“Nóng” chất vấn về công tác quản lý, bảo vệ rừng
Tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh lần này, báo chí và cử tri đã phản ánh về tình trạng rừng nguyên sinh và rừng phòng hộ đang bị xâm hại nghiêm trọng, công tác quản lý và bảo vệ rừng còn bị buông lỏng. Vì vậy, mở đầu phiên chất vấn chiều nay 12/7, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hồng Châu đã yêu cầu Giám đốc Sở NN và PTNT trả lời chất vấn xung quanh vấn đề này.
(Baonghean.vn) - Tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh lần này, báo chí và cử tri đã phản ánh về tình trạng rừng nguyên sinh và rừng phòng hộ đang bị xâm hại nghiêm trọng, công tác quản lý và bảo vệ rừng còn bị buông lỏng. Vì vậy, mở đầu phiên chất vấn chiều nay 12/7, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hồng Châu đã yêu cầu Giám đốc Sở NN và PTNT trả lời chất vấn xung quanh vấn đề này.
Đã có 12 lượt ý kiến chất vấn ông Hồ Ngọc Sỹ - GĐ Sở NN và PTNT xung quanh vấn đề khai thác lâm sản trái phép, vi phạm trong quản lý và bảo vệ rừng. Nhiều ý kiến xoáy sâu vào thực trạng khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản tại các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
Đại biểu Nguyễn Trí Nhâm hỏi: Thấy lâm tặc khuân gỗ lên xe chở đi thì gỗ đó khai thác ở địa bàn nào? Lô nào? Khoảnh nào? Đồng chí có biết không? Giải pháp nào để giảm thiểu phá rừng?
- Ông Hồ Ngọc Sỹ: Trước tình trạng rừng bị khai thác bừa bãi, nhất là tại các khu rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn, rừng dọc vành đai biên giới, tỉnh đã thành lập các đoàn thanh tra liên ngành để tập trung truy quét các điểm “nóng”. Tuy nhiên, câu trả lời này chưa được cử tri hài lòng, bởi không chỉ là khoảnh nào, lô nào, mà cốt lõi của vấn đề là từ khoảnh đó, lô đó, kiểm lâm nào chịu trách nhiệm? chủ rừng nào chịu trách nhiệm?
Đại biểu Nguyễn Thị Nga (Thanh Chương) và Lê Văn Trí (Anh Sơn) hỏi: Trách nhiệm đối với các chủ rừng (thuộc về tỉnh quản lý), nhà nước bố trí một khoản tiền bảo vệ rừng nhưng trách nhiệm chưa rõ. Vậy khi cháy rừng trách nhiệm của chủ rừng như thế nào?
- Ông Hồ Ngọc Sỹ: Chủ rừng có nhiều loại: có rừng do tỉnh quản lý, có rừng do người dân quản lý. Trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng thuộc về địa phương. Cháy rừng ở địa phương nào thì địa phương đó phải chịu trách nhiệm.
Đại biểu Nguyễn Trí Nhâm tiếp tục: rừng giáp biên giới, Khu bảo tồn thiên nhiên, như vậy chủ rừng là nhà nước. Với trách nhiệm là Giám đốc Sở, ông đã lập được bao nhiêu văn bản và xử lý được bao nhiêu chủ rừng?
- Ông Hồ Ngọc Sỹ: trong 6 tháng đầu năm 2012: Sở Nông nghiệp đã tham mưu cho UBND tỉnh ra Chỉ thị 31/ CT – UBND về truy quét, thu giữ lâm sản trái phép. Kết quả: đã bắt giữ 762 vụ vi phạm lâm luật, thu giữ 538 m3 gỗ tròn, 1.129,5 m3 gỗ xẻ, tịch thu 2 xe ô tô, 10 xe bò kéo, 7 xe máy, 7 phương tiện khai thác, thu nộp ngân sách 15,4 tỷ đồng.
