Để du khách “dừng chân xứ Nghệ”...

12/06/2012 11:04

(Baonghean) Tôi có người bạn làm nghề hướng dẫn viên du lịch cho một trung tâm lữ hành lớn có trụ sở hoạt động ở Hà Nội, bạn tôi học đại học ngoại ngữ ra nên chủ yếu được giao hướng dẫn cho du khách nước ngoài. Khi tôi hỏi rằng du khách nước ngoài du lịch xuyên Việt thường thích tham quan điểm nào ở Nghệ An, bạn tôi trả lời khá chua chát: Các đoàn khách nước ngoài đến Nghệ An chủ yếu ở lại một đêm ở khách sạn Phương Đông, Hữu Nghị, hoặc Sài Gòn Kim Liên, Mường Thanh… để nghỉ chân, sau đó lên đường đi sang các tỉnh khác. Thi thoảng mới có một số đoàn chọn Nghệ An làm điểm dừng chân một vài ngày để tham quan Khu Di tích Kim Liên – Nam Đàn, hoặc tắm biển Cửa Lò. Số này không nhiều?!

(Baonghean) Tôi có người bạn làm nghề hướng dẫn viên du lịch cho một trung tâm lữ hành lớn có trụ sở hoạt động ở Hà Nội, bạn tôi học đại học ngoại ngữ ra nên chủ yếu được giao hướng dẫn cho du khách nước ngoài. Khi tôi hỏi rằng du khách nước ngoài du lịch xuyên Việt thường thích tham quan điểm nào ở Nghệ An, bạn tôi trả lời khá chua chát: Các đoàn khách nước ngoài đến Nghệ An chủ yếu ở lại một đêm ở khách sạn Phương Đông, Hữu Nghị, hoặc Sài Gòn Kim Liên, Mường Thanh… để nghỉ chân, sau đó lên đường đi sang các tỉnh khác. Thi thoảng mới có một số đoàn chọn Nghệ An làm điểm dừng chân một vài ngày để tham quan Khu Di tích Kim Liên – Nam Đàn, hoặc tắm biển Cửa Lò. Số này không nhiều?!

Tôi hỏi bạn nguyên nhân vì sao, được biết du khách quốc tế, nhất là du khách phương Tây, trước khi đến Việt Nam thường đăng ký trước một số địa chỉ ưu tiên, gần như cố định: Sa Pa, Vịnh Hạ Long, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Vũng Tàu, Đà Lạt, TP. Hồ Chí Minh… Còn Nghệ An vẫn đang là một địa danh chưa thật sự tạo được dấu ấn. Thậm chí rất nhiều du khách quốc tế chỉ khi đến Việt Nam rồi mới biết Nghệ An, vì là quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh!



Du lịch miền Tây giàu tiềm năng nhưng còn thiếu thông tin quảng bá.
Ảnh: Xuân Thống


Là người sinh ra và lớn lên ở Nghệ An, từng đặt chân đến rất nhiều địa danh, đến nhiều vùng miền ở Nghệ An trước khi đi làm hướng dẫn viên cho các tour, tuyến du lịch xuyên Việt, bạn tôi cho rằng quê mình có nhiều danh lam thắng cảnh hoàn toàn xứng đáng để quảng bá, giới thiệu, và chắc chắn sẽ hấp dẫn du khách khi họ được đặt chân đến, được mắt thấy tai nghe. Tuy nhiên, khi bạn tôi tranh thủ giới thiệu một số danh thắng quê mình cho du khách quốc tế, họ đều bảo là không biết và đã không được giới thiệu đúng mức để lựa chọn trước khi đến Việt Nam!

