Kỳ IV: Cần có giải pháp chuyển đổi ngành nghề bền vững
Thấy nghề “đi gỗ” dễ kiếm ăn, nhiều nông dân chân lấm tay bùn ở các vùng rừng Quế Phong, Con Cuông, Thanh Chương, Tương Dương… bỗng chốc “biến” mình thành “lâm tặc” lấy nghề chặt phá rừng, vận chuyển gỗ lậu là nghề chính. Nhưng phía sau những gương mặt ấy vẫn có những “phận” lâm tặc muốn chuyển nghề mưu sinh…-->> Xem Kỳ III: Xưởng cưa "nuốt" gỗ lậuĐắng đót… “phận lâm tặc”
Đắng đót… “phận lâm tặc”
Nơi những miền rừng chúng tôi đi qua, chỗ nào còn nhiều rừng gỗ quý là nơi đó có “làng lâm tặc”. Họ được các “đầu nậu” thuê chặt và vận chuyển gỗ lậu, rồi còn “trang bị” cho cả vũ khí “nóng” như dao, kiếm và súng “hoa cải” khi đi áp tải gỗ. Vào Mường Piệt (Thông Thụ, Quế Phong) nơi có số người theo nghề “đi gỗ” lớn nhất vùng, bản làng vắng hoe, chỉ có đám trẻ nít và người già ở nhà. Khi mặt trời vừa lặn xuống ngọn Pu Lý thì mới nghe vang lên âm thanh tiếng mõ trâu đang kéo gỗ về ven dòng Nậm Piệt.
Một người dân bản ở Mường Piệt than thở: Dân Mường Piệt suốt ngày nằm trong rừng “đi gỗ” để kiếm bữa ăn nên con cái thất học, có người lấy tiền “đi gỗ” để chích ma tuý, cờ bạc, có người bị gỗ đè cho thương tật. Quanh năm “đi gỗ” mà nhiều gia đình “lâm tặc” vẫn đang phải sống trong những mái lá tranh tre tạm bợ. Rừng ngày càng cạn kiệt, lợi nhuận chỉ “chảy” vào túi các “đầu nậu” và một số cá nhân khác. Hậu quả để lại là những quả núi trọc trụi, lũ ống, lũ quét làm thiệt hại tính mạng và tài sản thì người dân bản chúng tôi phải gánh chịu hết. Thế mới biết nỗi lòng “đắng đót” cho “phận lâm tặc”.
Ông Quang Văn N, một người dân ở bản Mường Piệt (Thông Thụ) tâm sự: Gia đình đông con lại thiếu đất sản xuất, đặc biệt là ruộng nước, chỉ trông chờ vào chăn nuôi trâu, vậy mà năm nào trâu cũng chết vì dịch bệnh. Biết khai thác gỗ là vi phạm pháp luật nhưng vì miếng cơm manh áo nên cả mấy cha con vẫn vào rừng chặt gỗ. Theo như ông N thì các đầu nậu thuê chặt và vận chuyển gỗ với giá rẻ mạt. Mỗi ngày chỉ được vài trăm ngàn, trong khi phải bỏ vốn ra mua cưa xăng, dầu và nhớt phục vụ cưa gỗ, chưa kể là phải chăm sóc trâu thật khoẻ để kéo gỗ, ngày mưa thì không đi được. Nghề này cũng đối mặt với nhiều hiểm nguy và nặng nhọc. Phải đi sớm về khuya, sên vắt và ruồi vàng cắn cho khắp người thành sẹo. Nhiều lúc cũng muốn bỏ nghề. Chúng tôi mong muốn được Nhà nước quan tâm có cơ chế hỗ trợ khai hoang ruộng nước, đặc biệt là tạo vốn vay để phát triển chăn nuôi lợn, gà và trâu bò, tận dụng khe suối để thả cá.
Ông Lô Văn Bảo - Trưởng bản Mường Piệt than thở: Cả bản có 166 hộ và 730 nhân khẩu nhưng chỉ có hơn 7 ha đất trồng lúa nước, trong khi mùa vụ và chăn nuôi bấp bênh. Mới đây bản có 39 con trâu chết trong rừng do dịch bệnh, thiếu cái ăn nên dân bản cùng đường mới vào rừng để mưu sinh(?). Chúng tôi đang rất cần được Nhà nước quan tâm hỗ trợ vốn và kỹ thuật để bà con phát triển kinh tế rừng, chăn nuôi chuyển đổi nghề nghiệp mới mong đỡ phá rừng.
Tại các điểm tái định cư (TĐC) Thủy điện Hủa Na ở các xã Thông Thụ, Đồng Văn, Tiền Phong mới được xây dựng, hiện người dân đã di chuyển được trên 90% số hộ dân về nơi ở mới. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu người dân đã phải đối mặt với những khó khăn ở các khu TĐC. Đó là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nhiều điểm chất lượng công trình kém, nhiều điểm tái định cư đã bị sạt lở nghiêm trọng, đặc biệt là trong thời gian chờ được chia đất sản xuất, người dân không có việc làm. Tại điểm TĐC Piêng Cu, mặc dù người dân đã chuyển về được gần 2 năm nhưng chưa có đất sản xuất, đời sống khó khăn, phát sinh nhiều tệ nạn xã hội. Hàng ngày, người dân chỉ biết trông chờ vào nguồn hỗ trợ của BQL Dự án Thủy điện Hủa Na theo quyết định của UBND tỉnh. Không có nguồn sinh kế, người dân bắt buộc phải vào rừng để khai thác lâm sản hoặc đi làm thuê cho các đầu nậu.