Đại biểu Lữ Kim Duyên băn khoăn: Làm sao để đồng bào sống được bằng rừng mà không phải khai thác rừng? Hiện đất sản xuất cho bà con rất rất khó khăn. Đồng bào rất khổ vì chỉ được bảo vệ rừng. Tôi chưa thấy giải pháp cụ thể.
- Ông Hồ Ngọc Sỹ: Có thể chuyển một số rừng phòng hộ không xung yếu sang rừng sản xuất để giao cho dân. Đây là một giải pháp có thể xem xét và Sở Nông nghiệp đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện ở một số khu rừng.
Đại biểu Nguyễn Như Khôi chất vấn: Khi phóng viên về tác nghiệp tại Pù Hoạt, Pù Huống, Pù Mát đã chứng kiến thực trạng phá rừng, khai thác rừng nghiêm trọng. Và quan trọng hơn là phần lớn đời sống của người dân rất khó khăn, phụ thuộc vào rừng. Ông có thể cho biết các giải pháp hỗ trợ đời sống người dân để bảo vệ rừng ?
- Ông Hồ Ngọc Sỹ: Dân vùng đệm, vùng lõi ở Pù Mát, Pù Huống… nghèo, đời sống phụ thuộc vào rừng. Khi xây dựng khu bảo tồn theo qui định phải qui hoạch di dời dân ra khỏi vùng lõi, nhưng chưa làm được. Vì vậy, Sở NN sắp tới sẽ tham mưu cho UBND tỉnh về cung cấp tư liệu sản xuất cho dân; đào tạo nghề cho nông dân, có chính sách hỗ trợ cho người dân vùng lõi các khu vườn quốc gia; sớm có giải pháp tái định cư đưa dân ra khỏi vùng lõi vườn quốc gia. Dự án dược liệu của nhà đầu tư TH thành công thì cũng thêm một cơ hội cho nông dân làm nghề rừng. Ngay cả đối tượng đã từng phá rừng cũng có thể chọn lọc, giác ngộ để tham gia bảo vệ rừng.
Đại biểu Thái Thị An Chung chất vấn Giám đốc Sở NN&PTNT.
Một câu hỏi khó nữa được đặt ra với Giám đốc Sở Nông nghiệp, đại biểu Thái Thị An Chung hỏi: Trách nhiệm bảo vệ rừng được giao cho rất nhiều cơ quan, nhưng thực tế khai thác rừng vẫn diễn ra phức tạp. Vậy: Giám đốc sở NN cho biết: liệu có phải “cha chung không ai khóc”?.
- Ông Hồ Ngọc Sỹ: Trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng hiện này thuộc: UBND các cấp, Ban QL rừng phòng hộ, Kiểm lâm. Trách nhiệm chính vẫn là địa phương. Trong đó: ở cấp tỉnh là Sở NN - PTNT, ở cấp huyện là Hạt kiểm lâm. Thủ tướng CP đã qui định rõ từng cơ quan, từng cấp. Không phải là kiểm lâm chịu tất cả. Một mình kiểm lâm không thể làm được mà phải cả chính quyền. Khi có sự việc xẩy ra, các cấp ngành liên quan đều phải chịu trách nhiệm.
Với câu hỏi này, cử tri cho rằng chính vì “các cấp các ngành liên quan đều chịu trách nhiệm” nên vẫn không rõ được trách nhiệm của từng cấp, từng ngành. Khi rừng bị phá, trách nhiệm của chính quyền huyện, xã chưa được đưa ra xem xét.
Đại biểu vẫn tiếp tục chất vấn: Gỗ lậu vận chuyển về xuôi rất nhiều và gỗ không phải là khó phát hiện. Liệu có sự tiếp tay của kiểm lâm ?
- Ông Hồ Ngọc Sỹ: Thực tế trong thời gian qua gỗ vận chuyển bằng xe tải trọng lớn không có, chỉ có xe trâu, xe ca… Lâm tặc lại vận chuyển bằng nhiều thủ đoạn: ban đêm, bằng đường sông, đường rừng. Do vậy công tác tuần tra, kiểm soát rất khó. Lực lượng kiểm lâm không buông lỏng mà chỉ ở chỗ này, chỗ kia, những hạt sạn “làm rầu nồi canh”. Sở sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện.
