Quế Phong: Chọn đúng lợi thế để “đột phá”

27/08/2012 16:27

Là 1 trong 3 huyện nghèo của tỉnh nhưng thời gian qua, huyện Quế Phong đã biết cách phát huy lợi thế của địa phương, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tạo bước đột phá trong công tác xóa đói giảm nghèo.

(Baonghean) Là 1 trong 3 huyện nghèo của tỉnh nhưng thời gian qua, huyện Quế Phong đã biết cách phát huy lợi thế của địa phương, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tạo bước đột phá trong công tác xóa đói giảm nghèo.

Bên nếp nhà sàn, anh Vi Thanh Xuân ở bản Yên Sơn, xã Tri Lễ phấn khởi chia sẻ thắng lợi trong vụ thu hoạch chanh leo: “Trên diện tích hơn 1.000 m2, gia đình đưa cây chanh leo vào trồng và năm nay thu hoạch vụ thứ 2 với kết quả hết sức khả quan. Mùa thu hoạch chanh leo bắt đầu từ tháng 6 cho đến tháng 11 hàng năm. Vụ thu hoạch mới đây cho gần 4 tấn quả, giá bán cho nhà máy 8.000 đồng/kg đã thu về lãi cho gia đình 38 triệu đồng, tính ra tiền ngót nghét 30 triệu đồng. Trước đây, gia đình phải vay mượn để lo cho hai đứa con đi học. Vậy mà từ khi trồng chanh leo, gia đình không phải vay mượn mà còn có tích lũy, các cháu yên tâm đến trường”.



Chanh leo được mùa, đầu ra ổn định đang là hướng thoát nghèo cho bà con xã Tri Lễ, huyện Quế Phong.

Niềm vui của gia đình anh Xuân cũng chính là niềm vui của nhiều hộ đồng bào dân tộc Thái ở Tri Lễ kể từ khi cây chanh leo “bén duyên” đất này. Theo thống kê của HTX Dịch vụ nông nghiệp và Phát triển chanh leo thì cả xã Tri Lễ đã trồng được 11ha trên 3 bản Yên Sơn, San và Minh Châu. Nếu tính theo giá thị trường hiện nay, chanh leo vào vụ thứ 2 chỉ phải đầu tư 10 triệu đồng tiền phân bón/ha trong khi thu lại 200 triệu đồng/ha thì nông dân Tri Lễ thu lãi cả tỷ đồng trên diện tích đang có. Con số này quả là đáng mơ ước ở một vùng đất còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, xã hội. Thế nhưng, cái lợi lớn nhất thông qua mô hình trồng chanh leo ở Tri Lễ không chỉ là “bắt đất sinh vàng” mà chính là thay đổi được nếp nghĩ, cách làm của đồng bào, từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, làm ăn có liên doanh, liên kết.

Ngược trở lại Châu Kim – một xã vùng ven của trung tâm huyện, nông dân Châu Kim đang dốc sức cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới để mai kia bản làng đẹp hơn, khang trang hơn. Nhưng một Châu Kim nông thôn mới không chỉ hiện diện ở cơ sở hạ tầng mà còn ở các mô hình chăn nuôi thành công, giúp phát triển kinh tế hộ.

Anh Lương Văn Trung, ở bản Chổi, xã Châu Kim áp dụng mô hình nuôi gà đen cho hiệu quả kinh tế. Năm 2011, gia đình anh nuôi 100 con, sau 4 tháng trọng lượng gà trung bình từ 1,2 -1,4 kg/con, gà được xuất chuồng với giá 150 ngàn đồng/kg đã thu về cho gia đình một khoản thu nhập kha khá. Năm nay, anh tiếp tục đầu tư thêm 200 con gà giống để nuôi. Toàn xã Châu Kim năm nay có 20 hộ dân nuôi gà đen với tổng đàn gà lên đến 1.670 con, hộ ít cũng nuôi 50 con, hộ nhiều nuôi 300 con. Đặc biệt có hộ còn chuyển sang ấp trứng gà con làm giống để cung cấp cho các hộ có nhu cầu trong và ngoài xã. Hộ chị Thủy ở bản Muồng bán trung bình 30 - 40kg gà giống/tháng, trừ chi phí lãi 4 - 5 triệu đồng/tháng.

Có được những thay đổi căn bản trong cung cách làm ăn tại các địa phương của huyện Quế Phong khởi nguồn từ Nghị quyết về tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới công tác khuyến nông của Đảng bộ huyện. Trên tinh thần nghị quyết, Đảng ủy huyện đã tập trung chỉ đạo hiện thực hóa trong lĩnh vực nông nghiệp như ứng dụng công nghệ mới, giống mới, lựa chọn một số giống cây, con mang tính đặc thù của Quế Phong để tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường, thứ hai là ưu tiên đổi mới công tác khuyến nông, từ đổi mới tài liệu đến phương pháp lựa chọn, chỉ đạo cách làm.

Cụ thể, huyện đã làm theo phương pháp cứ mỗi xã chọn một giống cây, con phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và tạo ra hàng hóa đặc thù, có sức cạnh tranh như xã Tri Lễ chọn trồng cây chanh leo, xã Châu Thôn lựa chọn nuôi o­ng, xã Châu Kim chọn nuôi gà đen và lợn Móng Cái, xã Quang Phong, Cắm Muộn và Tiền Phong chọn nuôi vịt bầu Quỳ Châu… Không chỉ đơn thuần đề ra chủ trương chính sách, khi áp dụng mô hình vào thực tiễn, huyện đã xác định cán bộ phải bám dân, đơn cử như việc sử dụng phân nén bón cho lúa. Cứ mỗi bản, huyện cử 3 cán bộ xuống trực tiếp hướng dẫn cho nhân dân làm theo.

Ngoài ra, thực hiện nghị quyết, huyện cũng đã chủ động lồng ghép các chương trình của Chính phủ như 30a, 135/CP… và các dự án của các tổ chức phi chính phủ như Dự án CARE của Đan Mạch, dự án của Tây Ban Nha để tận dụng vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm của các nguồn lực nhằm đẩy nhanh tiến trình xóa đói giảm nghèo. Ông Trần Quốc Thành – Bí thư Huyện ủy Quế Phong cho biết: Trên cơ sở thành công của các mô hình do những dự án triển khai trên địa bàn, huyện sẽ bổ sung thêm nguồn lực nhằm nhân rộng. Bên cạnh đó, huyện còn tạo liên kết với doanh nghiệp để giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp cho nông dân.

Đánh giá về hiệu quả triển khai nghị quyết tại địa bàn huyện, ông Trần Quốc Thành cho biết: Cái cơ bản là người dân đã dần thay đổi nhận thức, cách làm, từ làm để ăn nay chuyển sang làm hàng hóa để bán. Hiện nay, huyện gặp thuận lợi là có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ đang thực hiện các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn, thứ hai là khu vực Quế Phong có khí hậu khá đặc thù, giúp xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp có tính cạnh tranh cao. Tuy nhiên, khó khăn vẫn là việc nhân rộng các mô hình, vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ để người dân có thể tự làm được một cách bền vững.


Thành Duy