Xâm hại trẻ em - mối lo chung của toàn xã hội

01/06/2012 15:10

Những năm đầu thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI, nhân loại không khỏi lo lắng trước tình trạng xâm hại trẻ em đang ngày càng gia tăng. Trẻ em ở rất nhiều nơi trên thế giới đang phải đối mặt với vô vàn những nguy cơ như: bị xâm hại, ngược đãi, bạo lực thân thể và tinh thần; tai nạn giao thông, tai nạn về điện, cháy, nổ, đuối nước; tình trạng mua, bán trẻ em...

(Baonghean) - Những năm đầu thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI, nhân loại không khỏi lo lắng trước tình trạng xâm hại trẻ em đang ngày càng gia tăng. Trẻ em ở rất nhiều nơi trên thế giới đang phải đối mặt với vô vàn những nguy cơ như: bị xâm hại, ngược đãi, bạo lực thân thể và tinh thần; tai nạn giao thông, tai nạn về điện, cháy, nổ, đuối nước; tình trạng mua, bán trẻ em...

Thậm chí, thế giới đã không ít phen sửng sốt trước việc người ta đánh đổi tính mạng của trẻ em để giải quyết những mâu thuẫn người lớn, trẻ em trở thành đối tượng hứng chịu những cơn thịnh nộ của người lớn, thành đối tượng gánh chịu hậu quả của những mục đích đê tiện và những sai lầm bệnh hoạn của người lớn.

Ở Việt Nam, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em cũng đang là vấn đề nóng, gây bức xúc lớn trong dư luận. Hàng ngày, hàng giờ các cơ quan báo chí đăng tải vô vàn các vụ việc trẻ em bị xâm hại, ngược đãi, tai nạn. Mỗi năm, hơn 7.300 em tử vong do tai nạn (trung bình 20 em tử vong/ngày). Cả nước mỗi ngày có khoảng 20 em tử vong do đuối nước, tỷ lệ cao nhất trong khu vực và gấp 10 lần các nước phát triển. Trong các năm 2008 - 2009, 2010, mỗi năm có khoảng 1000 trẻ em bị xâm hại tình dục… Mấy ngày gần đây, báo mạng liên tục đưa tin các vụ việc trẻ sơ sinh bị tử vong do sự tắc trách của y bác sĩ tại một số bệnh viện. Và người ta cũng đã cực kỳ ghê tởm khi biết có tình trạng người lớn “trả thù” nhau bằng việc làm hại con trẻ?!

Trên thế giới, phần lớn các quốc gia đều có luật lệ về việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Ngay từ năm 1979, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã ban hành Pháp lệnh về chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em. Nội dung của Pháp lệnh đã xác định một số vấn đề có tính nguyên tắc: Việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em xuất phát từ tinh thần trách nhiệm đối với dân tộc, tình thương yêu các em và dựa vào lẽ phải… Mọi trẻ em đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, không phân biệt gái, trai, dân tộc, tôn giáo, thành phần xã hội của các em và địa vị xã hội của cha mẹ hoặc của người nuôi dưỡng. Gia đình, Nhà nước và xã hội đều có nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo chức năng của mình.

Ngày 30/5/1994, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 38-CT/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Từ năm 1994 đến nay, tháng 6 được chọn là Tháng hành động Vì trẻ em và đã trở thành hoạt động truyền thống được tổ chức rộng khắp cả nước để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Năm nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát động Tháng hành động Vì trẻ em từ ngày 01 tháng 6 đến ngày 30 tháng 6, triển khai từ Trung ương đến cơ sở với chủ đề: “Vì một thế giới không bạo lực, không xâm hại trẻ em”. Chủ đề năm nay đã bám rất sát những vấn đề nóng, vấn đề có tính thời sự, thể hiện được mối quan tâm lớn, của cộng đồng đối với trẻ em hiện nay là tình trạng trẻ em bị bạo lực và xâm hại đang gia tăng về số lượng và phức tạp về tính chất. Hy vọng các hoạt động trong Tháng hành động Vì trẻ em năm nay sẽ mang thông điệp chủ đề đến được với mọi người, tác động đến tâm tư, tình cảm, nhận thức của toàn xã hội!


Ngô Kiên