Với câu trả lời này vẫn chưa mấy thuyết phục, bởi rừng có “cửa”, đường có trạm…
Ông Hồ Ngọc Sỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời chất vấn của các đại biểu.
Tại buổi chất vấn, Giám đốc Sở Nông nghiêp và PTNN cũng nêu lên 11 giải pháp để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, giảm thiểu tình trạng phá rừng. Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền cho người dân ở gần rừng, trong rừng, giao rừng cho chủ rừng thực hiện tốt qui chế phối hợp giữa các lực lượng để bảo vệ rừng, tăng cường phối hợp giữa các ngành liên quan với lực lượng kiểm lâm trong đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng; xử lý kịp thời, nghiêm minh theo qui định của pháp luật các đầu nậu vi phạm khai thác rừng, mua bán, vận chuyển động vật rừng trái phép.
Đặc biệt là giải pháp củng cố lực lượng kiểm lâm, sàng lọc đội ngũ, thường xuyên luân chuyển cũng như có cơ chế bảo vệ lực lượng kiểm lâm. Tăng cường các đoàn kiểm tra liên ngành để đấu tranh phòng ngừa các hành vi vi phạm Luật bảo vệ rừng.
Lần đầu tiên “đăng đàn”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã trả lời được khá đầy đủ 12 lượt ý kiến của các đại biểu. Các câu trả lời đều bám câu hỏi, cung cấp được nhiều thông tin cho đại biểu và cử tri. Việc đầu tư vào báo cáo giải trình khá kỹ lưỡng, sự chuẩn bị nội dung trả lời chất vấn khá chu đáo. Tuy nhiên, một vài vấn đề chưa “sắc nét”, chưa cụ thể.
Về vấn đề này, thay mặt HĐND tỉnh, đồng chí Trần Hồng Châu kết luận: Thời gian gần đây, rừng đang bị tàn phá. Báo chí và cử tri phản ánh là có thật. Ngành nông nghiệp nghiêm túc tiếp thu ý kiến nhân dân. Qua giải trình thấy rằng: Công tác quản lý rừng còn nhiều sai phạm. Về trách nhiệm chính: phải khẳng định rằng cơ quan tham mưu được ủy quyền của tỉnh là Lực lượng kiểm lâm phải chịu trách nhiệm chính và chính quyền các cấp.
Về giải pháp: Cần tăng cường phối hợp tuyên truyền cho người dân hiểu vai trò, tác dụng của rừng. Rừng không chỉ là kinh tế, là tài sản mà còn là môi sinh, môi trường của cả cộng đồng. Sở NN cần tham mưu kịp thời về diện tích rừng đã có chủ và chưa có chủ để giao cho chủ rừng quản lý. Qui hoạch lại vùng dân cư, chuyển dân cư ra vùng lõi, vùng đệm, củng cố lục lượng kiểm lâm, tránh sự chồng chéo trong tổ chức bảo vệ rừng. Nhiều sai phạm xẩy ra trong phá rừng thời gian qua có sự tiếp tay của Kiểm lâm, cần xử lý nghiêm, cần thiết truy tố trước pháp luật. Ngành cần phối hơp với chính quyền địa phương trong công tác quản lý điều hành, quản lý cơ sở chế biến. Phối hợp với công an, kiểm lâm, điều tra truy cứu , xét xử nghiêm minh đối tượng vi phạm lâm luật để làm gương.
Tuy nhiên, cử tri không quan trọng việc trả lời “hay” hay “dở” mà vấn đề là xác định trách nhiệm với rừng, trách nhiệm trước thực trạng là: rừng hiện vẫn đang bị tàn phá ! Không phải giải trình xong là... xong !.
Trân Châu - Ảnh: Sỹ Minh