Chỉ đạo đấu tranh trên diễn đàn báo chí công khai

22/08/2012 18:12

(Baonghean) Cuối năm 1937, đồng chí Lê Hồng Phong về Sài Gòn cùng T.Ư Đảng trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam, cũng là lúc ở đây vừa kết thúc cuộc bầu cử Hội đồng TP Sài Gòn và tích cực chuẩn bị cho cuộc tuyển cử bầu Hội đồng quản hạt Nam Kỳ.

Trong bối cảnh dân chủ mới, Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương cử đại biểu tham gia các hội đồng này, công khai đấu tranh đòi quyền lợi cho quần chúng công nông. Tuy nhiên, đại biểu cộng sản là Nguyễn Văn Tạo đắc cử Hội đồng thành phố mà không trúng Hội đồng quản hạt Nam Kỳ (tháng 4/1939). Trong khi đó, các đại biểu của tờrốtkít như Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch lại đắc cử. Lúc này, trong dư luận xã hội, trong đó có một số người cộng sản có những nhận thức khác nhau, nhiều người cho rằng những người cộng sản đã sai lầm, đã bị “phơi áo”… Kẻ địch nhân cơ hội này tuyên truyền hạ thấp vai trò, uy tín của những người cộng sản.

Trước tình hình này, Lê Hồng Phong viết hàng loạt bài báo ký bút danh TB, đăng trên tờ “Dân chúng” – tờ báo công khai đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương, tranh luận để đi đến thống nhất quan điểm về vấn đề đấu tranh nghị trường, vấn đề phòng thủ Đông Dương nhằm tập hợp tối đa lực lượng cho cuộc đấu tranh chống chiến tranh, ngăn chặn sự thỏa hiệp của bọn tờrốtkít: Bài học trong kỳ tuyển cử Hội đồng quản hạt, Thảo luận với anh Nguyễn Văn Tạo về bài Đảng Lập hiến có bị quần chúng đánh đổ không? Có phải chủ trương đánh đổ Đảng Lập hiến mà bọn tờrốtkít thắng thăm không?... Quan điểm của Lê Hồng Phong được trình bày trong nhiều bài báo là: “Tranh đấu chống tả khuynh, hữu khuynh và kẻ thỏa hiệp với nó, tranh đấu chống đầu cơ chủ nghĩa, chống xu hướng lập bè phái, đó là điều kiện để làm cho Đảng được củng cố thống nhất, mạnh mẽ, đủ năng lực, đưa cách mạng tới thắng lợi”.

Cũng trong khoảng thời gian này, tham gia chỉ đạo cuộc đấu tranh tư tưởng của Đảng ta, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ với các bút danh DC, T, TH, Trí Thành…đã viết nhiều bài đăng trên báo “Dân chúng” như Mặt trận dân chủ với Mặt trận công nông trong vụ tuyển cử Hội đồng quản hạt (Nam Kỳ), Chung quanh các vấn đề Nhật chiếm Hải Nam… viết tác phẩm “Tự chỉ trích” (bút danh Trí Cường).

Trong các bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chỉ rõ “Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lẫn của mình và tìm phương pháp sửa đổi, chống những xu hướng hoạt động thỏa hiệp, như thế là không phải làm yếu Đảng, mà làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ… Trái lại “đóng kín cửa bảo nhau” giữ cái việc thống nhất bề ngoài, trong thì hổ lốn một cục, đầy rẫy bọn hoạt đầu…đó tỏ ra không phải là một đảng cách mạng, mà là một đảng hoạt đầu, cải lương”, “Đảng cộng sản chủ trương liên hiệp với các đảng phái, các lớp nhân dân… phải có nguyên tắc, chứ không thỏa hiệp với bọn phản động, bọn khiêu khích tờrốtkít, tay chân phát xít”.

Sự gặp gỡ về nhận thức và phương pháp đấu tranh trên mặt trận tư tưởng thể hiện qua hàng loạt bài báo của Lê Hồng Phong và Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trên báo “Dân chúng” trong những năm 1938 – 1939 góp phần tích cực lấy lại sự thống nhất trong Đảng về tư tưởng và cách thức đấu tranh – những vấn đề rất nhạy cảm đang đặt ra cho Đảng Cộng sản Đông Dương cuối những năm 30 của thế kỷ XX.


Thanh Thủy (ST - GT)