng rất cần sự giúp đỡ của những hội như ICAN. Thành ra, từ năm 2001-2002, chúng tôi bắt đầu có chương trình ở hai nơi. Cụ thể là tại Việt Nam, chúng tôi giúp những trẻ em nghèo và mồ côi, có cơ hội được cắp sách đến trường.

Tiếp đó, Hội ICAN cũng xây một cơ sở mới cho tịnh xá Tuệ Tĩnh Đường ở Huế; giúp một số máy trợ thở cho trẻ em sinh non. Ngoài ra hàng năm, chúng tôi có tặng quà, tặng sách cho các em đi học, tặng quà cho các nạn nhân thiên tai bão lụt. Mục đích của ICAN là giúp cho trẻ em có điều kiện để phát triển được khả năng để sau này các em có thể đóng góp lại cho xã hội. Và ở Mỹ cũng vậy, tuy các em không thiếu ăn, thiếu mặc nhưng lại dễ dàng thiếu mất bản sắc văn hóa. Hội thiện nguyện ICAN mong giúp cho các em không bị thiếu thốn những vấn đề đó…”.

Nói lên những suy nghĩ về các đường hướng riêng khi được bổ nhiệm vào VEF, bà Vương Ngọc Quyên tâm sự: "Sứ mạng của VEF là giúp cho việc củng cố quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, thông qua các giao lưu văn hóa và giáo dục, đặc biệt thiên về các ngành khoa học công nghệ. Đến nay, hàng năm Quỹ đã gửi khoảng 50 sinh viên ưu tú từ Việt Nam sang học tập tại Hoa Kỳ. Mong muốn của chúng tôi là tạo cơ hội cho tất cả những sinh viên ưu tú dù ở thành thị hay nông thôn đều có cơ hội được học tập và phát triển ở Hoa Kỳ”.


Theo DĐK-M