Kỳ I: Trao tặng kỷ vật chiến trường

25/06/2012 18:57

(Baonghean.vn) - Một trưa tháng 6, có hai người phụ nữ dáng vẻ lam lũ tìm đến Bảo tàng Quân khu 4. Họ trao cho...

(Baonghean.vn) - Một trưa tháng 6, có hai người phụ nữ dáng vẻ lam lũ tìm đến Bảo tàng Quân khu 4. Họ trao cho cán bộ lưu trữ một cuốn sổ đã úa vàng. Đây là cuốn sổ của liệt sỹ Lê Thanh Phú, người trung đội trưởng quê Đại Đồng- Kim Liên- Nam Đàn, hy sinh trên chiến trường Miền Đông Nam bộ vào sáng 7/12/1974.

Trong câu chuyện nghẹn ngào, chúng tôi được biết, chị tên là Lê Thị Hòa, em ruột của liệt sỹ Lê Thanh Phú, người kia là Lê Thị Xuân, người chị con bác ruột của liệt sỹ. Cuốn sổ được gia đình trao lại cho Bảo tàng, “vì trong đó là tâm sự, suy nghĩ của một thế hệ thanh niên biết hy sinh cho Tổ quốc. Cũng như Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm…, em tôi đã ghi lại chặng mình qua trên tuyến đường ra trận. Chúng tôi muốn không chỉ gia đình mình mà nhiều người biết đến và hiểu hơn về những người đã ngã xuống như em tôi” - chị Xuân tâm sự.



Chị Xuân kể về những hồi ức về liệt sỹ Lê Thanh Phú

Ý tưởng trao tặng cuốn sổ cho Bảo tàng bắt nguồn từ chính chị Xuân, là chị họ của liệt sỹ Phú, người có rất nhiều kỷ niệm với liệt sỹ Phú thời anh chưa vào bộ đội. Trước đây, gia đình không có ảnh thờ nên thường để cuốn nhật ký này lên ban thờ. Ngày 30/4 vừa qua, lớp 12 cũ của anh Phú họp, những người bạn xưa đã tìm được một tấm ảnh của anh, phóng to đem tặng gia đình. Thế là cuốn nhật ký được cất vào rương. Chị Xuân, hiện đang bán quán nước tại phường Cửa Nam (T.P Vinh), trong một lần về quê đã được đọc lại cuốn sổ. Chị đã khóc và trong nỗi nhớ, xúc động khôn cùng đã cảm tác một bài thơ ghi lại những hình ảnh về người em đã ngã xuống vì Tổ quốc. Chị vận động gia đình đem trao lại cuốn sổ cho Bảo tàng.

Chúng tôi đã tìm về căn nhà nhỏ trong hẻm sâu của chị Xuân tại Khu tập thể phát hành sách (Phường Cửa Nam-Vinh) để được biết rõ hơn câu chuyện về liệt sỹ Phú.

Liệt sỹ Lê Thanh Phú sinh năm 1950, trong gia đình nghèo có 5 anh em. 15 tuổi, anh Phú mồ côi cha. Trong 5 anh em, Phú là người sáng dạ nhất. Anh học giỏi, chữ đẹp, lại hay thơ phú. “Có lần, Phú đi cày, làm gẫy cày. Thế là hắn làm bài thơ về chuyện gẫy cày, để trên bàn. Mẹ hắn đọc thơ xong, không mắng nữa” - chị Xuân kể. “Ngày ấy, nhà tui có chiếc xe đạp, toàn dành cho Phú mượn đi. Phú học giỏi, chăm chỉ lắm, còn dạy học cho tôi. Hai chị em hay học trong vườn cây nhà tôi. Khi Phú đi bộ đội, cũng hay viết thư về cho gia đình, các chú, các bác và anh chị em. Trên Phú có một anh trai hơn Phú 3 tuổi. Năm 1973, trong cuốn nhật ký, Phú vẫn viết những dòng cho anh trên chiến trường mà không biết anh mình đã hy sinh năm trước rồi. Anh nhập ngũ năm 1967 thì hy sinh năm 1972, còn Phú nhập ngũ năm 1969 thì hy sinh năm 1974. Giấy báo tử ghi Phú mất năm 1972 là không chính xác”.

