Khát bên khe Xì Vàng

02/08/2012 17:14

Hơn

(Baonghean) Hơn 3 năm nay, người dân bản Cam, xã Cam Lâm (Con Cuông) phải đi xa 5 km để gùi nước hoặc đào hố bên khe Xì Vàng để lấy nước thẩm thấu. Gần 130 hộ dân tộc Thái nơi đây đang trong tình trạng thiếu nguồn nước sạch. Nguyên nhân chủ yếu là do việc khai thác vàng sa khoáng ở vùng thượng nguồn khiến nguồn nước khe Xì Vàng bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Từ cầu treo xã Châu Khê nhìn sang địa bàn xã Cam Lâm, nơi khe Xì Vàng đổ ra sông Lam, người đi đường dễ dàng nhận thấy một dòng nước đặc quánh màu bùn đất. Tiếp tục ngược lên qua bản Cống, bản Cai mới thấy được mức độ ô nhiễm nguồn nước đã trở nên nghiêm trọng. Đến khu vực bản Cam (cách trung tâm xã gần 10 km) càng thấy được nỗi vất vả, cực nhọc của người dân nơi đây khi nguồn nước khe Xì Vàng bị ô nhiễm nặng.



Người dân bản Cam đào hố bên khe Xì Vàng, để lấy nước thẩm thấu.

Ngồi trầm ngâm bên bờ suối, ông Vi Văn Kim (70 tuổi), không giấu được nỗi bức xúc: “Từ hàng chục năm nay, nước khe Xì Vàng luôn trong xanh, kể cả trong mùa mưa lũ. Vậy mà 3 năm lại đây, việc khai thác vàng ở địa bàn xã Bình Chuẩn đã khiến nguồn nước đặc quánh, dân bản phải đi tìm những mạch nước nhỏ để lấy nước về dùng. Nước mạch không đủ, phải đào hố bên suối Xì Vàng để lấy nước thẩm thấu”. Men theo bờ suối, chúng tôi gặp anh Vi Đình Quân đang lấy nước từ một cái hố nhỏ. Phía bên ngoài, nước khe Xì Vàng chảy đục ngầu, nhưng trong cái hố nhỏ ấy, nguồn nước vẫn trong.

Vừa lấy nước, anh Quân vừa nói chuyện với khách: “Đi vào rừng lấy nước mạch thì xa, không có nhiều thời gian, mọi người lại tranh giành nên phải ra đây đào hố lấy nước thẩm thấu. Nghe nói, nguồn nước thải từ các bãi khai thác vàng sa khoáng ô nhiễm lắm. Nước đục đã đành, lại có các chất dầu mỡ, thủy ngân từ các loại máy móc thải ra hoặc dùng để xử lý vàng nên rất độc hại. Biết vậy, nhưng không có cách nào khác!”. Cách đó không xa, chị Vi Thị Oanh đang đứng giặt đồ bên suối. Chị cho biết: “Trước đây, khi nước chưa bị ô nhiễm, cá tôm ở đây nhiều vô kể. Đi rẫy về, chỉ cần ra suối chài một lúc là có một bữa cá ngon. Nhưng bây giờ cá tôm đã đi mất hết, các loài rau mọc ven suối cũng héo rũ dần. Nhưng đáng nói hơn là tình trạng khan hiếm nước sạch đã làm cho cuộc sống của hầu hết các gia đình bị đảo lộn”.

Bà con dân tộc Thái ở bản Cam đang đối mặt với nguy cơ dịch bệnh do thiếu nguồn nước sạch. Chúng tôi tìm đến nhà ông Quang Văn Lịch, Bí thư Chi bộ bản Cam. Ông Lịch mời khách bát nước chè xanh nổi đầy váng và dưới đáy chứa đầy cặn. Nhận thấy vẻ ái ngại của khách, chủ nhà phân trần: “Từ ngày phải đào hố bên suối lấy nước thẩm thấu, bát nước chè xanh nhạt hơn, lại chứa đầy váng và cặn như thế này”. Ông Lịch còn cho biết thêm, từ ngày nước khe Xì Vàng chuyển sang màu đục, số lượng người mắc mệnh ngoài da ở đây tăng vọt. Hễ có việc phải lội xuống nước là vài ngày sau nổi mẩn ngứa và lở loét. Một số công nhân đang thi công đập thủy lợi trong địa bàn bản Cam cũng khẳng định việc bị mẩn ngứa, lở loét khi phải tiếp xúc với nguồn nước khe Xì Vàng là hoàn toàn chính xác. Qua trao đổi với ông Quang Văn Lịch, chúng tôi còn biết rằng, từ năm ngoái đến nay, có khoảng 3- 4 trường hợp trâu khát và uống nước khe Xì Vàng rồi lăn đùng ra chết không rõ nguyên nhân. Và cũng từ ngày nguồn nước bị ô nhiễm, trâu bò của bản Cam cũng không được béo như trước đây...

Trao đổi với anh Kha Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Lâm, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Việc ô nhiễm nguồn nước khe Xì Vàng ảnh hưởng đến đời sống người dân bản Cống, bản Cai, đặc biệt là bản Cam đã diễn ra từ 3 năm nay. Nguyên nhân là do khai thác vàng sa khoáng ở địa bàn xã Bình Chuẩn. Xã đã có văn bản đề xuất lên cấp trên và tại các cuộc tiếp xúc cử tri, các cuộc họp hội đồng đều đã được đem ra bàn bạc nhưng vẫn chưa có cách giải quyết”. Thiết nghĩ, các ban ngành chức năng huyện Con Cuông cần sớm giải quyết triệt để vấn đề này để trả lại dòng nước trong xanh cho khe Xì Vàng và để người dân Cam Lâm tránh được nguy cơ dịch bệnh.


Công Kiên