Quốc hội thảo luận sửa đổi Luật Luật sư
Thảo luận tại hội trường chiều 19/6, đa số các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết và phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư.
Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII
Qua tổng kết thực tiễn 5 năm thi hành, có thể khẳng định Luật Luật sư đã thực sự đi vào cuộc sống và mang lại nhiều kết quả. Đội ngũ luật sư đã phát triển nhanh về số lượng với hơn 7.072 luật sư (tăng 250,8% so với trước khi Luật có hiệu lực) và gần 3.500 người tập sự hành nghề luật sư.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tổ chức và hoạt động luật sư ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế.
Chất lượng của đội ngũ luật sư tuy đã được nâng lên một bước nhưng vẫn còn nhiều hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp; số luật sư có trình độ đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế chỉ chiếm khoảng 1,2%; một bộ phận luật sư vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, thậm chí bị kết án.
Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến các hạn chế, bất cập nêu trên là do một số quy định của Luật Luật sư đã không còn phù hợp với thực tiễn.
Cụ thể, tiêu chuẩn, điều kiện trở thành luật sư chưa chặt chẽ, rõ ràng và có phần còn dễ dãi như quy định về việc miễn đào tạo nghề, miễn, giảm thời gian tập sự, chế độ đào tạo, tập sự hành nghề.
Luật hiện hành cũng chưa có quy định về chế độ bồi dưỡng bắt buộc đối với luật sư; còn thiếu chính sách phù hợp khuyến khích việc đào tạo luật sư hội nhập quốc tế, phát triển luật sư tại các vùng miền...
Thủ tục để luật sư tham gia tố tụng còn rườm rà, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư hành nghề.
Tại buổi thảo luận, đa số các ý kiến cho rằng, dự thảo luật được chuẩn bị công phu, các nội dung sửa đổi, bổ sung về cơ bản đã bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển về số lượng và chất lượng của đội ngũ luật sư Việt Nam.
Nhiều đại biểu tán thành với dự thảo khi giữ nguyên quy định: Người đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên (kể cả thẩm phán, kiểm sát viên sơ cấp) không cần bắt buộc phải qua một thời gian đào tạo nghề luật sư và tập sự hành nghề luật sư nhất định mới được xét cấp chứng chỉ hành nghề luật sư.
Với các chức danh khác (không phải là chức danh tố tụng), cần cân nhắc quy định bắt buộc nói trên.
Đại biểu Vũ Xuân Trường (đoàn Nam Định), Lê Như Hiền (đoàn Khánh Hoà) đề nghị thêm, cần bổ sung đối tượng trợ giúp viên pháp lý vào danh sách đối tượng được miễn đào tạo nghề, bởi thực tế hiện nay họ cũng đang thực hiện công việc như một luật sư thực thụ.
Đại biểu Vũ Xuân Trường (đoàn Nam Định) đề nghị bổ sung đối tượng trợ giúp viên pháp lý vào danh sách đối tượng được miễn đào tạo nghề luật sư
Nhiều đại biểu đề nghị không nên quy định viên chức được phép hành nghề luật sư. Theo đại biểu Trần Xuân Hùng (đoàn Hà Nam), từ năm những năm 90 của thế kỷ trước, chúng ta đã thực hiện cho viên chức làm luật sư nhưng đến năm 2003 lại bỏ quy định này vì lý do luật sư phải tận tâm với nghề. Vì vậy, đại biểu cho rằng dự thảo đưa vào là không thoả đáng.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) cho rằng, mặc dù Điều 14 của Luật Viên chức cho phép viên chức được làm việc ngoài giờ làm việc, song hoạt động luật sư đòi hỏi phải dành nhiều thời gian tham gia tố tụng, hơn nữa quá trình tố tụng lại diễn ra trong gờ hành chính. Nếu cho viên chức tham gia hành nghề luật sư, đương nhiên viên chức sẽ bớt xén giờ làm việc, hoặc nếu có làm thì cũng ảnh hưởng tới chất lượng của viên chức và khó cho nhà quản lý, khó đáp ứng được yêu cầu chuyên nghiệp hoá trong hoạt động tố tụng.
Đối với tập sự của luật sư, theo nhiều đại biểu, hoạt động nghề nghiệp luật sư là hoạt động thực tiễn nên người làm nghề này cần phải giữ thời gian tập sự 18 tháng để có thời gian cọ sát thay vì 12 tháng như dự thảo.
Ngoài ra, các đại biểu còn dành nhiều thời gian thảo luận về các quy định về Đoàn luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam; tập sự hành nghề luật sư; quyền, nghĩa vụ của luật sư; hoạt động tham gia tố tụng của luật sư...
Theo (Chinhphu.vn) - L.T