Đốt rác thải gây ô nhiễm ở Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tây Bắc

05/06/2012 16:19

(Baonghean) Hệ thống xử lý rác thải lạc hậu, trong khi lượng rác thải y tế quá lớn so với năng lực xử lý thực tế tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An đang gây ô nhiễm môi trường xung quanh, gây lo lắng cho nhiều hộ dân ở gần bệnh viện.

Chiều ngày 24/5, chúng tôi có mặt tại khối 1,2 - phường Long Sơn - TX Thái Hòa, chứng kiến sự ô nhiễm do bệnh viện gây ra từ việc xử lý rác thải.

Hộ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do ô nhiễm trong quá trình xử lý rác thải của Bệnh viện là gia đình anh Lê Minh Thắng và chị Nguyễn Thị Tiếp ở khối 1 phường Long Sơn. Ngôi nhà anh chị sát hàng rào Bệnh viện, chỉ cách khu vực xử lý rác thải chừng 30m. Suốt ngày gia đình cứ phải cửa đóng then cài ứng phó với mùi đốt rác thải. Bởi theo như lời chị nói, mỗi khi Bệnh viện đốt rác khói phủ kín như sương mù cả một khu vực, trong không khí bốc lên mùi khét rất khó chịu, nhất là vào ban đêm. "Tình trạng như vậy diễn ra một hai hôm còn đỡ, chứ đằng này mùi bốc lên từ ngày này qua ngày khác do rác trong hố cứ cháy âm ỉ suốt. Gia đình tui phải đóng cửa, bịt kín tất cả các lỗ hổng lại vậy mà ăn không ngon, ngủ không yên, chỉ thiếu mỗi nước phải bịt khẩu trang khi đi ngủ nữa thôi", chị Tiếp bồng đứa con nhỏ 7 tháng tuổi lo lắng nói.



Ông Nguyễn Văn Quang chỉ cho chúng tôi xem hố chứa rác vẫn nghe mùi khét dù đã có 3 đợt mưa ở khu vực này.

Cùng chịu cảnh phải hít thở không khí bị ô nhiễm từ hố rác Bệnh viện còn có khoảng 20 hộ dân ở khu vực khối 1 và trên 40 hộ dân ở khu vực khối 2, phường Long Sơn, TX Thái Hòa. Chị Lê Thị Hường ở khối 1 phản ánh: Nếu quan tâm đến đời sống dân cư xung quanh, Bệnh viện phải bố trí khu vực xử lý rác thải xa khu dân cư chứ!".

Ông Nguyễn Văn Quang- Khối trưởng khối 1- phường Long Sơn dẫn chúng tôi trực tiếp "mục sở thị" khu vực xử lý rác thải của Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An. Tại đây, ngoài một lò đốt rác thải y tế thì có 2 hố chứa rác thải khác rất thô sơ. Càng đến gần thì mùi khét do quá trình đốt rác thải càng nặng, ông Quang cho biết: "Bà con kiến nghị nếu Bệnh viện chưa đủ điều kiện xây dựng hệ thống xử lý rác thải thì cần có phương án đưa rác thải đi xử lý ở khu vực xa khu dân cư. Chứ như bây giờ, các hố xử lý rác nằm ngay sát nhà dân kéo dài ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác làm khổ bà con quá".

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hà - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An cho biết, hiện nay việc xử lý chất thải nguy hại được đốt bằng lò đốt thủ công với khối lượng 50 -60 kg/ngày. Còn rác thải sinh hoạt được thu gom tập trung và rải các chất xử lý theo quy định. Chu kỳ đốt rác thải sinh hoạt cũng được nới rộng ra nhằm hạn chế khói và mùi. Tuy nhiên, bà Hà cũng khẳng định, trong quá trình xử lý rác thải vẫn không tránh khỏi gây ô nhiễm đối với khu vực dân cư xung quanh.

Bên cạnh đó, cơ sở mới của bệnh viện đang trong quá trình được đầu tư xây dựng nên cơ sở hiện tại không được đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống xử lý rác thải y tế. Trong khi đó, nội lực của Bệnh viện không thể "kham" nổi khoản kinh phí để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý rác thải y tế. Một trong những khó khăn nữa của Bệnh viện là quá tải kéo theo cơ sở hạ tầng không thể đáp ứng được. Theo quy mô ban đầu, bệnh viện chỉ đủ năng lực phục vụ 100 giường bệnh song hiện nay đang phải phục vụ 250 giường bệnh.

Ông Nguyễn Viết Lương - Phó Giám đốc Bệnh viện Dda khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An cho biết: Bệnh viện Đa khoa được đầu tư xây dựng mới và đã khởi công năm 2008, dự kiến hoàn thành năm 2013. Nhưng hiện nay, công trình mới chỉ hoàn thành được một phần, chậm so với tiến độ. Bệnh viện cũng đã làm hết khả năng của mình để xử lý rác thải y tế song giải pháp hiệu quả nhất vẫn là có phương án bố trí nguồn đẩy nhanh tiến độ hoàn thành bệnh viện mới. Lúc đó, Bệnh viện mới có điều kiện khám chữa bệnh cho nhân dân, cũng như xử lý rác thải y tế đúng tiêu chuẩn, không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.


Thành Duy