Kỳ II: Thanh Chương - Tan nát rừng đầu nguồn

13/07/2012 11:22

Kỳ I:  THÔNG THỤ - QUẾ PHONG:

Kỳ I: THÔNG THỤ - QUẾ PHONG: Những cánh rừng ngày đêm bị tàn phá

(Baonghean) - Không chỉ ở Huồi Tang (Thông Thụ - Quế Phong), ngược lên đường biên giới Cửa khẩu Thanh Thuỷ - Thanh Chương, chúng tôi vẫn nghe tiếng máy cưa gầm vang giữa đại ngàn. Chứng kiến những dòng xe “ngụy trang” đưa gỗ về xuôi trót lọt qua trạm kiểm soát lâm sản cửa rừng Thanh Thuỷ một cách dễ dàng. Gần chục ngàn ha rừng phòng hộ ở Thanh Chương đang đứng trước nguy cơ “xoá sổ”.

Những cánh rừng đang “hấp hối”

Sau 2 ngày “ăn chực nằm chờ” tại Thị trấn Dùng - Thanh Chương chúng tôi mới được một người dân địa phương đồng ý dẫn vào rừng để ghi lại hình ảnh lâm tặc đang tàn phá rừng đầu nguồn. Đúng 12 giờ trưa, chúng tôi lên đường bằng con “ngựa sắt” phóng thẳng lên Cửa khẩu Thanh Thuỷ. Con đường uốn lượn quanh co, dốc cao vực thẳm, phía trước thấy từng đoàn xe máy chở theo “đồ nghề” phá rừng phóng như bay ngược lên thượng nguồn. Người dẫn đường nói: Dọc đường lên cửa khẩu Thanh Thuỷ trước đây bạt ngàn các loại gỗ quý như sến, táu, đinh hương… nhưng mấy năm gần đây “lâm tặc” tàn phá quá mức, nay chỉ còn trơ trọi gốc.



Những cây táu bị “triệt hạ”.

Lên tới Cửa khẩu Thanh Thuỷ theo con đường vành đai biên giới, chúng tôi tấp xe máy vào bụi cây ven đường rồi cuốc bộ xuyên qua những cánh rừng giáp ranh địa phận Hà Tĩnh và dọc biên giới Việt Lào. Luồn sâu vào con đường mòn kéo gỗ thấy rải rác trồi lên những gốc cây đại thụ bị lâm tặc đốn hạ. Hầu hết số gỗ chặt đến đâu thì được “lâm tặc” vận chuyển ngay đến đó. Theo quan sát, phía trước có nhóm người với những cưa xăng, rìu rạ sáng loáng, sắc lẻm khiến chúng tôi không thể tiến vào sâu hơn. Tiếng cưa xăng vang rền tứ bề, gỗ rừng ào ào đổ xuống, những cánh rừng đại ngàn ở Thanh Chương nom tàn tạ như tấm áo rách đang “hấp hối” dưới lưỡi cưa của “lâm tặc”. Nghe dân “lâm tặc” kháo rằng, gỗ rừng nơi đây khai thác theo đơn “đặt hàng”, người mua cần loại gỗ gì là lâm tặc cưa ngay trong rừng luôn. Theo quan sát, tại các bãi tập kết dã chiến, chủ yếu gỗ phiến được xẻ vuông thành sắc cạnh và gỗ tròn.

Cách vận chuyển gỗ lậu ở đây cũng chủ yếu dùng trâu kéo xuyên rừng rồi đưa ra tập kết. Được biết, những khu vực rừng còn nhiều gỗ quý chủ yếu tập trung ở các vùng giáp ranh với biên giới Việt-Lào. Vì vậy, hiện nay lâm tặc vẫn hàng ngày bằng mọi cách chui lủi vào các khu vực này để khai thác. Trên đường về, chúng tôi thấy ven đường cửa khẩu xuất hiện khá nhiều những trạm “trung chuyển” gỗ dã chiến khổng lồ được “nguỵ trang” bằng cỏ và rơm. Theo lời người dẫn đường sở dĩ tập kết sát đường là để tiện lợi cho khâu vận chuyển. Gỗ nhỏ thì người ta đèo xe máy, gỗ lớn thì chuyển bằng ô tô. Chưa kể là gỗ rừng ở Thanh Thuỷ còn xuôi dòng theo sông Rộ để về xuôi.

Chúng tôi tiếp tục vòng về đường Hồ Chí Minh ngược vào xã Ngọc Lâm để vào tuyến đường tuần tra biên giới. Ngay từ bản tái định cư cuối cùng là con đường đã bị lũ quét làm biến dạng thành khe suối. Muốn vào được khu vực này chúng tôi phải vượt qua trạm bảo vệ rừng có rào chắn. Có một nhóm người đang vác theo cưa xăng men theo dòng khe để vào rừng. Chúng tôi bám sát vào cửa rừng đại ngàn thì nhóm người kia ai nấy mặt sát khí đằng đằng chửi rủa: “Vô mà quay bọn tao chặt gỗ là không có đường về đấy”. Người dẫn đường thì thầm: “Chúng nghi ngờ rồi, phải quay ra thôi”. Chúng tôi tiếp cận được với các người dân ở khu tái định cư Ngọc Lâm, được biết: Ngoài người dân tái định cư vào chặt gỗ còn nhiều người dân Thanh Hương vào đây tham gia. Phía trong trạm chốt lâm sản này gỗ được tập kết hai bên đường khá nhiều ,đang chờ xe chở về xuôi. Dọc con đường vào các bản tái định cư, chúng tôi thấy một số người dân vận chuyển gỗ trái phép bằng xe trâu. Người đàn ông tên L ở bản Tả Xiêng - Ngọc Lâm giãi bày: “Bọn tui chở ít gỗ tạp về làm chuồng trâu mà”. Đúng là phía trên có gỗ tạp, nhưng phía dưới xe toàn là những tấm bìa gỗ quý vẫn được chở công khai.

