Tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm các cơ sở, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường

12/07/2012 20:14

Chiều nay 12/7, ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XVI đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Sau phần chất vấn sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn là phần chất vấn sở Tài nguyên và Môi trường. Các đồng chí: Trần Hồng Châu – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Thị Lệ Thanh - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Văn Mão - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh điều hành phiên làm việc

(Baonghean.vn) - Chiều nay 12/7, ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XVI đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Sau phần chất vấn sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn là phần chất vấn sở Tài nguyên và Môi trường. Các đồng chí: Trần Hồng Châu – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Thị Lệ Thanh - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Văn Mão - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh điều hành phiên làm việc

Là ngành thứ 2 chất vấn và trả lời chất vấn trong phiên làm việc chiều nay12/7, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường - ông Võ Duy Việt đã giải trình làm rõ thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vấn đề xử lý nước thải, chất thải từ doanh nghiệp, khu công nghiệp, làng nghề và bệnh viện trong tỉnh.

Theo báo cáo giải trình của ông Võ Duy Việt, tình trạng ô nhiễm ở các doanh nghiệp, KCN, làng nghề và bệnh viện đang diễn ra, nếu không kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời sẽ gây ô nhiễm lớn. Báo cáo cũng khẳng định: Thời gian qua, mặc dù các cấp, các ngành đã triển khai quyết liệt công tác quản lý về bảo vệ môi trường, nhưng vẫn để xẩy ra tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn toàn tỉnh. Trách nhiệm trước hết thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác quản lý nhiều lúc chưa thực sự đạt kết quả như mong muốn. Một số vụ việc tham mưu xử lý chưa quyết liệt và dứt điểm. Việc kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp về công tác bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền cũng như đôn đốc khắc phục ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở chưa kịp thời, thường xuyên.





Các đại biểu Hoàng Xuân Trường, Lê Văn Trí chất vấn lãnh đạo sở TN- MT

Phần chất vấn trực tiếp đối với Giám đốc Võ Duy Việt, đã có 7 đại biểu chất vấn xung quanh vấn đề nguyên nhân, trách nhiệm và thời hạn giải quyết đối với các vấn đề môi trường đang đặt ra.

Trả lời đại biểu Trần Quốc Chung (Diễn Châu); Lê Văn Trí (Anh Sơn) về tình hình xử lý tồn dư thuốc BVTV ở các kho thuốc BVTV trước đây còn chậm, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường, cho rằng: “ Đây là một vấn đề tồn tại chưa được khắc phục. Hiện toàn tỉnh có 913 điểm tồn dư thuốc BVTV (là địa phương có điểm tồn dư thuốc BVTV lớn nhất trong cả nước), tập trung ở các huyện Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Diễn Châu, Anh Sơn, Thanh Chương, Nam Đàn. Trong thời gian qua, UBND tỉnh và Sở Tài nguyên – Môi trường đã tích cực chỉ đạo sát sao và đã làm được một số việc như đề nghị đưa vào Quyết định số 1946/QĐ.TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường do tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật trên phạm vi cả nước với 286 điểm trên địa bàn tỉnh được hưởng ngân sách Trung ương để xử lý (189 điểm cần xử lý từ nay cho đến 2015 và 79 điểm cần xử lý cho đến năm 2020. Cuối năm 2011, Quốc hội đã thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, Nghệ An có 55 điểm tồn dư thuốc BVTV. Tuy nhiên, tiến độ triển khai đang còn chậm, trong đó có trách nhiệm chủ quan trong việc phối hợp giữa ngành với các cơ quan chức năng và nguyên nhân khách quan là ngân sách để giải quyết rất lớn, chủ yếu từ nguồn Trung ương; quy trình xử lý khá phức tạp và chưa có công nghệ xử lý thống nhất.