Ngày anh Phú nhập ngũ, là ngày anh mới tốt nghiệp cấp 3, đang chờ kết quả xét tuyển đại học thì có lệnh tổng động viên cho chiến trường. Anh chạy từ trường học về, góm ghém áo quần và qua cánh đồng chào mẹ. “Mẹ ơi, con đi đây!”. Bà mẹ cầm bó mạ, chạy lên bờ: “Con đi mô rứa Phú?” - “ Con đi bộ đội mẹ ạ”. Bà mẹ chỉ kịp nắm tay con, ứa nước mắt. “Hồi Phú đi, làng xóm chưa kịp hay tin, không có buổi tiễn chân như bao người khác”. Chỉ hai ngày sau nhập ngũ, anh có giấy báo đại học. Mẹ anh cầm giấy báo, khóc mãi. Thế nhưng mọi người động viên: “Thôi cứ cất giấy cho nó, khi nào thống nhất, nó về, nó cầm giấy đi học tiếp”.

Sau 3 tháng huấn luyện ở Thanh Hóa, tàu chở bộ đội vào Nam, dừng ở trạm giao liên Hưng Nguyên. “Thế là Phú chạy bộ 7 cây số về thăm mẹ. Đứng giữa nhà vừa hỏi, vừa thở được 5 phút, thế rồi hắn chạy vội đi. Hàng xóm cũng nỏ ai hay biết. Kể từ đó, em tôi vĩnh viễn không về” - Chị Xuân nghẹn lời.

5 năm, trải qua bao trận đánh, bao chiến trường, anh Phú đã tranh thủ những giờ nghỉ chân, những lúc ngừng tiếng bom để viết những bài thơ, những dòng nhật ký. Trong cuốn sổ của anh, có ghi lại về miền đất anh qua, những trận đánh và niềm tin chiến thắng. Có những dòng gửi cho mẹ, cho anh trai và các em, cho người con gái mà anh yêu, cho thầy giáo cũ, cho cả những người dân đã cưu mang anh bộ đội cụ Hồ, và cả cho một người bạn đã ngã xuống…

Cuốn sổ đã được anh trao lại cho một người bạn cùng lớp, người đồng đội, đồng hương về tuyến sau, với lời dặn: Mình vào trận tuyến, nếu có mệnh hệ gì, bạn giữ và đưa cuốn sổ này cho gia đình mình.




Chị Lê Thị Xuân trao tặng Bảo tàng QK 4 cuốn sổ nhật ký và tấm ảnh liệt sỹ Lê Thanh Phú

Và anh hy sinh. Hy sinh trong một trận oanh tạc của giặc Mỹ, xương cốt anh đã hòa vào đất, giờ đây cũng không có mộ phần.

Hòa bình, thống nhất, mẹ anh đăm đắm mong con. Không thấy tin báo tử, bà hy vọng con lưu lạc đâu đó. Người bạn giữ cuốn sổ nhật ký, ở ngay xã bên, biết rõ về sự hy sinh của anh cũng không dám nói sự thật, sợ mẹ anh gục ngã. Thế rồi, hai năm sau hòa bình, sau rất nhiều mong mỏi chờ đợi của gia đình, người bạn mới đủ dũng cảm để nói sự thật cùng gia đình anh. Những dòng sau cùng của cuốn nhật ký, chính là câu chuyện viết dở của anh, và hai bức lưu bút của 2 đồng đội, hai người bạn viết trên chiến trường sau ngày anh hy sinh. Tới lúc đó, anh mới chính thức có giấy báo tử…

“Trao lại cuốn nhật ký của em tôi cho bảo tàng, tôi mới thấy lòng thanh thản. Có cảm giác như đã làm giúp em một việc gì đó”- Chị Xuân tâm sự.


Thùy Vinh