Nhà thơ-nhà báo Vũ Từ Trang tâm huyết với nghề truyền thống
Nhà văn-nhà báo Vũ Từ Trang kể lại kỷ niệm lần đầu dẫn nhà thơ Quang Dũng trở về thăm làng của mình. Đấy là một làng cổ thuộc vùng Kinh Bắc (Từ Sơn, Bắc Ninh) có hơn chục làng nghề thủ công nổi tiếng; cái làng còn giữ nguyên nhiều tập tục lề lối cổ. Những mảng tường gạch rêu xanh, những mái ngói thâm u, những con đường lát gạch nghiêng thập thững bước chân trâu...Tất cả, rất dễ gợi lên bao nhiêu cảm xúc xao động cho những ai lần đầu đặt chân tới đây.
(Baonghean.vn) - Nhà văn-nhà báo Vũ Từ Trang kể lại kỷ niệm lần đầu dẫn nhà thơ Quang Dũng trở về thăm làng của mình. Đấy là một làng cổ thuộc vùng Kinh Bắc (Từ Sơn, Bắc Ninh) có hơn chục làng nghề thủ công nổi tiếng; cái làng còn giữ nguyên nhiều tập tục lề lối cổ. Những mảng tường gạch rêu xanh, những mái ngói thâm u, những con đường lát gạch nghiêng thập thững bước chân trâu...Tất cả, rất dễ gợi lên bao nhiêu cảm xúc xao động cho những ai lần đầu đặt chân tới đây.
Đi từ vùng quê cổ kính đó, lại có thêm nhiều năm làm văn làm báo ở Thủ đô Hà Nội, theo dõi mảng sản xuất tiểu thủ công truyền thống dọc ba miền Bắc-Trung-Nam, nên Vũ Từ Trang có nhiều điều kiện làm quen, hiểu biết và viết chuyên sâu về các làng nghề, phố nghề, một số ngành nghề cổ truyền tiêu biểu của Việt Nam. Cuốn sách dày dặn Nghề cổ đất Việt là thành tựu đáng nể của ông sau nhiều năm bôn ba, chắt lọc.
Bắt đầu từ cuốn Nghề đẹp tỉnh Bắc (1981) sau đó là Nghề cổ nước Việt (2001, tái bản 2002), đến năm 2007 thì cuốn Nghề cổ đất Việt ra mắt bạn đọc, 600 trang in giới thiệu 71 nghề, do NXB Văn hóa-Thông tin ấn hành. Từ các nghề như gốm, rèn, đúc đồng, chạm vàng bạc, làm cày bừa, dệt chiếu, nấu rượu, thợ xây... chắc chắn đã có từ xưa xa, đến những nghề ở thế kỷ XX nhiều người hôm nay còn ít nhiều được chứng kiến, như nghề làm tương, làm trống, làm gạch đá ong, tiện gỗ, làm kẹo dừa, làm thuốc lào, sửa chữa kính, làm cốm... Tất cả góp phần tạo nên đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, tâm linh trong hàng ngàn năm, tại nhiều vùng đất khác nhau của nhiều dân tộc anh em. Một điều đáng nói, là dù viết về nghề gì Vũ Từ Trang đều cất công tìm hiểu, khảo sát, đối chiếu cẩn trọng. Lối viết thì dung dị, sinh động và mới mẻ của ngòi bút có văn kiêm làm báo, đi nhiều biết kĩ. Cái tâm của người cầm bút với làng nghề truyền thống rất rõ, nên cuốn Nghề cổ đất Việt không rơi vào những bài ghi chép khô khan, đơn giản, cứng nhắc như khá nhiều bài viết về làng nghề trên báo chí hiện nay.
Nghệ An ta có tương Nam Đàn nổi tiếng, hãy thử đọc một đoạn Vũ Từ Trang viết về nghề làm tương của làng Bần (còn gọi là làng Yên Nhân), thuộc xã Văn Phú, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên: “Từ cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, nghề làm tương đã trở thành nghề thủ công chính của Bần Yên Nhân. Trong làng, hầu như nhà nào cũng sản xuất tương. Có gia đình một năm sản xuất hàng vạn lít tương. Tương ở đây một thời đã được đóng vào từng thùng gỗ có đai, xuất khẩu đi nước ngoài. Công nghệ mới làm tương có những cải tiến mang màu sắc thương mại: dùng sục điện vào từng ang, từng chum tương, thay cho việc ngả tương nhờ nhiệt độ của nắng mặt trời. Cải tiến này tạo ra năng suất nhanh chóng, song chắc chắn chất lượng ủ theo lối truyền thống vẫn có vị thơm ngọt riêng biệt... Ngày nay, dọc hai bên phố Bần Yên Nhân, hàng chục nhà hàng bày bán tương với các chai, các can đựng tương bằng nhựa. Việc phục vụ nhu khách thật tiện lợi. Song không biết có phải hoài khổ không, chứ tôi vẫn thấy tương đựng trong chĩnh sành, trong chai thủy tinh vẫn có vị ngon hơn !”.
Có thể nói, Vũ Từ Trang qua từng dòng ghi chép, khảo cứu luôn mang khát vọng “muốn dựng lại một phần khung cảnh sản xuất trù phú của đất nước ta”, đồng thời tác giả cũng luôn đau đáu câu hỏi “lý do gì để những làng nghề này đang mất dần đi” trong cơ chế thị trường khắc nghiệt, và cuối cùng là tầm nhìn, các chính sách hỗ trợ của nhà nước và các cơ quan quản lý để nhiều nghề thủ công truyền thống không bị mai một dần ?!
Tấm lòng, khát vọng của Vũ Từ Trang với nghề cổ nước mình thật quý! Vậy mà gần đây, có một chuyện gây “sốc” cho ông và đồng nghiệp. Cuốn Nghề cổ đất Việt đã bị một tác giả có tên là Hồ Châu chép lại nguyên văn nhiều trang để tạo nên cuốn Hỏi đáp nghề truyền thống Việt Nam (NXB Thời Đại, 2010)! Cụ thể, có đến 150 trang trong tổng số 172 trang của cuốn Hỏi đáp nghề truyền thống Việt Nam trích hoặc lấy nguyên văn từ cuốn Nghề cổ đất Việt. Nhiều chỗ, sự sao chép “chính xác” đến cả dấu chấm, dấu phẩy... Khi biết chuyện này, nhiều đồng nghiệp nổi đóa, cho đấy là hành vi ăn cắp, đạo văn thô bạo, trắng trợn. Vũ Từ Trang thì buồn lắm, ông viết bài báo “Một việc làm thiếu văn hóa” (Báo Văn Nghệ, số 19, ra ngày 12/5/2012) với yêu cầu sớm nhận được ý kiến phản hồi của NXB Thời Đại và tác giả Hồ Châu; đồng thời kính mong Trung tâm Bản quyền Hội Nhà văn Việt Nam bảo vệ quyền lợi giúp ông, vì ông đã đăng ký bản quyền với Trung tâm rồi !
Sinh năm 1948, năm nay Vũ Từ Trang đã vào tuổi 65. Cái tâm của ông với thơ văn, với nghề cổ đất Việt thật đáng trân trọng. Hy vọng, tấm lòng ấy, kiến thức ấy, khát vọng ấy đã và sẽ còn được các thế hệ tiếp nối nâng niu, bảo vệ, bồi đắp và phát huy vào thực tiễn cuộc sống, cho dù đất nước mình có “hội nhập” mấy đi nữa !
Kim Hùng