Cũng như bạn, do điều kiện công việc và bản tính thích rong ruổi, xê dịch, tôi may mắn được đi đến các vùng miền, tìm hiểu nhiều danh lam thắng cảnh và khám phá các điểm du lịch trên quê mình. Để rồi, khi có điều kiện đặt chân đến các điểm du lịch nổi tiếng trong nước và một số ít điểm du lịch ở một số nước lân cận, trong khu vực, tôi luôn có ý thức so sánh, liên hệ, đối chiếu, và không ít lần xuýt xoa, thốt lên rằng như thế này thì cảnh sắc quê mình nào có kém chi. Sản vật và sản phẩm vùng miền của quê mình nào có thua, thiếu chi những món, những thức… đặc sắc, độc đáo. Văn hóa miền xuôi, miền ngược quê mình còn trầm tích, lưu giữ, hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày biết bao phong tục, tập quán, đặc điểm sinh hoạt… đậm đà bản sắc. Tiềm năng du lịch quê mình thực sự vô cùng phong phú, đa dạng. Thế nhưng, còn quá nhiều điều khi đối cảnh khiến ta lại phải buột miệng hai tiếng… “thế nhưng”. Trong khi người ta quảng bá và khai thác tốt các điểm du lịch để “hốt bạc”, để làm giàu, đồng thời cũng là cách để bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc tốt hơn, thì ở ta nhiều tiềm năng du lịch vẫn cứ mãi khắc khoải ở dạng tiềm năng.

Nghệ An có hơn 12.000km2 rừng núi tạo ra các thảm thực vật với nhiều khu rừng nguyên sinh như Vườn quốc gia Pù Mát, khu bảo tồn rừng nguyên sinh Pù Hoạt. Với 82 km bờ biển có nhiều bãi biển đẹp tự nhiên rất đẹp. Với trên 1.000 di tích lịch sử văn hoá, trong đó có hơn 170 di tích lịch sử văn hoá được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử quốc gia và tỉnh, đặc biệt là Khu Di tích Kim Liên, là “khu di tích đặc biệt của quốc gia có giá trị lịch sử văn hoá muôn đời”. Những điều kiện thuận lợi và tiềm năng to lớn đó là cơ sở để Nghệ An có cơ hội hình thành và phát triển các trung tâm du lịch lớn... Du lịch biển Cửa Lò; Du lịch Thành phố Vinh; Du lịch Nam Đàn; Du lịch Vườn Quốc gia Pù Mát; du lịch Quỳ Châu - Quế Phong. 5 trung tâm du lịch được sắp đặt, bố trí đa dạng về các điều kiện tự nhiên, môi trường xã hội, địa chí lịch sử - văn hóa, các phong tục tập quán, có đủ vùng miền, các thành phần dân tộc, nên có thể tổ chức các tour, tuyến để phát triển nhiều loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử, nghỉ dưỡng, leo núi, tắm biển, du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác), du lịch homestay (du lịch ở trong nhà dân)...

Còn nhớ năm 2007, khi được tham gia một lớp học tiếng Anh giao tiếp – thương mại do quỹ bảo hiểm Prudential Anh quốc phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức, một số thành viên trong lớp học chúng tôi đã cao hứng mời thầy giáo người xứ Wales làm một chuyến đi thăm Vườn Quốc gia Pù Mát. Được tắm thác Khe Kèm và thưởng thức món gà đồi nướng bên suối, đi thuyền độc mộc ngược sông Giăng và ngồi ở đập Phà Lài nhấm nháp món cá mát với rượu sâm rừng, ăn cơm lam chấm với lạc rẫy, buổi tối ngủ nghe tiếng vượn hú, buổi sáng dậy ăn xôi nếp nương với thịt bò nướng chao với nậm phịa… vị giáo viên Anh ngữ quốc tế từng giảng dạy qua 17 quốc gia trên thế giới luôn miệng nức nở: “Nghệ An number o­ne!”.

