Ngày hội của những người làm công tác dân số

13/08/2012 17:51

Sau hơn 3 tháng diễn ra sôi nổi ở cấp cơ sở, ngày 9/8 vừa qua, Liên hoan tuyên truyền viên dân số toàn tỉnh đã diễn ra sôi nổi ở Thành phố Vinh. Liên hoan kết thúc, song ý nghĩa, dư âm của nó có sức lan tỏa rộng lớn, tác động tích cực đến công tác Dân số/ KHHGĐ tỉnh trong thời gian tới.

(Baonghean) Sau hơn 3 tháng diễn ra sôi nổi ở cấp cơ sở, ngày 9/8 vừa qua, Liên hoan tuyên truyền viên dân số toàn tỉnh đã diễn ra sôi nổi ở Thành phố Vinh. Liên hoan kết thúc, song ý nghĩa, dư âm của nó có sức lan tỏa rộng lớn, tác động tích cực đến công tác Dân số/ KHHGĐ tỉnh trong thời gian tới.

Nhằm phổ biến kinh nghiệm trong hoạt động, kỹ năng truyền thông tại cơ sở về công tác dân số, các cộng tác viên huyện Quỳnh Lưu đã mang đến liên hoan tiểu phẩm “Từ chính quyền… đến nhân dân vào cuộc”. Chị Dương Thị Thanh, cán bộ chuyên trách dân số xã Quỳnh Thắng cho biết: “Vận động người dân làm tốt công tác Dân số/KHHGĐ ở địa phương miền biển rất khó. Quan niệm đông con hơn đông của, tâm lý sinh con “dự phòng”, để lỡ biển sâu sóng lớn... đã ăn sâu vào tiềm thức. Do đó, muốn thay đổi nhận thức của người dân, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Thực tế, ở địa phương chúng tôi, đảng viên luôn gương mẫu đi đầu, chấp hành nghiêm chính sách dân số; các chỉ tiêu về Dân số-KHHGĐ được đưa vào Nghị quyết hội đồng, Nghị quyết Đảng ủy, với chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH của xã, của xóm...”.



Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Việt Nam Dương Quốc Trọng tặng hoa và cờ lưu niệm cho các đội tham gia.

Điểm nổi bật trong phần thi tiểu phẩm là chủ đề “mất cân bằng giới tính khi sinh”. Có 10/20 tiểu phẩm của các đội tham gia đã đề cập đến vấn đề giới tính, lựa chọn giới tính khi sinh. Các đội đã khai thác đa dạng những nguyên nhân dẫn đến việc lựa chọn giới tính: Xuất phát từ tâm lý “có nếp, có tẻ” của các cặp vợ chồng trẻ, áp lực gia đình bên chồng, từ sự chê bai của bạn bè, người thân... dẫn đến quyết định phải có con trai. Các tiểu phẩm “Bên nhà chồng” (TP. Vinh), “Anh sai rồi” (Diễn Châu), “Chỉ vì tôi muốn” (Tương Dương), “Chuyện nhà anh Toàn” (Hưng Nguyên) được đánh giá cao, gắn với thực tế trong cuộc sống, giải quyết vấn đề hợp lý, được khán giả và ban giám khảo đánh giá cao.

Bên cạnh đó, vấn đề “nóng” đang được dư luận quan tâm đó là tình trạng “lách luật, xé rào” sinh con thứ ba đang trở nên phổ biến trong cán bộ, đảng viên được các đội phản ánh chân thực qua các tiểu phẩm: “Trượt vỏ dưa” (Yên Thành), “Em đã hiểu rồi” (Nam Đàn), “Hối vẫn còn kịp” (Anh Sơn)... trở thành tiếng chuông cảnh báo thực trạng trên. Qua đó, tuyên truyền các biện pháp xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số theo pháp lệnh; tuyên truyền nghị quyết về các chính sách dân số mới, tăng mức phạt đối với đối tượng vi phạm chính sách dân số, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cấp ủy có đối tượng vi phạm chính sách dân số...

Ông Hồ Sỹ Lực - Quyền Giám đốc Trung tâm Dân số huyện Anh Sơn cho biết: “Thực tế, khi đời sống được nâng cao, người dân có của ăn, của để nên một số gia đình có tư tưởng muốn sinh thêm con. Trên địa bàn huyện hiện nay, tình trạng cán bộ, đảng viên, công chức vi phạm chính sách dân số đang có chiều hướng gia tăng... Đó là những vấn đề “nóng” mà đội chúng tôi chọn lựa đưa vào Liên hoan nhằm tuyên truyền rộng rãi đến mọi đối tượng... Qua những tình huống và cách giải quyết cho thấy, năng lực và lý thuyết trong tuyên truyền về vấn đề, tác hại của việc lựa chọn giới tính về sinh con trai của đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở rất vững vàng và có tính thuyết phục cao.”

Ở phần thi chào hỏi và kiến thức, bên cạnh thể hiện sự hiểu biết về chính sách Dân số/KHHGĐ, nêu các kết quả đạt được trong triển khai thực hiện công tác dân số ở địa phương mình, các đội đã đem đến liên hoan những cách làm hay, sáng tạo trong tuyên truyền; kinh nghiệm thực tiễn xử lý các tình huống thường gặp trong việc vận động người dân thực hiện chính sách DS/KHHGĐ; các mô hình lồng ghép truyền thông dân số, chăm sóc sức khỏe cho người dân đạt kết quả tốt... Anh Lầu Bá Giải, cán bộ chuyên trách dân số xã Nậm Càn (Kỳ Sơn) cho biết: “Tôi mới làm cán bộ chuyên trách dân số xã được 3 năm nên còn thiếu kinh nghiệm thực tế. Qua liên hoan, được giao lưu, học hỏi các đội bạn cách làm hay, kinh nghiệm quý, giúp chúng tôi trang bị thêm kiến thức, rèn luyện kỹ năng tuyên truyền, từ đó về áp dụng ở địa phương mình...”.

Ông Nguyễn Trung Thành - Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh, Trưởng ban giám khảo liên hoan Tuyên truyền viên dân số cho biết: “Liên hoan thật sự trở thành ngày hội lớn, là nơi gặp gỡ, trao đổi, học hỏi của những tuyên truyền viên dân số. Các đội đã mang đến hội thi những kinh nghiệm tốt trong công tác tuyên truyền, vận động về chăm sóc sức khỏe/kế hoạch hóa gia đình... Sau hội thi, những kinh nghiệm đó sẽ được phổ biến rộng rãi tại các địa phương, nhất là những miền, vùng chưa làm tốt công tác Dân số/KHHGĐ”.


Thanh Phúc