Thành viên thứ 5 của Eurozone phải yêu cầu cứu trợ

26/06/2012 18:49

Ngày 25/6, Cộng hòa Síp đã trở thành thành viên thứ 5 trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đề nghị một gói cứu trợ từ phía các đối tác trong liên minh tiền tệ này nhằm giúp vực dậy hệ thống ngân hàng đang rơi vào tình trạng khốn đốn.

Trước đó, Chính phủ Cộng hòa Síp đã thông báo với các cơ quan chức năng của châu Âu về quyết định đệ đơn xin hỗ trợ tài chính từ các nước đối tác trong Eurozone.

Chính quyền Cộng hòa Síp cho biết họ phải yêu cầu cứu trợ do "các ảnh hưởng tiêu cực trong lĩnh vực tài chính của mình cũng như bị tác động lớn từ nền kinh tế Hy Lạp" vì các ngân hàng của đảo Síp là những đối tượng nắm giữ lượng lớn trái phiếu chính phủ Hy Lạp.



Cộng hòa Síp. Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Hiện chưa rõ gói cứu trợ mà Síp đề nghị là để giúp các ngân hàng ốm yếu hay là gói cứu trợ chung cho chính phủ.

Tuy nhiên, nguồn tin từ Nicosia cho biết gói cứu trợ tài chính của châu Âu là nhằm tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng đang rơi vào tình trạng thiếu vốn sau khi xóa nợ trái phiếu cho Chính phủ Hy Lạp.

Tuy con số cụ thể chưa được thông báo, song báo chí trong nước tiết lộ khoản cứu trợmà Cộng hòa Síp đề xuất là khoảng 5 tỷ euro (6,4 tỷ USD).

Theo nguồn tin ngoại giao từ Liên minh châu Âu (EU), trước khi đề xuất cứu trợtừ Eurozone, Síp đã lần đầu tiên đề nghị các khoản vay song phương khẩn cấp từNga và Trung Quốc nhằm thanh toán một số món nợ sẽ đáo hạn trong năm 2013.

Trong số 5 tỷ euro đề xuất vay Mátxcơva, Síp nhận được đảm bảo cho vay 2,5 tỷ euro với lãi suất thấp. Trước đó, Síp cũng đã huy động ít nhất 1,8 tỷ euro (2,25 tỷ USD) nhằm tái cấp vốn cho Cyprus Popular Bank, ngân hàng lớn thứ 2 của quốc đảo này.

Tuy nhiên, Chính phủ Síp thừa nhận việc xóa nợ trái phiếu cho Hy Lạp đã tác động mạnh tới các ngân hàng vốn đang gặp khó khăn về tài chính, buộc nước này phải cầu viện đến sự giúp đỡ từ bên ngoài.

Tổng thống Cộng hòa Síp Demetris Christofias đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp nhằm tham vấn lãnh đạo các đảng phái trong ngày 26/6 trước khi đề nghị cứu trợchính thức được thông qua.

Ngoài những tác động về kinh tế, ông Demetris Christofias đặc biệt lo ngại về khả năng sau khi nhận gói cứu trợ từ các đối tác trong Eurozone, Síp có thể sẽ đối mặt với những khó khăn nhiều hơn do những chính sách "thắt lưng buộc bụng" mà châu Âu áp đặt.

Mặc dù Síp là nền kinh tế nhỏ thứ 3 trong EU và dự thảo tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng "ốm yếu" chỉ chiếm 10% GDP của nước này, song theo đánh giá của Cơquan xếp hạng tín nhiệm tín dụng quốc tế Fitch, số tiền tái cấp vốn cho các ngân hàng của nước này có thể lên tới 4 tỷ euro, tương đương 23% GDP.

Trong báo cáođề cập đến gói cứu trợ của Síp, Fitch tiếp tục đánh tụt mức xếp hạng về khả năng tài chính của quốc đảo này từ BBB- xuống BB+ với triển vọng kinh tế ảm đạm.

Trước Cộng hòa Síp, 4 thành viên Eurozone (hiện có 17 thành viên) đã phải xin cứu trợ là Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Trong bối cảnh ngày càng nhiều nước nộp đơn xin cứu trợ, Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai trong EU ngày 25/6 cũng thông báo cần 10 tỷ euro (12,5 tỷ USD) nhằm giảm mức thâm hụt ngân sách nhà nước xuống 4,5% GDP.

Năm ngoái, Pháp đã công bố tỷ lệ thâm hụt ngân sách, trong đó bao gồm cả chi tiêu nhà nước và các ngành dịch vụxã hội là 5,2% GDP và tháng 3 vừa qua, Chính phủ cũ của Tổng thống Nicolas Sarkozy đã cắt giảm chỉ tiêu thâm hụt ngân sách xuống còn 4,4%.

Tuy nhiên, theo qui định của Hiệp ước tăng trưởng và ổn định của EU, các nước thành viên Eurozone phải duy trì mức thâm hụt dưới 3% GDP./.


Theo TTXVN - ĐT