Ngay cả chúng tôi, ít ra là vài tháng có một lần ngược đường 7, đường 48 để đến với vùng miền núi Tây Nam, Tây Bắc của tỉnh, mà cũng luôn bị hấp dẫn, lôi cuốn bởi vẻ đẹp mê hồn của màu xanh đại ngàn, của nước nguồn nắng núi. Để rồi có những lúc ngồi giữa bộn bề ngột ngạt công việc mà cảm thấy thật thư thái khi nhớ về những lúc được uống chén rượu sắn với bát canh lá lốt nấu nguyên từng con ốc khe của người Khơ Mú, ăn cơm thịt gà đen nhấp chút rượu ngô của người Mông, nhắm món nộm hoa đu đủ rừng kẹp với thịt nhái ngâm ống nứa của người Thái... Rồi những lợn đen, cá lăng, cá chua, thịt chua, canh ột, nậm phịa, rau dún, khoai sọ, cà bản, bí bản, gạo Mông… những thứ đã khiến mình từng ngẩn tò te tiếc nuối khi biết còn đi nhiều nên không thể mang về với phố.

Còn với biển, có người khó tính nào mà chê được màu xanh trong của nước, trắng của sóng, thoai thoải bãi bờ của các bãi biển mà thiên nhiên ban tặng cho Cửa Lò, Cửa Hội, Bãi Lữ, Quỳnh Bảng, Bãi Tiên ở Đảo Song Ngư... Rất có lý khi có người cho rằng ở Việt Nam chỉ có bãi biển Nha Trang, Mũi Né mới xứng hàng bè bạn với Cửa Lò. Còn về sản vật, bút mực nào mà tả được cái thú ngồi xé và nhâm từng sợi mực khô Cửa Lò màu trắng phớt hồng đậm vị nức mùi xứng danh là loại mực thượng thặng khắp dải đất hình chữ S này, cái thú nhấm nháp đầu đuôi cá thu tươi nướng chấm nước mắm chắt Nghi Hải nóng tan từng giọt nơi đầu lưỡi, nói chi đến chuyện tôm cua tít ghẹ… Rồi chỉ 10.000 đ một người là có thể có chuyến open tour nho nhỏ bằng xe điện đi khắp đô thị du lịch xanh - sạch - đẹp Cửa Lò, qua chợ hải sản khô và tươi sống để du khách có thể tìm hiểu và mua hải sản về ăn hoặc làm quà, qua chợ cá cảng Cửa Lò nếu vào buổi sáng thì du khách có thể mua mớ cá tươi mắt hãy còn hấp háy để nướng và thưởng thức ngay bên bến cá, qua chợ điện tử, khu chế biến và sản xuất thủy hải sản trong các hộ gia đình...

Đó là mới điểm xuyết một vài nét trong trải nghiệm của bản thân, dù cố gắng đến mấy không thể phác thảo và phản ánh hết được những giá trị nhiều mặt về sinh thái, văn hóa, lịch sử, đến hiệu quả phục vụ công tác nghiên cứu, học thuật của rất nhiều những danh lam thắng cảnh, những di sản, sản phẩm vật thể và phi vật thể trên đất Nghệ An.

Để những tiềm năng du lịch, tài nguyên du lịch của Nghệ An trở thành những địa danh, địa chỉ du lịch nổi tiếng, thành nguồn lợi du lịch được khai thác có hiệu quả, đem lại giá trị xứng tầm về kinh tế, văn hóa, việc đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu là hết sức quan trọng và cần thiết, nhất là tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu ra thế giới. Cần thực hiện đồng bộ sự nâng cấp về cơ sở hạ tầng, chất lượng môi trường, năng lực tổ chức và tính chuyên nghiệp trong việc tổ chức và phục vụ tốt các tour, tuyến trên địa bàn.

Để Nghệ An trở thành điểm đến của du khách bốn phương, nhất là du khách đến từ các tour, các đoàn khách quốc tế - đối tượng mang lại nguồn thu cao cho các điểm du lịch, Nghệ An cần đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, quảng bá, chú trọng tình liên kết, kết nối với các trung tâm lữ hành, các trung tâm du lịch lớn trong và ngoài nước. Đó vừa là trách nhiệm của ngành Du lịch, đồng thời cũng là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Bởi vì, Nghệ An có rất nhiều điểm du lịch hoàn toàn xứng đáng được quảng bá với du khách muôn phương!


Ngô Kiên