Thanh tra kiến nghị thu hồi gần 6.500 tỷ đồng cho ngân sách

29/06/2012 07:10

Trong 6 tháng đầu năm 2012, ngành Thanh tra đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 6.482 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Công khai nghiêm túc chỉ rõ đúng sai, những thông tin, kết luận, kết quả giải quyết cụ thể; tiến hành đôn đốc xử lý sau thanh tra

Sáng 28/6, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị sơ kết công tác thanh tra 6 tháng đầu năm và kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng về những tiến bộ của ngành Thanh tra trong thời gian qua, các cán bộ thanh tra ngày càng bản lĩnh, đoàn kết, quyết tâm cao, ngành không chỉ tập trung vào các vụ việc lớn, kéo dài, bức xúc mà còn làm tốt công tác hoàn thiện thể chế ngành… Điều này củng cố niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với công tác thanh tra.

Việc chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát huy vai trò quan trọng trong xử lý đơn thư. Ngành đã tổ chức thành công 3 hội nghị về tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo tại 3 miền, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều giải pháp quan trọng để giải quyết những vụ việc tồn đọng, kéo dài.

Bên cạnh đó, mối quan hệ công tác giữa Trung ương và địa phương ngày càng hiệu quả, hạn chế khiếu nại tố cáo vượt cấp vì đã giải quyết có tình, có lý, có tính thuyết phục. Trong đó, toàn ngành đã đẩy mạnh công tác, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng trong giải quyết nhiều vụ việc phức tạp.

Về phương hướng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu toàn ngành cần bám sát các định hướng, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước như Nghị quyết Trung ương 4 về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay, Nghị quyết Trung ương 5 về công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, tổng kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng…, nhất là trong những lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, chi tiêu công. Đặc biệt, phải đánh mạnh, đánh trúng, đánh kịp thời tệ tham nhũng, tiêu cực để lấy được niềm tin của nhân dân.

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ vai trò quan trọng của Thanh tra địa phương trong việc chủ động tham mưu cho chính quyền các cấp trong đối thoại với người dân để bảo vệ chân lý, pháp luật. Phó Thủ tướng khẳng định, làm đúng được khen thưởng nhưng làm sai thì phải sửa.

Đồng thời, phải tổ chức vận động, thuyết phục, công khai nghiêm túc chỉ rõ đúng sai những thông tin, kết luận, kết quả giải quyết cụ thể; tiến hành đôn đốc xử lý sau thanh tra, không để hiệu lực, hiệu quả của kết luận thanh tra bị buông lỏng, không thực hiện.

Phó Thủ tướng tin tưởng, với truyền thống và kinh nghiêm, bản lĩnh của mình, công tác 6 tháng cuối năm của ngành Thanh tra sẽ đạt hiệu quả cao, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Các đại biểu dự hội nghị

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào, trong 6 tháng đầu năm toàn ngành đã tiến hành triển khai 6.065 cuộc thanh tra hành chính và kiểm tra chuyên ngành tại 333.032 tổ chức, cá nhân.

Qua thanh tra, đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 6.482 tỷ đồng, 1.291 ha đất, xử phạt vi phạm hành chính 258 tỷ đồng, xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 31.207 tỷ đồng, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 425 tập thể, 697 cá nhân, ban hành 134.520 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức và cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 27 vụ, 35 người.

Đối với thanh tra hành chính đã tiến hành 30 cuộc, trong đó, 20 cuộc thanh tra năm 2011 chuyển sang và 10 cuộc theo kế hoạch năm 2012. Đến nay, đã kết luận 14 cuộc thanh tra, 5 cuộc đang hoàn thiện kết luận.

Nội dung thanh tra tập trung vào việc thực hiện quản lý nhà nước của các Bộ trên một số lĩnh vực như dược, thi hành án dân sự, việc liên doanh và liên kết đào tạo đại học và sau đại học, việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nhà ở, việc thực hiện Luật Đấu thầu, việc thực hiện chính sách pháp luật về hỗ trợ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, việc chấp hành pháp luật và quản lý vốn nhà nước tại một số tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, hoạt động một số ngân hàng và thanh ra một số dự án đầu tư xây dựng có sử dụng nguồn vốn lớn…

Trong 2 tháng đầu năm, tình hình khiếu nại, tố cáo có giảm so với năm 2011 về số lượt người, số đoàn đông người và số vụ việc. Tuy nhiên, từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 5, tình hình khiếu nại đông người, vượt cấp tăng và một số vụ việc có tính chất, mức độ gay gắt, phức tạp hơn.

Đối với công tác tiếp công dân, tại Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã tiếp 9.746 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (giảm 21%), đến trình bày 2.386 vụ việc (tăng 3,5%); 272 lượt đoàn đông người (tăng 5,4%). Các bộ ngành, địa phương đã tiếp 137.204 lượt công dân (tăng 4,8%), đến trình bày 101.616 vụ việc, có 1.208 lượt đoàn đông người (tăng 24%).

Về công tác phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; xây dựng và hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng; thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng và phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng thông qua hoạt động của cơ quan thanh tra và cơ quan chức năng.

Đối với các biện pháp phòng ngừa, Thanh tra Chính phủ tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các cấp, các ngành thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng như thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, trả lương qua tài khoản…

Về công tác kê khai thu nhập của cán bộ, công chức, đã có 28 bộ ngành, cơ quan Trung ương, địa phương, 2 tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91 hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2011. Theo đó, có 122.999 trường hợp kê khai lần đầu, 486.694 kê khai bổ sung, 1.822 người đã được kết luận xác minh về việc kê khai. Hiện chưa có trường hợp bị xử lý kỷ luật do chậm kê khai, chậm tổng hợp, báo cáo.


Theo (Chinhphu.vn) - L.T