Hải quân Philippines chờ lệnh

28/06/2012 19:16

Philippines có thể chọn lựa phương án cử các tàu phi quân sự đến khu vực bãi cạn Scarborough.

Hải quân Philippines đang chờ đợi Tổng thống (TT) Benigno Simeon Aquino III ra lệnh cho họ trở lại khu vực bãi cạn Scarborough sau khi có sự xác nhận rằng tàu Trung Quốc (TQ) chưa hề rút khỏi vùng lãnh thổ tranh chấp này dù đã thỏa thuận như vậy. Trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình, phó đô đốc Alexander Pama, tư lệnh hải quân Philippines, tuyên bố: “Hải quân đang chờ mệnh lệnh từ tổng thống”.



Bên trong ngôi trường mới khánh thành ở Pag-asa. Ảnh: AP

Trước đó, TT Aquino đã tuyên bố ông có thể ra lệnh cho tàu Philippines trở lại bãi cạn Scarborough nếu người TQ tiếp tục hiện diện nơi đây. Tuy nhiên, theo trang web The Philippine Star, ông Pama thừa nhận Phủ TT vẫn chưa đưa ra tín hiệu xuất phát để hải quân Philippines trở lại bãi cạn. Đồng thời, ông cho biết nước này đang chọn lựa phương án cử các tàu phi quân sự đến khu vực trên.

Người phát ngôn của TT Philippines, ông Edwin Lacierda, khẳng định Phủ TT sẽ không vội ra lệnh đưa tàu trở lại bãi cạn Scarborough cho dù tàu thuyền TQ vẫn kéo dài sự hiện diện trong khu vực tranh chấp này. Ngoài ra, ông Lacierda cho biết TT Aquino còn phải gặp Ngoại trưởng Albert del Rosario để bàn bạc khả năng tái điều động tàu Philippines trở lại bãi cạn Scarborough. Thêm vào đó, ông Lacierda nói rằng thời tiết vẫn sẽ là một trong những yếu tố cần xem xét để đưa tàu đến bãi cạn. Ông muốn nói đến trận bão Dindo đã đổ bộ vào Philippines chiều 26-6.

Trong khi đó, một đội tuần tra gồm 4 tàu hải giám của TQ từ thành phố ven biển Tam Á thuộc tỉnh Hải Nam đã lên đường đến biển Đông vào ngày 26-6 để thực hiện việc tuần tra thường xuyên. Theo Tân Hoa Xã, đội tàu này dự kiến thực hiện hải trình hơn 2.400 hải lý và sẽ thực hiện cuộc diễn tập đội hình nếu điều kiện cho phép.

Trước đó, ngày 25-6, TQ đã lên tiếng cảnh báo Philippines về việc nước này mở một trường tiểu học trên đảo Pag-asa ngoài khơi tỉnh Palawan. Ngôi trường này đã được khánh thành ngày 15-6. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hồng Lỗi tuyên bố TQ phản đối bất kỳ hành vi trái phép nào có thể xâm phạm chủ quyền của mình. Ông Hồng nhấn mạnh rằng Manila cần phải kiềm chế để không làm phức tạp thêm tình hình hiện nay cũng như ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định ở biển Đông. Theo báo Philippine Daily Inquirer, hiện có khoảng 200 người Philippines sinh sống trên đảo Pag-asa, vốn đã nằm dưới sự kiểm soát của Philippines từ thập niên 1970.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, ngày 26-6, TQ lại yêu cầu Nhật Bản chấm dứt hành vi gây mất ổn định mới đối với quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Sensaku)và bảo vệ các quyền lợi chung của mối quan hệ song phương thông qua các hành động cụ thể. Ông Hồng Lỗi đã phát biểu như trên để phản ứng lại sự kiện 8 nghị sĩ Nhật từ Tokyo lên đường đến quần đảo này hôm 25-6. Ông Hồng một lần nữa xác nhận rằng quần đảo Điếu Ngư đã là lãnh thổ của TQ từ thời cổ xưa và TQ có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo này. “Bất kỳ hành động đơn phương nào của phía Nhật Bản đối với quần đảo Điếu Ngư đều bất hợp pháp và không có căn cứ” - ông nói.

Theo Tân Hoa Xã, đây là lần thứ hai các nghị sĩ Nhật đến thăm quần đảo Điếu Ngư trong tháng này. Sáu nghị sĩ Nhật thuộc cả đảng cầm quyền và đảng đối lập đã đến đây ngày 10-6.

Kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc


Hàng chục người Mỹ gốc Philippines và gốc Việt tại Mỹ đã kêu gọi tẩy chay các sản phẩm Trung Quốc và thúc giục Bắc Kinh dừng kế hoạch bành trướng đối với những nước quanh Biển Đông.


Đài GMA News - Philippines cho biết những người này kêu gọi các nhà phân phối và bán lẻ như Wal-Mart, Costco… ngừng bán hàng hóa Trung Quốc. Ngoài ra, họ còn cam kết không đến ăn tại nhà hàng Trung Quốc. Eric Lachica thuộc Tổ chức US Pinoys for Good Governance của người gốc Philippines ở Mỹ cho rằng chiến dịch tẩy chay này sẽ “thay đổi lịch sử”, vì “nếu chỉ có một triệu người Philippines không mua sản phẩm Trung Quốc, dù chỉ một lần/tháng, chúng tôi sẽ tạo ra một hình phạt tài chính khổng lồ với Trung Quốc. Trung Quốc sẽ mất gần 250 triệu USD/năm”.

Huệ Bình


Theo Nguoilaodong - MD