Ghi từ chuyến công tác miền Tây xứ Nghệ

18/06/2012 15:58

Đoàn công tác về đến huyện Con Cuông lúc 9 giờ sáng. Thật may mắn vì chúng tôi được gặp và dự hội thao các dân tộc thiểu số, thường 4 năm tổ chức một lần, được sống trong không khí sôi nổi, nên thơ của sự tái hiện đêm nhạc rừng, của đêm “biên phòng” và cả những trận giao hữu bóng chuyền hào hứng.

(Baonghean) Đoàn công tác về đến huyện Con Cuông lúc 9 giờ sáng. Thật may mắn vì chúng tôi được gặp và dự hội thao các dân tộc thiểu số, thường 4 năm tổ chức một lần, được sống trong không khí sôi nổi, nên thơ của sự tái hiện đêm nhạc rừng, của đêm “biên phòng” và cả những trận giao hữu bóng chuyền hào hứng.

Sau đó, đoàn chúng tôi tới xã Lạng Khê và được chị Lô Thị Thuỷ - Bí thư Đảng uỷ xãra đón. Được biết, chị là một cán bộ trẻ, năng động, người đã điều hành, lãnh đạo Đảng bộ xã đạt thành tích xuất sắc. Nghe chị kể, tôi càng thấu hiểu, sẻ chia những khó khăn của một nữ lãnh đạo: việc nhà, thiên chức làm mẹ, làm vợ, nhưng vượt lên trên hết là sự quyết tâm, yêu nghề và hết mực đóng góp cho quê hương…

Rời Lạng Khê, chúng tôi đến bản Búng, xã Châu Khê, nơi đây là bản làng sinh sống của người Đan Lai. Cách trung tâm xã gần 20 km mà đường đi khúc khuỷ, quanh co, mãi xẩm tối mới đến con suối Khe Bu, suối được ngăn dòng để làm công trình thuỷ điện nhỏ, chúng tôi gửi xe ở nhà dân rồi cuốc bộ ngược con dốc khoảng chừng 2 km. Đón chúng tôi là các anh chiến sỹ biên phòng Đồn 553. Chiều về trên bản làng trập trùng sương khói. Chúng tôi được sống một ngày trọn vẹn theo đúng không khí, tinh thần miền sơn cước, không điện lưới mà chỉ thấp thoáng điện cù.



Đồn Biên phòng 559 tuyên truyền về Luật Biên giới - Ảnh: Đ.C

Dùng xong bữa cơm tối nơi vùng biên trong tình quân dân ấm áp, chúng tôi đến lớp học xoá mù buổi tối có sự phối hợp của Hội Phụ nữ, ngành Giáo dục và Đồn Biên phòng. Hình ảnh các anh chiến sỹ biên phòng, cán bộ phụ nữ cùng đưa nét chữ, dạy từng con số cho bà con dân bản cứ in đậm mãi trong tôi. Nhìn từng nét chữ chưa tròn, từng ánh mắt của các học trò tuổi mẹ, tuổi bà đầy mơ hồ làm chúng tôi cứ băn khoăn, việc cõng cái chữ lên non sao mà gian nan thế, biết đến bao giờ bà con có thể dùng cái chữ để vươn lên trong cuộc sống…

Sáng sớm tinh mơ, chúng tôi vào tận nhà dân, chứng kiến cảnh sinh hoạt của đồng bào Đan Lai, được hiểu hơn về dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng và được biết cả những tập tục rất riêng của người Đan Lai. Nơi đây vẫn còn tình trạng sinh đẻ tại nhà do đường xa, ngại đi ra trạm xá. Tập tục của người Đan Lai là “cưới nhỏ” xong là về ở với nhau, có con vài năm rồi mới đến tuổi đi đăng ký kết hôn là chuyện thường. Nhìn từng ánh mắt trẻ thơ, nhìn những bà mẹ trẻ ở tuổi trăng tròn mà không khỏi chạnh lòng, thật giống như lời ru buồn bên dòng suối khe Bu!

Ngược Quốc lộ 7, chúng tôi đến với bản Khe Tang, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn - là một xã ngay sát đường 7 mà cuộc sống bà con nơi đây còn rất khó khăn, họ sống hoàn toàn bằng nghề làm nương rẫy, dùng nước sinh hoạt từ khe suối. Những bản làng xa tít, những ngôi nhà cheo leo trên đỉnh đồi vẫn được viết qua các trang báo, bài văn giờ đây mới thực sự thấm thía bởi sự trải nghiệm của mình. Được nghe, được tâm sự với anh Phó Chủ tịch xã về băn khoăn, trăn trở của chính quyền xã trong việc vận động dân đi học nghề, hầu như tâm lý chung là dân không muốn học vì làm ra sản phẩm cũng không biết bán cho ai, họ chỉ thích đi Lào, đi miền Nam như một lối thoát, thậm chí phụ nữ, trẻ em còn bị buôn bán sang Trung Quốc họ vẫn tự nguyện, chấp nhận để có cái ăn, cái mặc, để duy trì cuộc sống dù cho biết đó là cạm bẫy, là khổ đau.

Chia sẻ với chị Vi Thị Huế cán bộ dân số xã, chúng tôi mới thấu hiểu hơn nỗi vất vả của người cán bộ cơ sở. Điạ bàn xã rộng lớn, địa hình cheo leo, việc đi lại quá khó khăn nên công tác tuyên truyền vận động rất vất vả, có khi phải đi bộ cả ngày trời mới đến bản mà dân đi rẫy xa không gặp được, trong khi phụ cấp cho cán bộ phụ trách công tác dân số ở thôn bản chỉ 50 ngàn đồng/tháng là quá thấp nên không ai muốn làm…

Là cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới, tôi thấy những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến việc ban hành các chính sách về bình đẳng giới. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cũng đã ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác bình đẳng giới, UBND tỉnh đã ban hành chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011-2015 và bắt đầu triển khai các mô hình chỉ đạo điểm truyền thông về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh. Qua chuyến công tác này, tôi có thêm sự nhìn nhận, đúc rút nhiều vấn đề ở thực tế và để đạt được các mục tiêu về bình đẳng giới ở các huyện miền núi là rất khó khăn, chúng ta cần gắn với việc chăm lo cuộc sống, xoá đói, giảm nghèo cho người dân.

Hy vọng,với sự chỉ đạo sát sao của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể và với sự chung tay, góp sức của những người cán bộ cơ sở đầy tâm huyết như chị Thuỷ, chị Huế, anh Thắng, công tác bình đẳng giới sẽ được thúc đẩy, từ từ đi vào cuộc sống như mục tiêu bình đẳng giới đã được vạch ra.


Kiều Trinh