Nỗi đau lòng mẹ

10/08/2012 10:59

Có thể, khi kể lại câu chuyện này, tôi chưa nói hết được những gì người phụ nữ ấy đã trải qua, chưa hết được những uẩn khúc trong lòng bà. Nhưng tôi đã luôn nghĩ đây không chỉ là câu chuyện của riêng bà nữa, nó là câu chuyện của hàng ngàn bà mẹ mang nỗi đau sau cuộc chiến.Và đọng lại mãi trong tôi là hình ảnh người đàn bà lặng ngồi như một pho tượng trong buổi chiều nhạt nắng. Vệt cười vừa thoáng trên môi đã nhường chỗ cho hun hút một ánh nhìn. Bức tượng ấy được tạc bằng nỗi mất mát, sự hy sinh, niềm khát khao... không nói được bằng lời.

(Baonghean) Có thể, khi kể lại câu chuyện này, tôi chưa nói hết được những gì người phụ nữ ấy đã trải qua, chưa hết được những uẩn khúc trong lòng bà. Nhưng tôi đã luôn nghĩ đây không chỉ là câu chuyện của riêng bà nữa, nó là câu chuyện của hàng ngàn bà mẹ mang nỗi đau sau cuộc chiến.Và đọng lại mãi trong tôi là hình ảnh người đàn bà lặng ngồi như một pho tượng trong buổi chiều nhạt nắng. Vệt cười vừa thoáng trên môi đã nhường chỗ cho hun hút một ánh nhìn. Bức tượng ấy được tạc bằng nỗi mất mát, sự hy sinh, niềm khát khao... không nói được bằng lời.

Trong đoàn quân trở về sau ngày thống nhất năm ấy, có một người đàn ông gầy gò mặc bộ quân phục đã úa màu.Làn da ông xanh xám bởi những trận sốt rét, trên cơ thể còn những vết thương mới kịp liền da, trong xương tủy âm ỉnhững cơn đau khi trái gió, chỉ có đôi mắt thật sáng, thật dịu dàng khi nhìn cô thôn nữ qua nhà đưa giúp ông nắm lá xông vừa hái trên rừng.Bắt đầu từ niềm cảm thông, trắc ẩn ấy, họ đã đến với nhau bằng một đám cưới giản đơn. Căn nhà tranh bé bỏng là tổ ấm được dệt nên bởi tình thương vô bờ của người phụ nữ là bà. Một tay đồng áng, chăm sóc mẹ già, nâng giấc ông những đêm dài đau đớn bởi những vết thương chưa chịu yên ngủ. Rồi niềm hạnh phúc làm mẹ cũng đã đến sau những mong chờ. Đứa con đầu ra đời trong ánh đèn dầu leo lét ở trạm xá xã, và tiếng reo của cô y tá: Một đứa con trai. Trong cơn đau sinh thành ấy, bà mỉm cười. Nhưng rồi, sự nín lặng sau đó của những người chứng kiến giây phút đón đứa trẻ ra đời đã giúp bà mơ hồ cảm nhận, hình như có điều gì bất ổn.Khi đứa trẻ được trao vào vòng tay bà, thì trái tim bà đã thắt lại. Con trai của bà,người mềm oặt, cái đầu to bất thường và thiếu một bàn chân...


Từ đêm hôm đó, lời ru con của người mẹ trẻ như đắng nghẹn nước mắt. Cái tin bà sinh ra quái thai loang dần làng trên, xóm dưới. Ở vùng đồi heo hút này, người dân vẫn còn tin vào con ma, vào sự trừng phạt của ông trời. Bà hiểu lắm những an ủi không lấp đầy cái ánh nhìn ái ngại, những xì xào to nhỏ phía sau lưng.Bà đã đi, như chạy khỏi những đám đông hội hè. Hai bờ vai gầy như thêm trĩu xuống. Đứa trẻyếu ớt, nhưng bà đã vẫn có niềm hạnh phúc khi nó lớn dần nhờ dòng sữa mẹ, biết mỉm cười, biết trò chuyện. Nơi bình yênnhất của lòng bà vẫn là khi ngả vào vai ông sau một ngày dài mệt nhọc. Họ lại nhen niềm hy vọng ở đứa trẻ thứ hai đang lớn lên trong cơ thể của bà...


