Xanh xanh rừng bần

16/06/2012 17:18

(Baonghean) Cữ này, đi từ Bến Thủy xuôi Cửa Hội theo đường ven sông Lam, đến quãng cách Thành phố Vinh khoảng 8 km về phía Đông Bắc, ta bắt gặp màu xanh của một loài cây đang mùa phô lộc nõn. Cây chen cành ken lá mà vươn lớn, sum suê dồn nén sức sống bền bỉ nơi cửa sông, thành rừng, thành “bức lũy xanh” tự thuở nào?

(Baonghean) Cữ này, đi từ Bến Thủy xuôi Cửa Hội theo đường ven sông Lam, đến quãng cách Thành phố Vinh khoảng 8 km về phía Đông Bắc, ta bắt gặp màu xanh của một loài cây đang mùa phô lộc nõn. Cây chen cành ken lá mà vươn lớn, sum suê dồn nén sức sống bền bỉ nơi cửa sông, thành rừng, thành “bức lũy xanh” tự thuở nào?


Ấy là rừng bần Hưng Hòa trầm mặc nguyên sinh trải dằng dặc thời gian, nay hóa thành một phần đời sống của người dân yêu thôn mạc vùng cửa sông Lam thăng trầm ngăn sóng bể. Đã có kết quả nghiên cứu khoa học về sự phong phú, đa dạng của hệ động, thực vật, loài thủy sản của rừng bần ngập mặn. Đã có những khảo sát, ý tưởng biến rừng bần thành điểm du lịch sinh thái thơ mộng, quyến rũ trong “tua” du lịch ven sông Lam. Đã có những bước chân người một lần dừng lại dưới tán rừng bần đón bình minh run rẩy sương mai hay chờ trăng lên lồng dáng cây cổ thụ, tâm hồn cộng hưởng với gió bể lời sông mà thốt lên những vần thơ, nhạc mặn mòi tình người xứ Nghệ…




Đánh bắt thủy sản ở rừng Bần Hưng Hòa.

Rừng bần Hưng Hòa quyến rũ bởi lời kể thấp thoáng xa xăm về dụng ý của tiền nhân khi gieo xuống lớp lớp con sóng mặn một loài cây được nhân hóa thành một phần Mẹ đất nước giữ cho sự sinh tồn cuộc sống người dân ven miền sông bể. Đã bao đời, len lỏi dưới tán bần, người dân làng cói Hưng Hòa hay làng chài Cửa Hội ngày vãn việc làng nghề tranh thủ đi bắt con lệch, con cua…, may mắn siêng năng cũng góp phần đắp đổi tháng năm mưu sinh.

Tôm cua cá rừng bần thuộc loài nước lợ, nay không còn nhiều nhưngcó thể kiên nhẫn đi dọc rừng bần đợi chiều buông, ngóng tai nghe tiếng lách cách mái chèo đón gọi con thuyền chài nhỏ, hỏi mua được cân tôm cân cá, tươi ngon là có bữa đặc sản cửa sông thú vị. Cua rừng bầnhấp không cần gia vị, thịt vẫn thơm ngon ngọt như thường; con cá lệch bắt ở đây nài giá 400 ngàn đồng một cân nhà chài không buồn bán, vì cá lệch rừng bần đem om chuối, vị ngon ít thức sánh bằng…

Mùa ra hoa, rừng bần còn là tiềm năng cho nghề nuôi o­ng. Rừng bần vốn nơi trú ngụ của muôn loài chim nên còn được gọi là tràm chim. Nạn săn bắn bất cẩn chim trời và chặt phá rừng bầnmột thời khiến rừng bần được đưa vào diện cần bảo tồn, bảo vệ của tỉnh.


Trầm mặc bốn mùa nơi sóng gió cửa sông, rừng bần Hưng Hòa đã xuyên suốt trong tâm thức người dân quê bao đời và ngày càng nặng tình gắn bó, thủy chung.


Đình Sâm