Nhớ sao câu hò thời thơ ấu
Thủa ấy, cách đây hơn bốn chục năm rồi, tôi mới lên tuổi 9-10 đã theo các anh chị và nhiều bạn bè cùng trang lứa ngày một buổi đến trường, một buổi đi chăn bò, cắt cỏ, hái củi giúp gia đình. Các anh chị lớn tuổi hơn, cỡ 14-15, có người đã vào các tổ do HTX lập ra như tổ làm thủy lợi, tổ nuôi bèo hoa dâu... Đó là thời kỳ xây dựng HTX mạnh nhất, cũng là thời kỳ giặc Mỹ đánh phá ra miền Bắc ác liệt nhất.
(Baonghean) Thủa ấy, cách đây hơn bốn chục năm rồi, tôi mới lên tuổi 9-10 đã theo các anh chị và nhiều bạn bè cùng trang lứa ngày một buổi đến trường, một buổi đi chăn bò, cắt cỏ, hái củi giúp gia đình. Các anh chị lớn tuổi hơn, cỡ 14-15, có người đã vào các tổ do HTX lập ra như tổ làm thủy lợi, tổ nuôi bèo hoa dâu... Đó là thời kỳ xây dựng HTX mạnh nhất, cũng là thời kỳ giặc Mỹđánh phá ra miền Bắc ác liệt nhất.
Làng tôi di dân lên vùng núi huyện Quỳnh Lưu (nay là xã Quỳnh Tân), thường xuyên có các đơn vị bộđội chọn nơi đây tập luyện để chi viện cho các chiến trường. Trong giờ giải lao giữa thao trường, nhiều chú bộđội quê ở nhiều nơi cả miền Trung, miền Bắc cũng thường tham gia hò hát với "lũ nhóc" chúng tôi, có lẽ là để "trêu ghẹo" các chị lớn tuổi hơn? Với những người lính ra trận ngày ấy, trong hành trang mang theo cũng có cả câu hò.
Thiếu thốn trăm bề và gian khổ vô cùng vì đất nước còn chiến tranh, cơm không đủăn, áo không đủ mặc, thường xuyên phải ăn độn thêm khoai sắn, thậm chí cả rau má, rau lang... Nhờ có các đơn vị bộđội đóng quân trong làng, thỉnh thoảng chúng tôi được xem vài tối chiếu phim, văn công về làng là vui như hội.
Một buổi luyện tập của CLB Dân ca Hồng Sơn - Quỳnh Lưu. Ảnh: Thùy Vinh
Sáng mùa hè ấy, chúng tôi chăn bò bên một ngọn đồi và ởđồi bên kia có một tốp chị em đang hái củi. Vài anh lớn tuổi, bày đặt lời bảo bọn nhóc chúng tôi hò làm quen với tốp nữđồi bên kia: "Hò ơ...Hỡi cô hái củi bên ơđồi/Cô bao nhiêu tuổi, là người nơi ơ mô". Thường sau khi nhóm nam hò xong là nhóm nữ có người hò đáp lại; nếu không nhóm nam sẽ hò tiếp với ý khích lệ, trách móc cho đến khi buộc bên nữ phải lên tiếng.
Lúc đầu, thường hò những câu lẩy trong ca dao hoặc lẩy Kiều, có đặt thêm địa danh sông núi, làng xóm của mình. Thường về cuối cuộc hò còn đưa những câu tinh nghịch, chọc ghẹo lẫn nhau; thậm chí nhiều khi còn đưa cả yếu tố dung tục vào cuộc hò, khiến cả hai phía cùng vui cười thích thú. Không ít lần, chúng tôi còn nghe các chị em cười khúc khích, đấm lưng nhau thùm thụp sau mỗi câu hò tinh nghịch ấy. Tuy nhiên, phần nội dung chính trong mỗi cuộc hò là những câu tình tứ, nói về tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương, đất nước. Chẳng hạn như: "Yêu nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua", hay "Yêu em trong dạ quá chừng/ Trèo truông quên mệt, ngậm gừng quên cay"...
Những cuộc hát hò ấy thực sự tác động mạnh đến tâm hồn tuổi thơ, giúp con người lạc quan, thêm yêu đời, yêu cuộc sống, vượt qua được mọi gian khổ, khó khăn. Thủa ấy cực khổ gian lao, vậy mà lòng người bao giờ cũng phơi phới, hồ hởi, con người sống với nhau thật nghĩa tình. Mặt khác, trong hát hò đối đáp nói riêng, sinh hoạt dân ca xứ Nghệ nói chung, yêu cầu phải ứng tác là rất quan trọng để thử tài trí thông minh, hóm hỉnh của nhau. Chính đây là yếu tố tạo nên sức hút, chất men say cho cả hai bên trong mỗi cuộc hát hò. Bởi vậy, trong cuộc hát hò đối đáp, nếu có được người hay chữ, khéo đặt lời nhiều ẩn ý sâu sắc thì cuộc hát càng lôi cuốn, say mê.