Nhưng rồi, thêm một lần chết lặng, khi bà nghe tiếng khóc yếu ớt, khác thường của con lúc chào đời. Đứa trẻ bé bỏng mềm uột nằm trong lòng bà, có đầy đủ chân tay, nhưng co quắp như có ai đã rút bớt xương. Hàng đêm, bà lại cất lời ru con trong nước mắt. Bà tự lục vấn mình: Mình làm gì nên tội, để đến nỗi con cái phải gánh chịu bất hạnh thế này? Bà cúng bái, khấn khứa với đất trời, với thần phật những mong bất hạnh hãy buông tha cho gia đình của mình. Những lần đưa con đi chạy chữa, hỏi han, bà và ông được nghe người ta nói về chất độc da cam trong chiến tranh. Đúng lúc ấy, có người đi chợ huyện về qua, kể chuyện ở xã bên cũng có trường hợp một người lính trở về sinh ra những đứa con không trọn hình hài. Bà đã lặn lội tìm đến căn nhà này và thấy cả một đàn con tàn tật lăn lê, nhem nhuốc trên cái nền đất lồi lõm. Đúng rồi, cái chất độc quái ác ấy chứ không phải điều gì khác, bà ăn ở phước đức là thế, ông hy sinh cho Tổ quốc này là thế... Suốt bao nhiêu đêm, trong cơn đau, người ông nóng rực những hồi tưởng: Là những cánh rừng mà bước chân người lính của ông đã đi qua. Những cánh rừng lá héo rũ và đồng loạt rụng tơi bời bởi những đám mây sương mù.



Người mẹ này đã trải qua tột cùng nỗi đau khichồng, con và cháu đều nhiễm chất độc dioxin. (Ảnh chỉ có tính chất minh hoạ)


Hai đứa con, càng lớn càng phải chịu đựng những cơn đau. Bà nhìn con đau mà như có ai cứa dao vào tim mình, bởi ngay tại bệnh viện thì bà cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu thương cảm. Y học cũng không thể cứu được những đứa con vốn đã mang bất hạnh của bà. Lần lượt, chúng đều qua đời khi ở cùng một độ tuổi, khi vừa kịp tròn tiếng gọi mẹ, gọi cha, khi vừa biết than rằng: Con đau lắm! Nhưng dù sao thì vẫn phải hy vọng, vẫn phải bám vào đó mà sống chứ. Người ta kể chuyện, có những nhà sinh đến 6, 7 đứa, rồi may ra chất độc ấy hết dần, cũng kiếm được đứa lành lặn. Bà và ông lại tiếp tục nuôi hy vọng. Đứa con thứ 3 ra đời, khi hai ngôi mộ nhỏ cỏ vừa lên xanh. Bà và ông nuôi con, tưởng chừng như đếm từng ngày cho đến cái mốc đứa trẻ líu lo biết chạy, biết hỏi. Lại cũng bắt đầu bằng những cơn đau ở cơ thể con mình. Cơn đau khiến cho trái tim bà rụng rời. Bà lo sợ, bà sợ một lần nữa mất đi núm ruột của mình. Bà sợ cái giây phút đối mặt với nỗi khủng khiếp nhất của cuộc đời người mẹ. Nhưng rồi, điều ấy vẫn đến...


Lần này thì ông đã sụp hẳn. Đôi mắt ông mờ dần. Chả đêm nào ông có nổi một giấc ngủ sâu. Bà còn nhớ cái cảm giác một mình bà chôn chân trên thửa ruộng nhỏ, để mặc bàn tay mình bị cứa rát bởi lá lúa và ngửa mặt lên cao xanh than thở: Ông Trời hỡi, vì sao? Bà đi về, quỳ sụp xuống nơi các con nằm. Nước mắt bà không còn nữa, nhưng trong tim bà thì cất lên lời ru ai oán: Rằng con ơi, hãy ngủ cho yên. Mẹ có tội với các con khi không thể cho các con một cuộc sống trọn vẹn.


