Học sinh chán học sử ?
Qua các kỳ thi của các cấp phổ thông vừa qua cho thấy, ngành Giáo dục và Đào tạo đang đối mặt với một thực tế: Học sinh bây giờ phần đông “chán” môn học Lịch sử, không hứng thú học Sử và sợ thi Sử. Vậy, vì sao học sinh hiện nay chán học Lịch sử?
(Baonghean) Qua các kỳ thi của các cấp phổ thông vừa qua cho thấy, ngành Giáo dục và Đào tạo đang đối mặt với một thực tế: Học sinh bây giờ phần đông “chán” môn học Lịch sử, không hứng thú học Sử và sợ thi Sử. Vậy, vì sao học sinh hiện nay chán học Lịch sử?
Về phía các giáo viên đang giảng dạy trực tiếp môn Sử đã khẳng định rằng, học sinh chỉ chán học môn Lịch sử chứ không chán lịch sử, vẫn thích lịch sử. Thực tiễn lịch sử sống động cũng cho thấy lịch sử luôn hấp dẫn với mọi đối tượng trong xã hội.
Hơn nữa, nhiều học sinh vẫn thích đọc những tiểu thuyết lịch sử, vẫn thích phim ảnh lịch sử.
Vậy phải chăng trách nhiệm thuộc về người giáo viên dạy Sử?
Nói đến học đường, trước hết, trực tiếp và chủ yếu phải nói đến người thầy. Họ không phải là duy nhất nhưng là chủ yếu và trực tiếp.
Không thể có một đội ngũ học sinh giỏi nếu ở đó chỉ có những thầy giáo năng lực hạn chế. Không có thầy và thầy giỏi sẽ chẳng có gì hết.Trong lĩnh vực dạy học Lịch sử, người thầy còn là vị “chính uỷ” của mặt trận giáo dục tư tưởng chính trị, giáo dục truyền thống dân tộc và truyền thống cách mạng cho tuổi trẻ học đường. Vì thế, nếu học sinh chán Sử thì trách nhiệm trước hết, trực tiếp và chủ yếu thuộc về đội ngũ những người thầy dạy Sử.
Nói về trách nhiệm của người giáo viên cũng phải nhìn nhận thẳng vào thực tế: Giáo viên dạy Sử ngày nay phải chịu nhiều sức ép: cuộc sống vật chất khó khăn vì thu nhập thấp so với nhiều môn khoa học tự nhiên khác ngay trong một trường, cùng một địa phương; xã hội, các cấp quản lý thiếu quan tâm; SGK còn nhiều bất cập, nội dung và chương trình nặng nề, chậm đổi mới và không theo kịp thực tiễn; quy định đánh giá khô cứng; phương tiện và những đồ dùng bổ trợ cho bộ môn nghèo nàn…
Tất cả những điều đó đã tác động không nhỏ đến chất lượng và hiệu quả dạy học của giáo viên dạy Sử. Nhưng thiết nghĩ, quan trọng nhất vẫn là tâm huyết, năng lực, kỹ năng, là hiệu quả dạy học của người thầy. Dù cho chương trình, SGK tốt, phương tiện dạy học đầy đủ… nhưng phẩm chất và năng lực, kỹ năng dạy học và nghệ thuật sư phạm của thầy không tốt thì không thể biến mỗi giờ dạy học Lịch sử thành một giờ học hấp dẫn, sinh động, đầy cuốn hút, đầy trí tuệ và sáng tạo. Và dạy học Lịch sử mãi mãi sẽ vẫn chỉ ở bên này của dòng sông chất lượng.
Vì thế, có thể nói, học sinh chán học môn Sử - nghịch lý ấy, trách nhiệm ấy trước hết thuộc về người thầy dạy Lịch sử.
Hạnh Đức