Các câu hò ẩn chứa nỗi niềm trao gửi, giãi bày cùng nhau, có khi còn ướm thử lòng nhau. Xin tạm nêu ra một số "cung bậc"tình cảm qua nội dung câu hò:
Thường mỗi cuộc hát hò đối đáp có nhiều giai đoạn như chào hỏi, giao duyên, thử tài, tiễn biệt... Nhưng cũng có khi vì hai bên đã quen biết nhau, màn chào hỏi có khi đã lồng cả sự giao duyên, ẩn ý thử tài hay tinh nghịch...Chúng tôi xin nêu một dẫn chứng về hò dạng giới thiệu, chào hỏi ở vùng Quỳnh Lưu (xưa có nhiều làng có tên bắt đầu bằng chữ Phú như Phú Mỹ, Phú Nghĩa, Phú Thanh, Phú Minh, Phú Đa, Phú Lương...trong tổng Phú Hậu). Khi bên nữ hát: "Tiện đây xin hỏi đôi lời/ Rằng trai thanh lịch vốn người nơi mô". Bên nam nếu là người Phú Nghĩa sẽ trả lời theo kiểu chơi chữ: "Giằng đầu nhất khẩu chữđiền/ Thảo đầu vương ngã là miền quê anh"; nhưng nếu là chàng trai làng Phú Mỹ chỉ cần thay một chữ: "Giằng đầu nhất khẩu chữđiền/ Thảo đầu vương đại là miền quê anh".
Những câu dạng trách móc, kể lể nỗi niềm. Chẳng hạn như: "Anh đến giàn hoa thì hoa đã nở/ Anh đến bến đò thì đò đã sang sông/Anh đến tìm em thì em đã lấy chồng/ Hỏi rằng anh yêu em như rứa có mặn nồng không em?". Dạng này thường có nhiều câu và câu cũng dài hơn, hoặc lục bát nhưng biến thể.
Hò gửi gắm ước mong, nỗi lòng khao khát. Chẳng hạn: "Ước gì em hóa thành mây/Che cho lưng mẹ suốt ngày bóng râm" hoặc: "Ước gì anh hóa thành sông/ Để cho em tắm anh bồng em lên"...
Rồi tinh nghịch, chọc ghẹo và cả dung tục. Chẳng hạn: "Những người chân sếu ống giang/ Một đêm em chấp cả làng trai tơ"...
Qua cảm nhận của chúng tôi, từ nội dung các cuộc hò thể hiện khá rõ, tâm hồn phóng khoáng của người xứ Nghệ. Đó là thái độ dứt khoát, quyết liệt. Chẳng hạn: "Khi em chưa có chồng thì anh không ngỏ/Em có chồng rồi anh còn đón ngõ đưa thư/ Anh đừng đưa thư mà hư tờ giấy/ Em có chồng rồi em nỏ lấy anh mô".
Liệu hôm nay, chúng ta có tạo được (hay phục hồi được) phong trào sinh hoạt dân ca nói chung, những cuộc hát hò như trước hay không? Rất khó, bởi lẽ sinh hoạt dân ca xứ Nghệ chủ yếu bắt nguồn từ trong lao động, nay điều kiện, hoàn cảnh lao động đã khác xưa nhiều. Thứ hai, là đời sống văn hóa ngày nay bị chi phối bởi các phương tiện thông tin đại chúng phát triển mạnh, văn hóa ngoại lai xâm nhập nhiều, ngay cả phim ảnh, sách báo còn bị "tấn công tận chân tường". Có người còn cực đoan cho là việc phục hồi dân ca chẳng khác gì "cuộc chiến với cối xay gió".
Lý do quan trọng nữa là do tâm thế của người hát dân ca đã khác xưa, từ trong suy nghĩ, cảm quan. Dường như phần lớn chỉ chuyên chú vào công việc kiếm sống là trên hết, họ cho việc đi hát hò đối đáp này là "trò vô bổ"; trong khi đó nhiều người, nhất là lớp trẻ lại còn mất thời gian vào những "trò vui" còn vô bổ hơn, thậm chí là tệ nạn như những cuộc nhậu thâu đêm, sát phạt nhau trong các chiếu đỏđen... Chúng ta có thể phục hồi hát dân ca dưới dạng "sân khấu hóa" nhưng khó có thể phục hồi được không gian diễn xướng như trước. Để phục hồi "làm sống lại" sinh hoạt dân ca thì không thể thiếu không gian diễn xướng.
Dù bước đầu nỗ lực, phục hồi dưới dạng "sân khấu hóa" thông qua các CLB Dân ca cũng hết sức khó khăn, trước hết là về kinh phí. Những địa phương phát triển du lịch có điều kiện phục hồi nhằm phục vụ du lịch, dần dần kéo được cả du khách cùng tham gia là hướng cần được sớm thể nghiệm. Chỉ cần một vài du khách, nhất là khách quốc tế hò được, hát được một vài câu dân ca xứ Nghệ là đã thành công. Đây cũng là cơ hội để dân ca "sống được", phục hồi được trong điều kiện mới...
Mai Hồ Minh