Căn nhà nhỏ đầy thêm những cơn đau, những tiếng thở dài của ông và tiếng nấc bà giấu vào bóng tối.


Trong vô vàn những đêm đen như thế, bà đắng lòng nghe tiếng ông trở mình và ngồi dậy. Ông tìm điếu thuốc lào, và trong cơn ho xé ruột, giọng ông như lạc đi, nhưng đầy cương quyết: "Nếu mà mình sinh đứa thứ 4 vẫn vậy, tôi sẽ không sống nữa mình ạ. Tôi làm khổ mình, khổ chúng nó. Hãy tha thứ cho tôi!".


Lúc nghe lời ông, nghe nỗi đau của ông, bà dường như còn đau gấp bội. Bà không thể chịu được khi nhìn thấy nước mắt của chồng, người đã đi qua trận mạc không một phút run sợ. Bà không thể chịu được khi cứ phải chứng kiến sự tự dằn vặt mình của ông. Và trong bà, đã hình thành nên một suy nghĩ, một niềm quyết tâm: Mình phải sinh được đứa trẻ khỏe mạnh, phải đem lại niềm tin cho anh ấy!


Bà đã quyết định một điều, cho đến bây giờ bà vẫn không biết mình đã đúng hay sai. Cái điều bí mật bà muốn chôn giấu nó, muốn không một ai được biết. Bà đã lặng lẽ đi xin con ở một người đàn ông khỏe mạnh, bình thường khác. Phiên chợ sớm, cuộc gặp vội vàng và kể từ đó, bà đã luôn giữ lời thề với lương tâm mình sẽ tránh mặt người đàn ông ấy suốt đời...


Đứa con thứ 4 kháu khỉnh, khỏe mạnh ra đời. Nó thắp lên trong ông niềm vui, hạnh phúc. Nhưng với bà, thì từ lúc nghe nó khóc chào đời, song hành cùng hạnh phúc là dằn vặt khôn nguôi. Có những lúc thấy ông thật vui, bà cũng không dám nhìn lâu vào đôi mắt ông nữa. Không hiếm những đêm, nghe tiếng ông trở mình, bà lại trào dâng nỗi vò xé. Và đôi lúc, ngay cả trong giấc mơ, nỗi mặc cảm âm thầm ấy vẫn theo đuổi bà... Nhưng, có một sự thật hơn mọi sự thật trên đời, rằng ông đã hồi sinh từ tiếng đứa trẻ gọi cha. Rằng, căn nhà nhỏ của họ ấm lại từ khi ríu rít tiếng cười đùa con trẻ. Trong cơn đau tật bệnh hàng đêm, bên cạnh bóng bà còn có ánh mắt lo âu thơ bé.


Chỉ có bà, dẫu nhiều lúc đã dặn lòng quên đi, như một cơn ám thị, rằng chuyện sớm ấy chỉ là một giấc mơ. Nhưng thật khó khăn. Hơn 60 tuổi, gần 40 năm làm vợ, làm mẹ, bà đã đi qua bao nhiêu nỗi đau: nhìn những đứa con mình dứt ruột sinh ra không trọn vẹn hình hài, rồi đến cũng một độ tuổi, chúng lần lượt bỏ bà mà đi. Và ngay cả đã sinh ra một đứa con khỏe khoắn, thì lòng bà cũng giông bão không yên. Chưa kể bao nhiêu thiếu thốn vắt kiệt sức lực của bà. Chưa kể bao nhiêu ánh mắt nghi ngại đã từng làm bà sợ hãi.


Tôi chợt hiểu, đằng sau đôi vai gầy bé nhỏ xô lệch kia vẫn còn nguyên nỗi đau chiến tranh,nhưng cũng ẩn chứa sức mạnh phi thường của bao nhiêu người mẹ Việt Nam. Phút này đây, tôi như nghe tiếng bà ru. Bà ru con hay ru đứa cháu ngoại mới chào đời. Tóc bà bay trắng một góc chiều nhạt nắng. Bà không muốn ai biết về mình, và vì vậy, trong bài viết này, bà là người phụ nữ... không tên!


Thùy Vinh