Trẻ vùng cao bơ vơ vì tệ nạn ma túy

28/09/2012 19:33

(Baonghean) - Bốn sinh linh bé dại sống trong căn lều trống hoác tại bản Tạng, không chỉ đối mặt với gió mưa và giá lạnh, mà bất cứ lúc nào nơi đây cũng có thể biến thành nơi để lũ trai làng đến chích thuốc khi lên cơn nghiện.

Cái lều tranh ấy là nơi trú ngụ của 3 chị em Đinh Thị Phượng (11 tuổi), Đinh Văn Đạt (9 tuổi) và Đinh Thị Thủy (7 tuổi) và em họ Lô Thị La (7 tuổi). Ông Trưởng bản Lương Viết Trường (bản Tay, xã Tiền Phong - Quế Phong) cho biết: Những cái án ma túy đối với cha mẹ đã biến chúng trở thành trẻ không nơi nương tựa từ mấy tháng nay”.

Cha của Phượng, Đạt và Thủy là Đinh Văn Thắng đã lĩnh án lần thứ 2 vì tội tổ chức sử dụng hêrôin với 7 năm tù giam, mẹ các cháu là Lô Thị Thu “cũng phải 2 năm rưỡi nữa mới về chú à”. Phượng kể về gia đình mình, mắt ráo hoảnh, mặt vô hồn: “Mẹ cháu đi (tù) một lần rồi mấy tháng trước lại đi tiếp. Sau đó là bố cháu cũng đi...”. Còn mẹ của La là Lô Thị Lam – chị của Lô Thị Thu cũng đang phải lĩnh án 14 năm tù giam.



Cháu Đinh Thị Phượng cô độc trong căn lều trống hoác Ảnh: H.V

Từ ngày cha mẹ ngồi tù, bé Phượng lớn nhất nhóm phải mang gùi lên rừng kiếm măng đem bán mới có tiền mua gạo cho đàn em. Tuổi nhỏ, sức yếu, mỗi ngày cô bé chỉ gùi được dăm bảy cân măng, bán được 20.000đ. Những hôm trời mưa, không trèo dốc được, Phượng cùng 3 đứa nhỏ hơn ra các khu chợ gom vỏ chai nhựa đem bán cho các hàng phế liệu. Đêm đến, đám trẻ ngủ trên 3 mảnh ván gỗ ghép lại làm giường, đắp chiếc chăn nhàu nhĩ. Gia tài của đám trẻ gồm 3 cái bát, 1 chiếc nồi, cái mâm nhôm và con dao hái măng của bé Phượng.

Vào những ngày không đi kiếm măng, hết tiền mua gạo, bé Phượng lại dẫn đàn em vào các nhà trong bản xin cơm. Cũng may làng xóm thương tình, không ai nỡ xua đuổi lũ trẻ bất hạnh. Đầu năm học mới, thấy bạn bè đến lớp, vốn ham học, bé Phượng tiếc lắm, nhưng chỉ đến lớp được 2 hôm lại phải quay lại với chiếc gùi. “Mấy em cháu đói, chú ạ, không đi lấy măng không có gạo cho em.” – Cháu bé có gương mặt già dặn hơn cái tuổi 11 nói rành rọt từng tiếng một. Muốn đi học nhưng cái đói và phải mưu sinh ở độ tuổi còn ấu thơ đã dập tắt ước mơ thật nhỏ nhoi được đến trường của Phượng.

Bà Lê Thị Đào, nhà gần đó cũng có đến 6 người gồm các con dâu, con rể lãnh án tù liên quan đến “cái chết trắng”. Có thời điểm một mình bà phải nuôi 13 đứa cháu khi cha mẹ chúng đang phải ngồi tù. Hiện bà Đào cũng đang phải nuôi 4 cháu ngoại. Con gái bà là Nguyễn Thị Hoa đang chịu án 14 năm tù giam vì buôn hêrôin. Không chỉ ở huyện Quế Phong, theo tìm hiểu của người viết, ở các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn còn rất nhiều những trẻ em không nơi nương tựa vì cha mẹ đang thụ án hoặc đã chết vì ma túy. Tại bản Xoóng Kon xã Lưu Kiền (Tương Dương) có cụ ông Vi Văn Quy đã ngoài 70 tuổi đang phải chăm sóc 2 cháu nhỏ có cha đã chết vì sốc khi chích thuốc. Sau cái chết của ông bố 27 tuổi, bà mẹ cũng trốn đi Trung Quốc, bỏ lại 2 cháu nhỏ, đứa lớn nhất mới chỉ 5 tuổi. Ông Quy hiện không còn khả năng lao động nên chỉ còn cách đi xin cơm trong bản về nuôi cháu.

Ông La Văn Miện bản Văng Lin (Yên Thắng – Tương Dương) cũng đã ngoài 70 tuổi nhưng ngày vẫn ngày phải lên rừng kiếm măng, hái nấm, đào củ mài đem bán nuôi 2 đứa cháu ăn học. Ông cụ đã ở tuổi xế chiều này chỉ lo bản thân không thể sống nổi đến ngày cháu trưởng thành. Con trai ông vốn là một con nghiện có thâm niên trên 10 năm, đã bỏ nhà đi biệt xứ từ 2 năm nay, con dâu cũng theo lời rủ rê của bọn buôn người bỏ con cái sang Trung Quốc..

Trên những vùng đất “cái chết trắng” tràn qua, đáng thương hơn cả là những đứa trẻ “không gia đình” đang phải sống nhờ vào sự cưu mang của cộng đồng. Đã đến lúc gióng lên hồi chuông báo động để các cấp chính quyền và các ban, ngành vào cuộc tìm giải pháp giúp đỡ các em. Được biết, đối với trường hợp chị em cháu Đinh Thị Phượng, chính quyền đang có kế hoạch dựng nhà Đại đoàn kết cho các cháu, nhưng xem ra đây không phải là biện pháp có thể giúp các cháu ổn định cuộc sống. Hơn ai hết, những phận đời bé nhỏ này cần một bàn tay chăm sóc của người lớn và được đến trường như các bạn cùng trang lứa.


Hữu Vi – Ngọc Lan