Vấn đề đặt ra hiện nay đối với các khu tái định cư ở Thủy điện Hủa Na là ngoài việc nhanh chóng ổn định đời sống cho bà con, cần phải triển khai chia đất cho bà con sản xuất, đặc biệt là tập trung hỗ trợ các khu tái định cư khai hoang ruộng nước, ổn định lương thực. Triển khai các dự án hỗ trợ phát triển kinh tế phù hợp với thổ nhưỡng của từng vùng để từng bước cải thiện cuộc sống, giảm thiểu tình trạng bà con vào rừng chặt gỗ thuê cho các “đầu nậu”.
Để người dân sống được từ rừng mà không khai thác rừng trái phép
Đối với xã Thanh Thủy, Thanh Chương hiện có một đội ngũ “hùng hậu” trăm người hàng ngày tham gia chặt phá rừng và vận chuyển gỗ trái phép. Ông Phan Duy Trinh - Chủ tịch UBND xã Thanh Thuỷ thẳng thắn: Vì thấy khai thác gỗ lậu nhanh kiếm tiền nên nhiều đối tượng tham gia. Thời gian qua xã đã tổ chức tuyên truyền, vận động, cam kết đến tận người dân, không chặt phá rừng, nhưng xem ra vẫn khó, một số đối tượng đã chuyển sang nghề khác như đi xây dựng, vào miền Nam làm thuê, nhưng khi quay về có khi lại tranh thủ “đi gỗ” 7-10 ngày, có “tiền tươi” họ lại quay về nghề cũ.
Ông Trinh cho biết thêm: Thanh Thủy là xã có tiềm năng phát triển kinh tế chủ yếu là chè và chăn nuôi, trồng rừng. Thực tế đã có nhiều hộ dân trước đây theo nghề “đi gỗ” nhưng đã “giải nghệ” nay làm kinh tế rừng khá hiệu quả. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Hoàn ở xóm 4 trồng 5 ha rừng và nuôi nhím sinh sản, ông Vũ Văn Quý ở xóm 4 phát triển trang trại trồng chè trên 2 ha kết hợp với chăn nuôi lợn và trâu bò, anh Nguyễn Phùng Trung đã mạnh dạn vay tiền mua xe ô tô tải vận chuyển hàng tạp hoá cho các đại lý ở Võ Liệt, Thanh Thủy… Các gia đình trên có thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng/năm.
Thanh Thủy là xã biên giới có diện tích 11.700 ha, có 881 hộ (4.200 nhân khẩu) điều kiện đất canh tác nông nghiệp khá phong phú. Đến thời điểm này xã đã trồng được hơn 300 ha chè và trên 300 ha rừng nguyên liệu. Ông Phan Duy Trinh nói thêm: Để người dân không phá rừng thì rất cần chuyển đổi ngành nghề, cụ thể là Nhà nước cần đầu tư hỗ trợ cho bà con mở rộng khai hoang diện tích chè và cây nguyên liệu. Riêng cây chè có thể là cây làm giàu, vì thực tế có nhiều hộ dân nhờ cây chè mà đã vươn lên làm giàu. Cần hỗ trợ về kỹ thuật và chăm sóc chè thâm canh, cần ổn định đầu ra cho cây chè. Đặc biệt, Thanh Thủy có gần 6.000 ha đất có thể trồng cây nguyên liệu, tuy nhiên, chỉ mới khai thác được hơn 20% diện tích. Bà con đang rất cần vốn để trồng và chăm sóc rừng trồng. Trồng rừng ở Thanh Thủy có nhiều lợi thế, bởi giao thông thuận lợi, không lo tắc đầu ra. Thanh Thủy còn có tiềm năng phát triển chăn nuôi và phát triển kinh tế trang trại tổng hợp. Tuy nhiên, những năm qua do chưa có chính sách hiệu quả và người dân thì thiếu vốn nên chưa phát triển được. Nếu kết hợp giữa các ngành từ tỉnh, huyện, xã vận động tuyên truyền người dân không phá rừng, được đầu tư vốn để chuyển đổi ngành nghề mang lại thu nhập ổn định thì sẽ giảm thiểu tình trạng trên.
Người dân xã Ngọc Lâm - Thanh Chương tham gia chở gỗ lậu để mưu sinh.
Vi Văn M ở xã Ngọc Lâm buồn nẫu: Đất trồng lúa hạn chế, sắn bán ra chẳng ai mua thì phải vào rừng kiếm miếng ăn thôi. Vào nhà nào, bản nào bà con cũng than vãn: Thiếu ăn, phá rừng là phạm pháp nhưng không làm thế thì lấy gì để ăn. Trời xẩm tối, nhiều bà con đã vác cưa xăng vào rừng đại ngàn. Nếu gia đình nào cũng thế thì quả là những cánh rừng nơi đây trong nay mai sẽ trọc trụi.
Thời điểm này bà con các xã Tiền Phong, Thông Thụ, Đồng Văn đang di chuyển đến nơi tái định cư mới để nhường đất cho Thủy điện Hủa Na. Ngay từ khi bước chân đến nơi ở mới đã nảy sinh những hạn chế như, thiếu đất canh tác, thiếu nước sinh hoạt, thiếu vốn làm ăn… thì vấn đề giữ rừng tận gốc xem ra còn lắm khó khăn. Vì vậy, hơn bao giờ hết các cấp chính quyền liên quan cần khẩn trương có giải pháp như hỗ trợ để bà con ở Quế Phong, Thanh Chương và người dân sống ở các cửa rừng, vùng đệm chuyển đổi ngành nghề bền vững có thể giúp họ sống được từ rừng mà vẫn bảo vệ được rừng.
Nhóm Phóng Viên