Liên kết – hợp tác chuyển giao KHCN trong sản xuất nông nghiệp
Việc ứng dụng các chương trình, dự án KHCN, các tiến bộ khoa học kỹ thuật của các Viện nghiên cứu Trung ương và địa phương vào sản xuất nông nhiệp ở tỉnh ta sẽ phát huy được tiềm năng đất đai và tác động tích cực vào năng lực của người lao động. Mặt khác, việc liên kết - hợp tác đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao KHCN ứng dụng vào thực tiễn trên địa bàn có hiệu quả sẽ góp phần định hướng để Nghệ An trở thành trung tâm phát triển KHCN khu vực Bắc Trung bộ.
(Baonghean) - Việc ứng dụng các chương trình, dự án KHCN, các tiến bộ khoa học kỹ thuật của các Viện nghiên cứu Trung ương và địa phương vào sản xuất nông nhiệp ở tỉnh ta sẽ phát huy được tiềm năng đất đai và tác động tích cực vào năng lực của người lao động. Mặt khác, việc liên kết - hợp tác đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao KHCN ứng dụng vào thực tiễn trên địa bàn có hiệu quả sẽ góp phần định hướng để Nghệ An trở thành trung tâm phát triển KHCN khu vực Bắc Trung bộ.
Qua khảo nghiệm sản xuất từ vụ hè thu 2010 và kết quả triển khai mô hình sản xuất thử nghiệm 2 vụ hè thu 2011 và xuân 2012) ở 2 vùng sinh thái khác nhau ở Nghệ An, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm TƯ đã kết luận: 2 nhóm giống lúa có những đặc điểm sinh thái, nông sinh học phù hợp với điều kiện sinh thái và khả năng thâm canh của vùng đồng bằng và trung du miền núi Nghệ An trong vụ xuân và vụ hè thu; trong đó các giống lúa có thể phát triển là SH14, HT9, HT6 và XT27.
Viện KHKT nông nghiệp Bắc Trung bộ với chức năng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về cây trồng, nghiên cứu xây dựng hệ thống nông nghiệp phục vụ phát triển KT – XH vùng, đã nghiên cứu chuyển giao cho Nghệ An nhiều giống lúa như BT1, Nhị ưu 725, D.ưu 725, Thiên ưu 128… và các giống sắn NA1, lạc L20; giống quýt Phủ Quỳ PQ1, cam Xã Đoài và các giống cao su, cà phê, khoai lang chất lượng cao. Viện KHKT NN Bắc Trung bộ cũng đã thực hiện các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật như: sản xuất lạc 5 tấn /ha/vụ, thâm canh chè theo hướng sản phẩm sạch; sản xuất hoa ly cao cấp, rau an toàn theo GAP…
Viện Thổ nhưỡng nông hóa (trực thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) từ nghiên cứu của mình đã đề xuất một số giải pháp cho phát triển nông nghiệp của Nghệ An. Trong đó đáng chú ý vấn đề nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do sự phát triển kinh tế phế phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, vỏ cà phê, than lá cây) và phế thải chăn nuôi.
Viện đã xây dựng định hướng, kế hoạch, giải pháp cho Nghệ An về việc sản xuất phân hữu cơ, phân hữu cơ khoáng, phân hữu cơ vi sinh vật từ nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp, phế thải chăn nuôi là cần thiết và hữu hiệu nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường và cung cấp nguyên liệu cho phát triển nông nghiệp hữu cơ, giảm lượng phân khoáng sử dụng. Phân viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản Bắc Trung bộ đã thực hiện thành công các đề tài, dự án được nhận diện và khuyến nghị áp dụng hoặc nhân rộng ở Nghệ An trong thời gian tới; đó là công nghệ sản xuất giống nhân tạo ngao Bến Tre (Nghệ An có thể phát triển nuôi ngao 800 ha bãi triều), các giống cá giò, cá song, cá hồng Mỹ, chim vây vàng, vược, bống đớp và một số giống cá nước ngọt. Viện cũng đã nghiệm thu mô hình nuôi thương phẩm cá bống bớp trong ao nước lợ tại Thành phố Vinh; đưa ra hướng phát triển, nhân rộng nuôi thương phẩm cá Hồng Mỹ trong ao nước lợ tại Nghệ An từ kết quả nuôi bằng lồng biển ở vùng Cửa Lò…
Công ty TNHH 1 thành viên Tư vấn và Đầu tư phát triển rau hoa quả đã nghiên cứu tuyển chọn được giống dứa MD2 nhập nội từ Australia đang được sử dụng rộng rãi tại các vùng trồng dứa của tỉnh; xây dựng và đề xuất quy trình thâm canh tổng hợp, kỹ thuật rải vụ thu hoạch và bảo quản dứa Cayen… phù hợp điều kiện Nghệ An. Công ty cũng đã tuyển chọn được 5 cây đầu dòng giống cam Xã Đoài với các quy trình trồng, chăm sóc; bên cạnh đó là xây dựng mô hình trồng cam theo VGAP, mô hình trồng ổi xen cam tại Nghĩa Đàn; xây dựng vườn ươm chuối tiêu tại Đô Lương với năng lực sản xuất 400.000 cây giống/năm.
Đối với cây rau, hoa và cây cảnh, Công ty đã tổ chức quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn cho TP. Vinh (93,8ha); chuyển giao sản xuất rau an toàn cho các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên..Cùng vớiCông ty TNHH 1 thành viên Tư vấn và Đầu tư phát triển rau hoa quả, Viện Nghiên cứu rau quả đã chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật mới ứng dụng trong sản xuất nhãn, chuối, cây có múi, dứa và cây rau, hoa, cây cảnh ở Nghệ An…
Từ những kết quả hợp tác – liên kết đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao KHCN vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Nghệ An thời gian qua,các viện, cơ quan nghiên cứu cũng đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị thiết thực với lãnh đạo tỉnh trong việc tạo cơ chế chính sách và có giải pháp để Nghệ An hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp chất lượng cao để thực hiện giảm tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đình Sâm