Nỗ lực giải quyết việc làm

05/06/2012 16:30

(Baonghean) - 3 tháng đầu năm 2012, Nghệ An có trên 4.000 doanh nghiệp đóng mã số thuế, gần 1.000 doanh nghiệp xin tạm ngừng kinh doanh. Tính đến đầu tháng 5, số thu nội địa toàn tỉnh chỉ bằng 50% so với cùng kỳ năm 2011... Thực trạng này khiến nhiều lao động trong tỉnh rơi vào cảnh thất nghiệp.

(Baonghean) - 3 tháng đầu năm 2012, Nghệ An có trên 4.000 doanh nghiệp đóng mã số thuế, gần 1.000 doanh nghiệp xin tạm ngừng kinh doanh. Tính đến đầu tháng 5, số thu nội địa toàn tỉnh chỉ bằng 50% so với cùng kỳ năm 2011... Thực trạng này khiến nhiều lao động trong tỉnh rơi vào cảnh thất nghiệp.

Trước tình hình trên, thời gian qua, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp để xúc tiến, giới thiệu và giải quyết việc làm cho người lao động. Một trong hai giải pháp lớn mà tỉnh và ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã và đang triển khai là: Tiếp tục phát huy, đẩy mạnh việc thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ.

Đề án này đã được tỉnh thực hiện xuyên suốt trong 2 năm qua; đã đầu tư tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở dạy nghề công lập với tổng mức hơn 139 tỷ đồng, cùng với nhiều chính sách hỗ trợ kèm theo về kinh phí đào tạo, vay vốn giải quyết việc làm... Đề án đã thực sự phát huy hiệu quả với việc mỗi năm có trên 60.000 lượt người trong tỉnh được đào tạo nghề và tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề đạt khoảng 75%.



Đào tạo nghề điện dân dụng ở Trường trung cấp Nghề Yên Thành.
Ảnh: Đức Chuyên

Qua thực hiện các chương trình đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đã có nhiều mô hình phát huy hiệu quả, như: nuôi lợn thịt và gà thịt tại xã Lượng Minh, huyện Tương Dương; nuôi lợn siêu nạc tại xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương; chăn nuôi vịt bầu Quỳ Châu tại huyện Quế Phong; chăn nuôi trâu bò hàng hóa tại xã Thanh Dương, huyện Thanh Chương; mây tre đan xuất khẩu tại xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc; trồng rau cao sản ở xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu... Ông Nguyễn Xuân Phượng - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo nghề, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Với tình hình kinh tế hiện nay, Nghệ An đã có sự chuyển hướng trong đào tạo nghề, đó là chuyển từ đào tạo theo năng lực sΩn có sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động và yêu cầu của thị trường. Vấn đề việc làm sẽ được giải quyết khi tính chủ động chọn nghề, chọn việc của người lao động được tăng lên - tìm thấy việc làm phù hợp ngay trên chính địa phương mình; doanh nghiệp - người lao động đã gặp nhau qua sự xúc tiến tích cực của các cấp, ngành chức năng.

Những năm trước đây, việc lao động Nghệ An đi làm việc tại các tỉnh khác thực sự đã góp phần giảm sức ép về tình trạng lao động thiếu việc làm. Song, vào thời điểm hiện tại, hiệu quả của cách làm này không cao, bởi các tỉnh khác cũng có hoàn cảnh chung như Nghệ An. Biện pháp lớn thứ hai mà tỉnh, ngành Lao động đang đẩy mạnh là đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài.

Hiện nay, số lao động người Nghệ An đang làm việc tại thị trường các nước khoảng 42.000 người. Và mỗi năm, lại có khoảng 10.000 người đi xuất khẩu lao động. Nguồn ngoại tệ hàng năm số lao động này gửi về hơn 120 triệu USD, hơn 30% tổng giá trị sản xuất của cả tỉnh một năm... Hiệu quả của chủ trương xuất khẩu lao động đã thể hiện rõ qua việc giảm nghèo nhanh và bền vững ở nhiều địa phương trong tỉnh. Hiện ngành Lao động tỉnh đang tập trung làm tốt công tác đào tạo ngôn ngữ và tay nghề, thu nhận kết nối thông tin với các thị trường lao động ngoài nước để đưa lao động đi, nhất là ở các thị trường cho thu nhập cao.

Mới đây, nhằm đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động theo Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ tuyển lao động các huyện nghèo đi xuất khẩu lao động, tỉnh đã chỉ đạo 3 huyện thực hiện Nghị quyết 30a là Tương Dương, Kỳ Sơn và Quế Phong, tích cực tuyên truyền các chính sách xuất khẩu lao động cho lao động hộ nghèo... Tổng số lao động 3 huyện nghèo đăng ký dự tuyển là 235 người, số đạt kết quả sơ khám sức khỏe là 203 người (có độ tuổi từ 18-39). Ngày 22/5 vừa qua, UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức khai giảng khóa đào tạo tiếng Hàn Quốc. Anh Lữ Tuấn Sang, 35 tuổi, ở xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương - một học viên khóa tiếng Hàn cho hay: "Rất cảm ơn nhà nước có chủ trương này, cũng như tỉnh đã có chính sách hỗ trợ kịp thời cho học viên. Học tiếng thấy rất khó, nhưng mình và các học viên khác sẽ cố gắng học tốt, thi tốt các đợt kiểm tra từ tháng 8 đến tháng 11 này".

Trong các năm trước, Nghệ An đã đưa được gần 200 người thuộc 3 huyện nghèo Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Với sự chăm lo tốt trong công tác đào tạo, dự kiến sẽ có 100 lao động sẽ có kết quả thi tốt trong đợt này... Ông Đặng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Với những cố gắng và nhiều biện pháp đã triển khai, trong 5 tháng đầu năm 2012, ngành đã giải quyết việc làm cho 9.500 lao động, đạt 90% so với cùng kỳ, trong đó lao động đi làm việc ngoài nước 2.800 người.

Ngày 13/5 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 13 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Thực hiện nghị quyết này, tỉnh có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp, tập trung vào việc thu hút, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước về tỉnh đầu tư; Hỗ trợ các doanh nghiệp, mở mang ngành nghề, thu hút lao động vào làm việc; Tăng quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách tỉnh để nhiều lao động tiếp cận được nguồn này để tự tạo việc làm tại chỗ; Thực hiện việc dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tạo cơ hội nhiều hơn cho lao động thanh niên tìm được việc làm phù hợp... Với các giải pháp tích cực này, tin rằng những khó khăn về việc làm cho lao động trong tỉnh sẽ dần được giải quyết.


Thành Chung