Quan trọng là ý thức của người dân

09/08/2012 17:56

Sau 4 ngày Nghị định 52/2012/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC có hiệu lực (5.8), theo ghi nhận của PV, tại TP.  Vinh, hành vi dùng điện thoại di động tại cây xăng đã giảm. Tuy nhiên, xung quanh việc thực hiện vẫn còn những bất cập.

(Baonghean.vn) - Sau 4 ngày Nghị định 52/2012/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC có hiệu lực (5.8), theo ghi nhận của PV, tại TP. Vinh, hành vi dùng điện thoại di động tại cây xăng đã giảm. Tuy nhiên, xung quanh việc thực hiện vẫn còn những bất cập.

Có mặt tại những cây xăng trên địa bàn thành phố ngày 9/8 như Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Nguyễn Sỹ Sách, Nguyễn Phong Sắc hay đại lộ 3/2, … PV chứng kiến không nhiều người dân đổ xăng nghe điện thoại di động. Một số người dân sử dụng điện thoại tại các cây xăng khi được nhắc nhở đã vội vàng dừng việc nghe máy và cho biết họ không biết có quy định mới này. Chị Nguyễn Minh Đức – trưởng đại lý xăng dầu trên đường Nguyễn Văn Cừ (P. Hưng Phúc – Tp.Vinh) xác nhận: Việc người dân vừa đổ xăng vừa nghe điện thoại là chuyện diễn ra hằng ngày. Trước đây rất nhiều khách sử dụng điện thoại tại cây xăng nhưng sau khi có nghị định mới, hiện tượng này đã giảm.



Các cây xăng đã treo biển cấm sử dụng ĐTDĐ trước khi có Nghị định 52/CP

Chị Hà nhà ở khối Tân Phúc, Hưng Phúc đang đổ xăng ở cây xăng phường Hưng Phúc cho biết: “Trước đây tôi cũng nhìn thấy biển cảnh báo cấm sử dụng ĐTDĐ nhưng không để ý lắm và thấy cũng nhiều người dùng. Tuy nhiên, qua thông tin đài báo viết về Nghị định 52 vừa có hiệu lực, tôi mới biết mức phạt. Tôi không gọi ĐTDĐ khi vào đổ xăng nhưng cũng đã có khi nghe điện thoại. Tôi sẽ cố gắng không để lặp lại và nhắc nhở người thân về vấn đề này”.

Cửa hàng xăng dầu Hồng Phong (Tp.Vinh) là cây xăng có lưu lượng xe đổ xăng nhiều nhất thành phố Vinh với khoảng 2.500- 3.000 lượt xe máy và khoảng 500 lượt ô tô vào đổ xăng; một tháng bán ra khoảng 600m3 xăng dầu. Không phải bây giờ mà đã từ rất lâu, tại cây xăng này, khách hàng rất dễ nhìn thấy 3 tấm biển đặt ở 3 vị trí dễ quan sát với dòng chữ và hình ảnh cấm hút thuốc lá, cấm sử dụng điện thoại tại khu vực cây xăng. Anh Lê Văn Tuyến – cửa hàng trưởng cho biết: “Rất lâu rồi những người làm trong ngành xăng dầu đều biết các quy định về cấm sử dụng ĐTDĐ khu vực kho, đại lý bán hàng. Cây xăng nào của công ty Xăng dầu Nghệ An đều gắn biển cấm hút thuốc lá và dùng điện thoại di động. Đối với nhân viên bán hàng, chúng tôi quán triệt rất rõ vấn đề này và anh em thực hiện nghiêm; mỗi đại lý, cửa hàng đều có tủ cá nhân để điện thoại di động. Để giải quyết những công việc gia đình có thể phát sinh, sau khoảng 1 tiếng mỗi người có thể vào kiểm tra máy. Cùng với đó, nhân viên cây xăng khi phát hiện người nghe điện thoại tại cây xăng thì nhắc nhở”.

Chị Nga- một nhân viên bán xăng tại cửa hàng xăng trên đường Lê Hồng Phong, cho biết chị công tác trong ngành đã mấy chục năm nay và rất khó chịu khi người dân phớt lờ cảnh báo của cây xăng cũng như Nghị định mới có hiệu lực. Chị nhắc nhở thường xuyên những khách hàng sử dụng điện thoại và cũng không ít lần nghe lời khó chịu từ phía khách hàng. "Quan trọng vẫn là ý thức của người dân, chứ việc xử phạt có phải lúc nào cảnh sát cũng gặp khách vi phạm". – Chị Nga nói.



Khách hàng (mũ đỏ) đã cất điện thoại di động sau khi được nhân viên bán hàng nhắc nhở

Xung quanh vấn đề xử phạt, Chị Đức cũng như anh Tuyến đều cho rằng: Việc xử phạt người dùng điện thoại di động ở cây xăng theo quy định tại Nghị định 52/2012/NĐ-CP của Chính phủ, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy (PCCC) không phải dễ. Bởi theo Nghị định 52, thẩm quyền xử phạt các hành vi gây ra nguy cơ cháy nổ không chỉ có cảnh sát PCCC mà các lực lượng khác của công an nhân dân cùng lãnh đạo các cấp chính quyền đều có quyền xử phạt. Song nhiều chủ cây xăng cho rằng, muốn phạt cũng không dễ, vì hành vi gọi điện thường diễn ra rất nhanh, mà không phải lúc nào cảnh sát PCCC cũng có mặt để lập biên bản. Phải cần tới bao nhiêu cảnh sát để bố trí "rình" người dân vi phạm? Hơn nữa, đến nay cũng chưa có hướng dẫn chi tiết như gọi điện thoại trong vòng bao nhiều mét đối với cây xăng thì vi phạm, mức phạt cụ thể cho từng hành vi...


Lê Văn Tuyến – Cửa hàng trưởng cửa hàng xăng dầu Lê Hồng Phong nói: ĐTDĐ hiện đã phổ biến trong tất cả người dân nhưng sản phẩm từ nhiều nguồn khác nhau, chất lượng chưa được kiểm chứng, một số vụ nổ pin đã xảy ra. Mặc dù trên thế giới chưa có kết luận cuối cùng về việc sóng điện thoại có khả năng gây cháy nổ tại các trạm xăng hay không, cũng như thực tế ở Việt Nam có rất ít các vụ cháy nổ do sóng điện thoại gây ra, song để đảm bảo tính mạng cho người dân thì không thể chủ quan. Đây là quy định cần thiết để ngăn ngừa cháy nổ do điện thoại di động.
(còn nữa)


Thu Huyền