Thời gian tới ngành sẽ tích cực phối hợp tốt hơn với các chủ dự án để đẩy nhanh tiến độ; phối hợp với chính quyền địa phương khoanh vùng và khuyến cáo với người dân hạn chế sản xuất và sinh hoạt quanh vùng bị ảnh hưởng. Tích cực để sớm có nguồn vốn giải quyết 55 điểm tồn dư thuốc BVTV thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia”. Tiếp tục trả lời ý kiến của đại biểu Trần Quốc Chung (Diễn Châu) đối với giải pháp xây dựng hệ thống bãi xử lý rác thải ở cấp huyện và xã trong thời gian tới, ông Võ Duy Việt khẳng định: hiện tại hệ thống bãi xử lý rác thải ở cấp huyện và xã đang còn quá ít. Nguyên nhân có nhiều, trong đó phải kể đến trách nhiệm của một số xã chưa quan tâm đến công tác quy hoạch bãi rác, có cả trách nhiệm của các huyện và sở chưa quyết liệt trong vấn đề này. Giải pháp cho vấn đề này, cùng với trách nhiệm của người dân, cộng đồng tại các địa phương, chính quyền cấp xã, huyện, trong thời gian tới ngành sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương để xây dựng các cơ chế triển khai nội dung này, nhằm giải quyết những áp lực về rác thải sinh hoạt, nhất là rác thải trên địa bàn nông thôn”.



Ông Võ Duy Việt - Giám đốc Sở TN-MT trả lời chất vấn.

Trả lời chất vấn chiều nay, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường đã trả lời cụ thể và trách nhiệm các ý kiến của các đại biểu Hoàng Xuân Trường (Yên Thành); Đỗ Đình Quang (thành phố Vinh); Lô Thị Phượng (Tân Kỳ); Lê Văn Cầm (Diễn Châu); Đinh thị An Phong (Nghi Lộc) xung quanh việc giải quyết một số cơ sở gây ô nhiễm môi trường ở từng địa phương.

Theo ông Võ Duy Việt, quá trình giám sát, kiểm tra, phát hiện các cơ sở gây ô nhiễm môi trường thời gian qua đã được ngành tiến hành quan trắc, lấy mẫu phân tích và kết luận cụ thể, đồng thời yêu cầu các cơ sở, doanh nghiệp xử lý khắc phục và chấp hành đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường đã cam kết. Sau khoảng thời gian cho phép để khắc phục, xử lý ô nhiễm cho các cơ sở, doanh nghiệp, ngành tiếp tục quay trở lại để thẩm định; nếu các doanh nghiệp không thực hiện đúng yêu cầu của ngành thì tham mưu đề nghị với UBND tỉnh ra quyết định ngừng hoạt động. Cụ thể đối với Công ty TNHH giấy An Châu trên địa bàn thành phố Vinh mà đại biểu nêu tại phiên chất vấn, ngành đang đề nghị với UBND tỉnh tạm dừng để xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường, nhưng hiện tại doanh nghiệp đang xin cho phép sản xuất đến hết năm nay. Việc giải quyết ô nhiễm môi trường ở cảng cá Lạch Vạn (Diễn Châu), chính quyền huyện Diễn Châu muốn di dời cơ sở chế biến gây ô nhiễm đó ra khỏi quy hoạch cảng cá Lạch Vạn. Sau kỳ họp này, Sở Tài nguyên – Môi trường sẽ làm việc với Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và huyện để thống nhất và tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết...

Kết luận nội dung chất vấn này, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hồng Châu khẳng định: Để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh thời gian qua, trách nhiệm thuộc về 3 ngành, cấp, đơn vị. Đó là Sở Tài nguyên – Môi trường, cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này; chính quyền các địa phương trong việc bảo vệ môi trường đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các cá nhân trong phạm vi quản lý hành chính của mình; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, nhà máy, doanh nghiệp, bệnh viện không tuân thủ các cam kết và quy định về bảo vệ môi trường. Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Sở Tài nguyên – Môi trường trong thời gian tới cần tăng cường quản lý chặt chẽ về lĩnh vực môi trường đối với các dự án đầu tư vào Nghệ An, đảm bảo được dự án và được cả môi trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân, và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm. Đối với các cơ sở hiện đang gây ô nhiễm môi trường, sau kỳ họp, ngành cần tiếp tục thanh, kiểm tra và trả lời bằng văn bản đối với HĐND tỉnh. Tham mưu cho tỉnh bố trí đủ kinh phí cho các cơ sở công lập, cấp huyện, xã để xử lý, khắc phục về môi trường. Tham mưu cho UBND tỉnh về lộ trình di dời đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong nội thành, thị xã. Lập các kế hoạch và yêu cầu các doanh nghiệp đổi mới công nghê, dây chuyền sản xuất đảm bảo về môi trường trong lành. Lưu ý phối hợp với các cơ quan truyền thông để nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường chung. Đồng chí cũng khẳng định, bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn, vị, doanh nghiệp và toàn xã hội.


Mai Hoa - Ảnh: Sỹ Minh