Gỗ lậu phóng cùng xe máy lôi giữa ban ngày

Trên đường về giữa ban ngày, chúng tôi chứng kiến các “lâm tặc” đang bốc gỗ lên xe máy rồi “nguỵ trang” cỏ tươi phía trên, từ xa thấy từng đoàn xe máy nối đuôi nhau chở toàn cỏ. “Lâm tặc” còn “sáng chế” ra loại xe máy lôi kéo gỗ, được gắn phía sau là chiếc xe “ba gác” rất cơ động, có thể chở từ 1-1,5 m3 gỗ luồn lách trên những nẻo đường. Loại xe máy lôi này cũng được nguỵ trang bằng cỏ và rơm, thường “áp tải” theo sau mỗi xe này có khoảng từ 2-3 người, khi cần để đẩy xe lên dốc và bốc hàng nhanh gọn. Đường Cửa khẩu Thanh Thuỷ hiểm trở, dốc núi quanh co nhưng hàng chục xe máy chở gỗ và xe máy lôi chở hàng cồng kềnh vẫn phóng bạt mạng. Xe không còi, bẻ cua lạng lách khiến chúng tôi phải nép vào vách núi.



Những “xe cỏ” phía trong là gỗ lậu phóng như bay
trên đường Cửa khẩu Thanh Thuỷ



Gỗ lậu tập kết ngổn ngang phía sau Trạm QLBVR Khe Máng.

Theo người dẫn đường mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe như thế chạy qua trạm. Ngoài xe máy và xe máy lôi, “lâm tặc” còn dùng ô tô để chở gỗ được ngụy trang bằng cỏ, rơm, hoặc lót bạt một lớp bột đá để đánh lừa người đi đường. Khoảng 1 giờ chiều, chúng tôi thấy có 3 xe máy “chở cỏ” và một xe máy lôi “chở rơm” dừng cách sào barie (Trạm Kiểm lâm Cửa rừng Thanh Thuỷ) khoảng 50 mét. Mấy người điều khiển xe “chở cỏ” chạy vào chốt, loáng cái là chạy ra?

Người dẫn đường cho biết, trước khi chưa xảy ra vụ lật xe gỗ ở Con Cuông thì tình hình vận chuyển gỗ còn rầm rộ hơn. Gỗ từ trong rừng được đưa thẳng về 2 xưởng cưa phía ngoài cửa rừng khoảng hơn 1 km, gỗ lậu vận chuyển theo các đường xương cá dọc đường mòn Hồ Chí Minh bằng mọi cách tuồn về xuôi.

Sau khi chụp được những hình ảnh xe máy chở gỗ lậu ngụy trang trên đường, chúng tôi sắp qua trạm chốt thì bị “lâm tặc” nghi ngờ là nhà báo. người dẫn đường bị một “lâm tặc” chèn xe giữ lại tra hỏi. Trước tình hình ấy chúng tôi phải tháo chạy, và hẹn gặp nhau ở Thị trấn Dùng. Đồng nghiệp tôi rú ga, xe lao như tên bắn, phía sau có 2 xe máy tự chế chở theo 4 thanh niên đầu trọc, đeo kính đen đang rồ ga bám theo chúng tôi. Có thể nói là cuộc rượt đuổi kinh hoàng, xe chúng tôi đã chạy hết tốc độ gần 90 km/h. Nhưng với loại xe chở gỗ tự chế đã “xoáy nòng” khoẻ vô cùng, bọn chúng chạy gần như sát phía sau. Biết không thể đua tốc độ, chúng tôi cho xe rẽ vào quán cà phê ở gần Cầu Rộ, chưa kịp ẩn nấp, 4 “đầu trọc” vừa ập đến, tôi hô to: “Các anh bao vây quán cà phê lại, bọn chúng đã tới”. Tưởng có công an vây bắt, 4 lâm tặc vội vàng vơ lấy xe máy tháo chạy.

Về đến Thị trấn Dùng gặp lại người dẫn đường anh cho hay: Hội này có khoảng trên 100 tên hung dữ lắm. Trong đó già có, trẻ có, nông dân có, thanh niên nghiện ngập có. Hầu hết những “lâm tặc” này đều sống ở xóm 4 xã Thanh Thủy. May mà các anh nghĩ kế thoát thân chứ để chúng áp sát sẽ bị “ăn” kiếm đó. Năm trước, có một kiểm lâm tên Hoan mới về cũng bị chúng đánh cho trọng thương phải nhập viện vì mới về nhận việc chưa biết “luật” rừng.

Sào chắn của Trạm Kiểm soát lâm sản ở Thanh Thuỷ - Thanh Chương vẫn “khi đóng, khi mở” tuỳ theo lưu lượng “lâm tặc” vận chuyển gỗ từ rừng ra. Nói như một người dân địa phương: “Cứ nhìn sào chắn là biết… cách giữ rừng nơi đây”.
(còn nữa)


Nhóm Phóng Viên