Thắm tình phiên chợ vùng biên

09/07/2012 10:18

Dù đã mấy lần đi chợ vùng biên (chợ Hữu nghị Lào- Việt) nhưng mỗi lần lên Kỳ Sơn vào dịp có phiên chợ (ngày 14 - 15 và 29 - 30 hàng tháng), tôi lại hòa vào dòng người đổ về Cửa khẩu Nậm Cắn để được tận mắt chứng kiến không khí tấp nập, đông vui và thắm tình hữu nghị Việt - Lào.

(Baonghean.vn) - Dù đã mấy lần đi chợ vùng biên (chợ Hữu nghị Lào- Việt) nhưng mỗi lần lên Kỳ Sơn vào dịp có phiên chợ (ngày 14 - 15 và 29 - 30 hàng tháng), tôi lại hòa vào dòng người đổ về Cửa khẩu Nậm Cắn để được tận mắt chứng kiến không khí tấp nập, đông vui và thắm tình hữu nghị Việt - Lào.

Những lần trước, tôi đến chợ biên vào mùa Đông và mùa Xuân, tức là vào điểm trước và sau Tết Nguyên Đán. Lần này, tôi quyết định đi vào mùa Hè với hy vọng sẽ được khám phá thêm những điều mới mẻ. Đoạn đường Quốc lộ 7A từ Thị trấn Mường Xén lên Cửa khẩu Nậm Cắn (khoảng 20 km) ngày thường vốn lặng lẽ và thưa vắng nhưng hôm nay đông đúc khác thường. Từng đoàn xe ô tô, xe gắn máy và dòng người đi bộ nối đuôi nhau tưởng chừng như kéo dài đến vô tận. Con đường vòng vèo, uốn lượn giữa non ngàn và trập trùng trong mây núi càng tôn thêm nét thi vị và huyền ảo, khiến cho những người khách đến từ phương xa thêm dạt dào cảm xúc trước vẻ đẹp của cảnh vật và núi rừng biên cương xứ Nghệ. Thị trấn Mường Xén nóng bức là thế, nhưng ngược lên chừng 10 cây số, đến bản Noọng Dẻ, chạm đến đất Nậm Cắn, người đi đường đã bắt đầu cảm nhận được không khí mát mẻ, dễ chịu. Càng ngược lên độ cao càng lớn, mức chênh lệch nhiệt độ càng cao nên không khí càng mát lạnh. Qua các bản Trường Sơn, Tiền Tiêu, thấy nhà nhà đã đóng cửa then cài, bởi lẽ bà con người Mông đã dậy đi chợ từ sáng sớm, lúc con gà bắt đầu cất tiếng gáy gọi ánh sáng mặt trời. Không riêng gì bà con Nậm Cắn mà gần như hầu như người dân khắp các bản làng thuộc xã Tà Cạ, Phà Đánh, Huồi Tụ, Tây Sơn, Hữu Kiệm, Hữu Lập, Chiêu Lưu, Na Ngoi, Nậm Càn và Thị trấn Mường Xén đều mong đến phiên chợ để đến mua bán và trao đổi.



Nhộn nhịp phiên chợ vùng biên

Đến Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, mọi người đều dừng chân làm thủ tục xuất nhập cảnh rồi đi tiếp chặng đường gần 1 km để đến chợ biên. Chợ biên nằm ở lưng chừng dãy núi giáp đường biên, thuộc bản Đỉnh Đam, huyện Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng (CHDCND Lào). Khi chúng tôi có mặt, chợ đã tấp nập kẻ bán, người mua. Các hoạt động giao dịch có thể trao đổi bằng cả hai thứ tiếng và cả hai loại tiền (Lào, Việt). Dạo quanh phiên chợ, dễ dàng nhận thấy sản vật đặc trưng của nước bạn vào mùa này là quả đào. Không biết có phải thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu mà những quả đào được bày bán ở chợ biên trông thật bụ bẫm, ngon mắt. Còn khi đã thưởng thức bằng miệng, dễ dàng cảm nhận được vị ngọt và thanh. Đến chợ biên, nhiều người Việt tìm mua các loại dụng cụ sản xuất nông nghiệp (dao, cuốc, xuổng...), các loại vật dụng gia đình được làm từ nhựa (xô, chậu). Còn người Lào, hầu hết tìm đến các quầy hàng cá biển và các loại hoa qua được vận chuyển sang từ Việt Nam.

Điểm nhấn tạo nên vẻ hấp dẫn của chợ biên là cảnh những thiếu nữ Lào với váy áo sặc sỡ. Người dân Lào, đặc biệt là nam nữ thanh niên rất yêu ca hát. Bằng chứng là ở những gian hàng bán đĩa nhạc luôn chật ních người. Tại đây, luôn vang lên những ca khúc có giai điệu đằm thắm, rộn ràng.

Đã mấy lần đến chợ biên, tôi biết nếu chưa đến gian hàng ẩm thực thì coi như mới đi được nửa đường. Gần trưa, tôi cùng Vi Thị Lan, cô gái Thái ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, người bạn đường và nhận làm chân phiên dịch, đến gian ẩm thực. Khi còn ở Mường Xén, tôi e ngại rằng thưởng thức món thịt gà và thịt lợn nướng vào mùa hè chắc không hấp dẫn lắm. Nhưng đến nơi mới vỡ lẽ rằng thời tiết ở đây mát mẻ, dễ chịu nên các gian hàng ẩm thực vẫn luôn tấp nập thực khách người Việt. Chúng tôi vào quán bà Mè Nang, một phụ nữ người Lào. Có vẻ như bà nhận ra tôi đã một vài lần vào quán nên nở nụ cười thân thiện và nói “Lâu ngày quá!”. Tôi say sưa để thưởng thức mùi hương nếp cẩm tỏa ra ngào ngạt và món thịt gà nướng béo ngậy. Còn người bạn đường thì vừa ăn vừa trò chuyện với Mè Nang. Trước lúc lên đường đi chợ biên, Lan cho tôi biết cô có thể nói và hiểu được khoảng 70% tiếng Lào. Tôi hỏi Lan đang trò chuyện gì với Mè Nang, cô giải thích: “Mè Nang nói hàng tháng bà rất mong đến ngày chợ phiên, một phần là để bán hàng. Đồng thời, để được gặp gỡ, thăm hỏi những người thân quen ở cả Noọng Hét và Kỳ Sơn. Phiên chợ nào bà cũng rất vui vẻ…”.

Mặt trời đã nằm trên đỉnh đầu, đến lúc người mua, kẻ bán chia tay và hẹn gặp lại ở những phiên chợ sau. Niềm vui hiện hữu trên từng khuôn mặt…


Công Kiên