Quốc hội thảo luận tổ về dự thảo sửa đổi Luật Quản lý thuế
Nói về chuyện quản lý thuế hiện nay, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thẳng thắng nhận xét: Việt Nam thường “thả gà ra đuổi”. Nợ đọng, thất thoát thuế nhiều cũng vì cho chậm nộp, tạm nhập tái xuất mà không kiểm soát được.
Phạt 0,07%/ngày không hề thấp
Tại phiên thảo luận tổ Quốc hội về dự thảo sửa đổi luật Quản lý thuế sáng nay 1/6, ĐB Huỳnh Thành Lập, TP.HCM than phiền rằng riêng năm 2011, thành phố còn tồn đọng tới 1.426 tỷ đồng nợ thuế quá hạn. Vì việc xử phạt chậm nộp thuế chưa khả thi, như ĐB Võ Thị Dung nhận định.
Không chỉ vậy, hai vị ĐB này còn rất băn khoăn khi thấy dự thảo luật quy định tới hai mức phạt thuế khác nhau cho cùng một hành vi vi phạm.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Ví dụ, tại điều 92 dự thảo quy định việc nộp dần tiền nợ thuế được xem xét trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế và có bảo lãnh của tổ chức tín dụng. Người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp theo mức 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Nhưng đến điều 106, lại nêu người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế thì phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp theo mức 0,07%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.
ĐB Dung thắc mắc: “Vì sao cùng là chậm nộp mà cơ quan soạn thảo đưa ra hai mức phạt khác nhau? Nếu cùng một hành vi thì chỉ nên phạt chung một mức, hoặc 0,05% hoặc 0,07%”.
Tuy nhiên, dù là mức nào thì với ĐB Võ Kim Cự, “việc xử phạt của ta có xu hướng nhẹ hóa nên DN cứ vi phạm, chịu phạt cũng không sao. Nợ đọng vì thế kéo dài, chiếm dụng kéo từ năm này sang năm khác. Rốt cuộc, DN làm đúng là chịu thiệt, còn DN phạm luật lại hưởng lợi”.
Nhìn nhận về mức phạt thuế, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, ĐB tỉnh Nam Định lại có quan điểm khác. Ông nói: “Thực ra mức phạt chậm nộp thuế 0,7%/ ngày có thấp đâu, tương đương 25%/năm. Mức phạt như thế không nhỏ. Nhiều DN không có sức mà nộp đủ một lần”.
Bên cạnh đó, ĐB Huỳnh Thành Lập chỉ ra điểm mâu thuẫn khác là luật chỉ cho xóa nợ đói với các doanh nghiệp Nhà nước mà không cho xóa nợ đối với các thành phần doanh nghiệp khác.
“Như thế là không công bằng. Tôi không rõ ý tứ ban soạn thảo ở đây là như thế nào”, ĐB Lập nói.
Cơ chế thoáng, DN không trốn thuế mới lạ
Góp ý chung cho dự thảo sửa đổi luật Quản lý thuế, ĐB Võ Kim Cự nhấn mạnh yêu cầu công khai, minh bạch về thuế. “Nếu không, đó sẽ là mảnh đất cho thất thoát”.
“Vi phạm về thuế đã trở thành phổ biến. Thanh tra 5 năm mới làm một lần, có khi DN kinh doanh chộp giật rồi đóng cửa, khoản chiếm dụng thuế mất rồi mà nhà nước không biết. DN cứ chiếm dụng thuế, đỡ phải lo vay ngân hàng”, ĐB Chiểu (UB Tài chính - Ngân sách) bình luận thêm.
Ông Chiểu đúc rút: “Với cơ chế của Việt Nam, DN không trốn thuế mới lạ”.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chia sẻ: “Ở các nước, người ta sợ thuế hơn sợ cảnh sát. Bị phát hiện sai phạm thuế, có khi DN phá sản. Việt Nam thì khác”.
“Có điều, ở Việt Nam thường “thả gà ra đuổi”, với việc cho chậm nộp, tạm nhập tái xuất nên nợ đọng thuế chủ yếu do hoạt động này và thất thoát cũng từ đấy”, ông Ninh nhận xét.
Ngoài ra, theo phân tích của vị nguyên Bộ trưởng Tài chính này, quản lý về miễn giảm thuế của ta không chặt. Nhiều trường hợp không xử lý được, vì phát hiện ra thì DN đã phá sản, truy không ra. Khoản nợ thuế treo đấy, cộng dồn.
Hay như ở chuyện nhập khẩu xe công, vì là khoản do ngân sách chi nên thay vì nhà nước chi tiền, chúng ta miễn thuế. Nhưng không ít trường hợp đi Lexus giá rẻ mà tài sản ấy bị biến tướng.
“Tôi mong chính sách thuế đừng lồng quá nhiều các chính sách khác vào đây, như chính sách an sinh xã hội chẳng hạn. Điều này vừa gây khó quản lý, vừa dễ lợi dụng chính sách. Theo tôi, cái gì nhà nước phải chi thì cứ chi. Chính sách thuế càng đơn giản, minh bạch, quản lý càng tốt, quy định càng phức tạp thì càng thất thu”, Phó Thủ tướng Ninh bày tỏ.
Theo Vietnamnet - H