Người gương mẫu ở bản Cam
Năm 1965, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn gay go, quyết liệt, người thanh niên dân tộc Thái Vi Văn Kim (SN 1943) ở bản Cam, xã Cam Lâm (Con Cuông) lên đường tòng quân nhập ngũ. Hơn 10 năm trong quân ngũ, Vi Văn Kim từng chiến đấu tại chiến trường Lào, tham gia chiến dịch Mậu Thân (1968), vượt sông Thạch Hãn đánh chiếm Thành cổ Quảng Trị (1972). Tại vùng đất máu lửa này, ông đã được đứng vào hàng ngũ của Đảng (1968) rồi bị thương trong trận đánh chiếm Thành cổ.
(Baonghean) Năm 1965, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn gay go, quyết liệt, người thanh niên dân tộc Thái Vi Văn Kim (SN 1943) ở bản Cam, xã Cam Lâm (Con Cuông) lên đường tòng quân nhập ngũ. Hơn 10 năm trong quân ngũ, Vi Văn Kim từng chiến đấu tại chiến trường Lào, tham gia chiến dịch Mậu Thân (1968), vượt sông Thạch Hãn đánh chiếm Thành cổ Quảng Trị (1972). Tại vùng đất máu lửa này, ông đã được đứng vào hàng ngũ của Đảng (1968) rồi bị thương trong trận đánh chiếm Thành cổ.
Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ông Vi Văn Kim rời quân ngũ trở về quê tiếp tục lao động sản xuất. Hành trang chỉ có mấy bộ quân phục đã cũ và tấm Huân chương Chiến công, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang và Huân chương Chiến sỹ giải phóng. Còn giấy chứng thương lại bị thất lạc trong chiến trận. Cho đến mấy năm trước ông mới được hưởng chế độ của những người tham gia chiến đấu tại vùng có chất độc da cam.
Ông Vi Văn Kim thường xuyên đọc báo cập nhập tin tức để phổ biến cho dân bản .
Trở về quê, ông Vi Văn Kim tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể và xã hội. Ông từng là bí thư Đoàn xã, Xã đội trưởng và bí thư chi bộ. Ở cương vị công tác nào ông cũng nỗ lực hết mình được cấp trên tin tưởng, nhân dân quý mến. Thời kỳ làm bí thư chi bộ, ông Kim là một trong những người đi đầu trong việc vận động bà con bản Cam xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới.
Nhờ đó, giờ đây bản không còn những thủ tục tốn kém, rườm rà trong lễ cưới, lễ tang; không còn nuôi nhốt gia súc dưới sàn nhà và khi ốm đau bà con đã tìm đến các cơ sở y tế. Ông cũng là người đi đầu trong việc vận động bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chỉ đạo mở rộng khai hoang diện tích lúa nước để nâng cao sản lượng lương thực...
Ông Vi Văn Kim chuẩn bị bước vào độ tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn luôn gắn bó với các hoạt động xã hội của thôn, bản. Đọc các loại sách báo và tài liệu hướng dẫn chăm sóc cây trồng, vật nuôi, nếu thấy phù hợp với điều kiện của bản Cam, ông Kim lại tìm cách phổ biến cho bà con làm theo. Mỗi khi gặp vướng mắc trong sản xuất mùa vụ, người dân bản Cam lại tìm đến ông.
Trong bản có xích mích hay xung đột giữa các gia đình, ông Kim có mặt kịp thời để hòa giải. Mỗi khi bản Cam có việc lớn, Ban quản lý bản đều tìm gặp ông để được tư vấn. Ông bộc bạch: “Mình là đảng viên, phải luôn sống gương mẫu, làm việc có lợi cho dân bản”. Ông cũng chia sẻ những băn khoăn, trăn trở của bản thân trước thực trạng đời sống người dân bản Cam còn gặp nhiều khó khăn: Thời gian gần, đây tệ nạn nghiện ma túy và tình trạng ô nhiễm nguồn nước đang có xu hướng gia tăng, hệ thống kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư xây dựng, con đường từ trung tâm xã vào bản vẫn thường bị chia cắt vào mùa mưa, hệ thống nước sạch đã hư hỏng hoàn toàn, người dân bản Cam chưa được sử dụng nguồn điện lưới...
Ông Quang Văn Lịch- Bí thư Chi bộ xã Cam Lâm không tiếc lời: “Trong bản ta, ông Kim là người có uy tín và được mọi người nể trọng, vì ông là người giàu thành tích trong chiến đấu, là đảng viên kỳ cựu với huy hiệu 40 năm tuổi đảng. Hơn hết, ông là người luôn tận tụy, có trách nhiệm với cộng đồng”.
Tường Anh