Đông Bắc Á: “chuyển lửa ra ngoài”

27/08/2012 16:29

Căng thẳng tiếp tục leo thang trong tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật và Hàn Quốc cũng như giữa Nhật và Trung Quốc. Đằng sau hai xung đột này lại đang ẩn chứa những tính toán trước hai cuộc bầu cử hay chuyển giao quyền lực ở cấp lãnh đạo cao nhất.


Hàng ngàn người quá khích ở Thâm Quyến, Trung Quốc đã lật nhào và bu quanh một chiếc xe do Nhật Bản sản xuất - Ảnh: AFP

Trong những ngày qua, tình hình Đông Bắc Á không lắng dịu như bề ngoài vốn có. Căng thẳng tiếp tục leo thang và không hứa hẹn sẽ ngừng lại, nhưng “không đủ để gây nên một cuộc chiến tranh”, như nhận định của báo JoongAng IIbo.

Hai cuộc bầu cử

Những người săn cá voi của Pháp vào thế kỷ 19 dạt đến phía bắc Thái Bình Dương và đến đảo Dokdo/Fukushima không thể ngờ rằng những tảng đá nổi rộng 35ha này giờ lại trở thành mối tranh chấp giữa Nhật Bản và Hàn Quốc vào thế kỷ 21. Báo Le Point, Pháp, mô tả: chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak ngày 10-8 như ngòi nổ châm vào thùng thuốc súng âm ỉ đã lâu giữa hai nước. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc còn chạm đến một điểm nhạy cảm khi yêu cầu Nhật hoàng Akihito phải xin lỗi về những “tội ác” của Nhật Bản trong việc chiếm đóng Hàn Quốc (1910-1945). Đến lúc này mọi việc đã không còn có thể lùi lại nữa. Căng thẳng ngoại giao giữa hai nước vốn có số phận chính trị và kinh tế cực kỳ gắn bó với nhau đã bùng nổ.

Báo này đặt câu hỏi: tại sao hai nước lại như hai con tàu lao đầu vào nhau vì một quần đảo đầy gió bão này? Nhà nghiên cứu và là chuyên gia về Đông Bắc Á của Quỹ Heritage Foundation Bruce Klingner nhận xét: “Cho dù nghe có vẻ không hợp lý nếu các nước liều lĩnh đối đầu chỉ vì những tảng đá... nhưng thực tế đó lại đang diễn ra”.

Căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm đáp ứng những lý do trong chính trị đối nội. Giới chuyên gia nhận định thái độ cứng rắn của Thủ tướng Noda đối với Hàn Quốc và Trung Quốc một mặt nhằm làm dịu áp lực từ những chỉ trích trong nước, kể cả từ phía những đảng cực hữu vốn bảo hoàng và nuối tiếc quá khứ huy hoàng, mặt khác nhằm hóa giải áp lực của cử tri vốn đang thất vọng vì Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) không mang lại nhiều thành tích nổi bật trong ba năm qua.

Lo ngại bị thất cử trong cuộc bầu cử sắp tới sau khi một bộ phận của DPJ đã ly khai và thành lập đảng khác, Thủ tướng Noda muốn khôi phục lòng tin của cử tri và lấy lòng các đảng đối lập qua việc kêu gọi bầu cử sớm vào tháng 11. Ông Noda, người chỉ mới giữ chức thủ tướng Nhật Bản gần một năm, ngoài việc muốn có được sự ủng hộ của phe đối lập với chính sách tăng thuế tiêu thụ lên 5-10%, còn muốn ghi điểm với phe ủng hộ chủ nghĩa dân tộc trong nước.

Trong khi đó, Hàn Quốc sau thắng lợi trong các cuộc bầu cử địa phương hồi tháng 4-2012, Đảng Thế giới mới (NFP) cầm quyền của Tổng thống Lee Myung Bak cũng muốn củng cố vị thế của mình trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 12. Theo Yonhap, thái độ cứng rắn của ông Lee là một cú quảng cáo đẹp được 87% dân số Hàn Quốc nhìn nhận, dù trong lần bầu cử tới ông không ứng cử. Song đây là động thái lót đường cho người kế nhiệm, nữ chủ tịch NFP Park Geun Hye, giành chiến thắng.

Cuộc chuyển giao quyền lực ở Trung Quốc

Bắc Kinh đã phản ứng quyết liệt trước tuyên bố của ông Noda rằng Nhật Bản sẽ tăng cường tuần tra xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư để ngăn chặn bất kỳ sự “xâm nhập nào của người nước ngoài”. Nhân Dân Nhật Báo dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đáp trả: “Nghị quyết do Nhật Bản vừa thông qua là trái phép và không có giá trị”.

Trung Quốc cho thấy họ không có dấu hiệu từ bỏ chuyện tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Senkaku. Các nhóm hoạt động dân sự Trung Quốc thề rằng họ sẽ trở lại quần đảo này trong tháng 10-2012, thời điểm diễn ra Đại hội Đảng 18 của Trung Quốc.

Giới quan sát phương Tây nhận định Trung Quốc đang sử dụng chiến lược “chuyển lửa ra ngoài” khi vừa gây căng thẳng leo thang ở phía nam của mình là biển Đông, vừa tiếp tục khiêu khích ở biển Hoa Đông với Nhật Bản bằng hàng loạt chuyến xâm nhập. CNN dẫn lời chuyên gia Mỹ Stephanie Kleine-Ahlbrandt cho rằng trong khi công chúng Trung Quốc đang hoang mang về những bê bối chính trị trong nước như vụ Bạc Hi Lai và vụ án Cốc Khai Lai xảy ra ngay trước thềm Đại hội Đảng 18, việc gây tranh chấp với các nước xung quanh là lựa chọn tốt nhất để Bắc Kinh hướng dư luận trong nước ra bên ngoài.


Theo Tuổi trẻ - ĐT