Không cấm quảng cáo sữa là hại trẻ em

30/05/2012 21:28

Tại phiên họp Quốc hội sáng nay (30/5), trong phần thảo luận về dự thảo Luật Quảng cáo, quyền lợi của trẻ em cũng lại hết sức được chú ý khi phần đa ý kiến đề nghị cấm quảng cáo sữa bột.




Cần cấm quảng cáo sữa thay thế sữa mẹ

Đa số các ý kiến phát biểu về dự thảo luật Quảng cáo đều cho rằng cần phải quy định thêm “Cấm quảng cáo sữa thay thế sữa mẹ” vào các điều cấm của luật. Lý do được các đại biểu đưa ra đều dựa trên quyền lợi của trẻ em, để bảo vệ sức khỏe của trẻ, đồng thời giảm những khoản chi tiêu không cần thiết trong kinh tế gia đình.

Đại biểu Khúc Thị Huyền (Thái Bình) bức xúc: “Chúng ta đã mất rất nhiều thời gian để nâng cao kiến thức cho người mẹ, nhằm giúp người mẹ hiểu được về giá trị của sữa mẹ đối với con nhỏ. Nghị định 21 của Chính Phủ cũng đã cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, do vậy Luật Quảng cáo ít nhất cũng phải thể hiện được điều này. Do đó, tôi đề nghị là nên giữ nguyên khoản 4 điều 8 như dự thảo đã trình”.

Đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) cũng đồng quan điểm đề nghị luật cấm quảng cáo sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi. Bà phân tích: "Vẫn biết quyền quyết định nuôi con bằng sữa mẹ hay sữa công thức là của bà mẹ. Nhưng không thể phủ nhận sức quyến rũ của các quảng cáo sữa. Những quảng cáo này đã làm người mẹ lầm tưởng về giá trị sữa bột, không tin tưởng vào giá trị sữa của mình. Do đó, chắc chắn quảng cáo sẽ có tác dụng không nhỏ đối với quyết định của các bà mẹ khi chọn sữa cho con”.

Bày tỏ sự hiểu biết tượng tận và ý thức cao về sức khỏe của trẻ nhỏ, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đồng tình việc cấm quảng cáo sữa, bình bú, vú ngậm với lý giải là Nghị định 21 đã quy định. Đề nghị phải đưa vào nội dung cấm này vào Luật Quảng cáo.

Sữa mẹ có giá trị không nguồn dinh dưỡng nào có thể thay thế được. Nếu để cho quảng cáo, sẽ tạo sự hiểu lầm, nhiều bà mẹ không tin vào mình, nên thiếu trách nhiệm, thiếu quan tâm đến việc cho con bú. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến văn hóa tốt đẹp của Việt Nam – đó là tình mẫu tử thiêng liêng của người Việt nam. Ngoài vấn đề trên, hiện nay, có nhiều tổ chức nước ngoài đang tới Việt Nam với nỗ lực tuyên truyền để người dân chúng ta hiểu thêm về giá trị sữa mẹ. Hơn nữa, chính Quốc hội cũng đã bàn đến việc tăng thời gian nghỉ thai sản, với một trong những mục đích hàng đầu là để trẻ em mới sinh được kéo dài thời gian bú sữa mẹ Mặt khác, sữa hiện nay chưa kiểm soát được. Trong khi luật Quảng cáo lại vẫn cho phép quảng cáo sữa bột thay thế sữa mẹ thì thật bất hợp lý.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Võ Ngọc Thứ (Kiên Giang) bổ sung ý kiến phản đối lý giải của UBTVQH rằng vấn đề cấm quảng cáo sữa cho trẻ dưới 12 tháng tuổi đã được quy định trong Nghị định 21. Quan điểm của đại biểu Thứ là “Chính nghị định 21 cũng đang được đề nghị cần sửa đổi”. “Tôi không đồng ý với giải trình là đã quy định cấm quảng cáo sữa ở Nghị định 21, đó chỉ là quy định ở Nghị định, Nghị định không thể cao hơn Luật”, ông Thứ nói.

Ngoài vấn đề đề nghị bổ sung cấm quảng cáo sữa trong dự thảo luật quảng cáo, nhiều đại biểu cũng đã đề nghị bổ sung thêm các hành vi bị cấm như cấm quảng cáo có hình ảnh, lời nói phản cảm, cấm quảng cáo rao vặt, tin nhắn rác, cấm quảng cáo rượu, cấm lợi dụng từ thiện, lợi dụng sự bất hạnh của người khác để quảng cáo sản phẩm…

Đại đa số các ý kiến phát biểu trong phiên họp sáng nay cũng đã bày tỏ sự đồng tình giao việc quản lý quảng cáo cho Bộ VH, TT&DL. Các vấn đề như thời lượng quảng cáo trên truyền hình, trên báo giấy, năng lực của các cơ quan truyền thông làm quảng cáo… cũng đã được các đại biểu đưa ý kiến đóng góp.

Chiều nay Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính.


Theo Phapluat-M